Cá anh vũ (danh pháp khoa học: Semilabeo notabilis) là một loài thuộc họ cá chép. Tại Việt Nam, chúng được gọi là loài "cá tiến vua", thuộc nhóm "Ngũ quý hà thủy" (5 loại thủy sản quý nhất).
Theo ghi nhận của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và mạng lưới dành cho các nhà khoa học ReseachGate, loài cá quý hiếm này mới chỉ được ghi nhận tại Trung Quốc và Việt Nam.
Trung tâm thông tin công nghệ sinh học quốc gia Hoa Kỳ (NCBI) cho hay, kể từ năm 2012, cá anh vũ đã được liệt vào Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Tại Trung Quốc, cá anh vũ được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng trong danh sách đỏ về động vật có xương sống. Còn tại Việt Nam, cá anh vũ đã được đưa vào Sách Đỏ với mức độ đe dọa bậc V và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành thủy sản.
Cá anh vũ có thân dày, thuôn dần về phía đuôi, không có râu. Thân cá có màu xám tro, bụng màu vàng nhạt. Miệng phía dưới, rạch ngang, có môi dưới rộng hình tam giác, với nhiều gai thịt tròn nổi.
Theo tạp chí Thủy sản Việt Nam, ở ngoài tự nhiên, cá chỉ xuất hiện vào cuối thu đầu đông khi trời có sương mù, không có mưa trên thượng nguồn, nước trong. Mùa hè mưa nhiều, nước nguồn đục thì hầu như cá không xuất hiện.
Cá anh vũ tại Việt Nam có thể phân ra làm 3 loại, bao gồm cá anh vũ Tây Nguyên, cá anh vũ Phú Thọ và cá anh vũ đầu vàng. Trong đó, cá anh vũ Tây Nguyên sống trong điều kiện môi trường nhiều thức ăn, rong rêu hơn nên trọng lượng lớn, thịt trắng, thơm ngon hơn bất cứ loại cá nào khác.
Cá anh vũ là loài cá quý hiếm của Việt Nam. Ảnh: Wiki
Cá anh vũ Phú Thọ có kích thước gần như nhỏ nhất trong tất cả các dòng cá anh vũ. Tuy nhiên, miệng của chúng lại rõ nét và giống mõm lợn nhất.
Cá anh vũ đầu vàng còn có tên gọi khác là cá hoàng anh vũ, có phần miệng nhỏ hơn hẳn hai loại kể trên nhưng phần đầu của chúng có phần gù nổi to giống với cá La Hán và có đặc điểm gần với cá dầm xanh nên khiến nhiều người nhầm lẫn.
Nhiều người làm ăn tin rằng ăn thịt cá này sẽ gặp may mắn, thuận lợi, vì vậy họ sẵn sàng chi vài ba triệu, thậm chí chục triệu cho một bàn tiệc có món cá anh vũ.
Nhiều người làm ăn tin rằng ăn cá anh vũ sẽ gặp may mắn, thuận lợi. Ảnh: Vietnamforestry
Giá cá anh vũ trên thị trường khá cao, trong đó cá anh vũ đầu vàng thường có giá 2 - 3 triệu đồng/kg. Loại đầu vàng khá hiếm vì khoảng 100 con cái mới có một con đực đầu vàng. Cá đực ngon và thơm hơn hẳn, thịt trắng, dai dẻo hơn. Cá thường có trọng lượng từ 3 - 5 kg/con nên mỗi con cũng có giá cả chục triệu đồng.
Đáng nói, theo ghi nhận của VTC News hồi tháng 1 năm nay, chủ một nhà hàng ở thành phố Việt Trì cho biết rằng, tại Tuyên Quang, cá anh vũ được bán với giá 4 triệu đồng/kg, đến Việt Trì đã lên hơn 10 triệu. Về đến Hà Nội thì không còn giá 10 triệu nữa.
Cá anh vũ cấp đông có giá rẻ hơn nhưng vẫn có nhiều người chịu chơi thích bỏ hơn chục triệu đồng đặt mua cá tươi về ăn.
Trong cá anh vũ ngon nhất là khối sụn môi. Môi cá phát triển như vậy là do chúng chỉ ăn loại rêu mọc trên đá ở lòng sông và thường dùng môi để gặm, lúc ngủ cũng dùng môi để bám trụ vào đá, chống lại luồng nước chảy.
"Cá anh vũ thịt trắng, quánh và thơm ngon hơn bất cứ loài cá nào, nhất là sụn môi của cá rất thơm ngon, nhiều người bỏ tiền ra chỉ để thử miếng sụn môi được lưu truyền tiến vua này. Thịt cá có thể chữa các bệnh nóng nhiệt, táo bón và bồi bổ thận, hoàn, ăn một lần là nhớ mãi" - ông Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho hay.
Cá anh vũ đầu vàng có giá đắt nhất trên thị trường. Ảnh: Vietnamforestry
Từ xưa tới nay chưa bao giờ nghe ai nói câu được cá anh vũ mà chỉ có bắt thủ công. Người mua trả rất nhiều tiền để mua nhưng cá anh vũ cũng chẳng có mà bán. Loại cá này giờ quá hiếm.
Theo dân gian, cá anh vũ có tính mát, có thể chữa các bệnh nóng nhiệt, táo bón, bồi bổ thận, hoàn. Trong thịt còn có một số các khoáng vi chất rất có lợi cho sức khỏe con người mà ở các loại cá khác không có.
Đặc biệt, cá anh vũ rất khảnh ăn, chỉ ăn rêu tảo và sống ở vùng nước trong, không ăn tạp như nhiều loại cá khác nên nhiều người cho rằng chúng thể hiện sự sang trọng.
Hơn nữa, theo sử sách ghi chép lại, đây là loại cá dùng để tiến vua và cúng tế thần linh nên được rất nhiều đại gia Việt yêu thích.
Trong khi đó, đối với những người săn lùng loài cá này thì mặc dù vất vả nhiều, nguy hiểm nhiều nhưng họ tin rằng trong một năm bám trụ trên dòng sông sâu thẳm, chỉ cần mươi lần bắt được cá thì cuộc sống sẽ có nhiều điều hạnh phúc hơn.