Loại gia vị làm đậm đà bữa cơm gia đình Việt nhưng người bệnh thận nên tránh xa

PV, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:37 27/04/2025
Chia sẻ

Loại gia vị quen thuộc làm đậm đà bữa cơm Việt lại là "kẻ thù thầm lặng" mà người bệnh thận cần tuyệt đối tránh xa để bảo vệ sức khỏe.

Nước mắm là linh hồn của ẩm thực Việt, bởi để tạo ra bất cứ món ăn ngon nào chúng ta cũng không thể thiếu loại gia vị này. Không những vậy, chén nước mắm giữa mâm cơm còn thể hiện một nền ẩm thực đậm đà, khác biệt.

Tuy nhiên, lượng muối trong nước mắm tương đối cao. Thống kê cho thấy trong 100g nước mắm có chứa khoảng 7.720mg natri. Tiêu thụ quá nhiều natri có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp, hại dạ dày, gây nên các bệnh tim mạch...

Theo các chuyên gia sức khỏe, những nhóm người sau đây không nên sử dụng nước mắm dù là trong nêm nếm hay chấm thực phẩm kẻo "rước họa vào thân".

Người bị suy thận mạn tính

Người bị suy thận mạn tính cần hạn chế hoặc tốt nhất là tránh ăn nước mắm. Lý do chính là vì nước mắm chứa hàm lượng natri (muối) rất cao, điều này gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng thận đã suy yếu gánh nặng cho thận. Thận có nhiệm vụ lọc máu và đào thải các chất thải, bao gồm cả natri. Khi thận bị suy giảm chức năng, khả năng đào thải natri cũng suy yếu, dẫn đến natri tích tụ trong cơ thể và gây ra nhiều vấn đề như tăng huyết áp, phù nề, rối loạn điện giải, làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Vì vậy, khi bị suy thận mạn tính ngoài tránh ăn mắm còn nên hạn chế các loại thức ăn có chứa nhiều muối như cá khô, nước tương…

Loại gia vị làm đậm đà bữa cơm gia đình Việt nhưng người bệnh thận nên tránh xa- Ảnh 1.

Người bị suy thận mạn tính cần hạn chế hoặc tốt nhất là tránh ăn nước mắm.

Người bị tiểu đường

Tâm lý phổ biến của người bệnh tiểu đường là “cảnh giác” cao độ với đường và thức ăn ngọt nhưng lại không kiểm soát lượng muối và các gia vị có vị mặn. Đây là một sai lầm cần phải tránh trong chế độ dinh dưỡng điều trị bệnh.

Tiểu đường thường đi kèm với tăng cholesterol, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh có thể đối mặt với những nguy cơ bệnh lý về tim mạch, huyết áp, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... Do đó, người bệnh cần kiểm soát tốt mức năng lượng hấp thụ vào cơ thể: Mức năng lượng chỉ khoảng 1.500 kcal một ngày và phải ăn càng nhạt càng tốt.

Ngoài hai loại gia vị mặn phổ biến là mắm, muối, không nên dùng thêm các phụ gia có Natri như: bột ngọt, bột nêm… không chấm thức ăn đã được nêm nếm với mắm trên bàn ăn.

Người tăng huyết áp

Người bị tăng huyết áp (cao huyết áp) nên hạn chế ăn nước mắm. Lý do chính là vì nước mắm là thứ gia vị chứa nhiều muối. Những người bị bệnh tăng huyết áp tuyệt đối không được ăn nước mắm khi huyết áp đang tăng cao, vì nó có thể khiến người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, choáng váng. Natri cũng có thể gây co thắt các mạch máu, làm hẹp lòng mạch và tăng sức cản lưu thông máu, từ đó làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch như đột quỵ (tai biến mạch máu não); nhồi máu cơ tim; suy tim.

Người mắc bệnh xương khớp

Ăn nước mắm quá mặn sẽ uống nước nhiều, tiểu tiện nhiều sẽ thải ra nhiều canxi qua đường nước tiểu, dẫn đến loãng xương.

Người mắc bệnh tim mạch

Bệnh tim nếu không được phòng tránh và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề, có thể nguy hiểm tính mạng. Chính vì vậy những bệnh nhân tim cần biết rõ các phương thức để phòng tránh và hạn chế để bệnh tình không phát triển. Trong đó, chế độ dinh dưỡng cho người bị bệnh tim là một yếu tố rất quan trọng.

Với những người bị bệnh tim, hạn chế ăn mặn là điều rất cần thiết. Hạn chế ăn mặn có thể giúp những người suy tim, tăng huyết áp giữ tình trạng sức khỏe ổn định, vì vậy nên hạn chế ăn các thực phẩm có vị mặn như nước chấm, nước mắm, cá khô, ruốc...

Loại gia vị làm đậm đà bữa cơm gia đình Việt nhưng người bệnh thận nên tránh xa- Ảnh 2.

Với những người bị bệnh tim, hạn chế ăn mặn là điều rất cần thiết.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng nước mắm

- Viện Dinh dưỡng Quốc gia hướng dẫn mỗi người khỏe mạnh có thể dùng 26g nước mắm mỗi ngày. Những người mắc bệnh thì nên ăn nước mắm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

- Không nên đun nước mắm quá lâu vì mùi vị của mắm sẽ bị bay mất, đồng thời vitamin có trong nước mắm sẽ bốc hơi, làm lãng phí dinh dưỡng.

- Chỉ sử dụng loại nước mắm lên men tự nhiên và không có hóa chất bổ sung, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Khi mua, nên chọn mắm có vị mặn gắt nhưng thơm nồng, ăn có vị ngọt ở cuống lưỡi. Nếu thấy có nhiều cặn từ đáy chai rơi xuống là dấu hiệu kết tủa muối và một số phụ gia khác, không nên dùng.

- Dùng chung bát nước mắm có thể là nguyên nhân lây lan vi khuẩn HP (HP được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày- tá tràng và ung thư dạ dày). Do đó mỗi thành viên trong gia đình cần có bát chấm riêng. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày