Câu chuyện xảy ra với ông Đổng, 70 tuổi, sống ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Hàng xóm ở tầng dưới khiếu nại nhà ông Đổng bị dột, thế nên ông đã thuê nhân viên bảo trì và chi 7.000 tệ (tương đương 25 triệu đồng) để khắc phục chỗ có vấn đề. Về sau, ông Đổng xem bản tin thời sự mới nhận ra hình thức "sửa chữa nhanh" dạo nọ có thể là 1 trò lừa bịp.
Ông Đổng sở hữu 1 ngôi nhà trên tầng 7 tại 1 tòa chung cư tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Con cái ông đều đi làm xa, vợ mất sớm nên hiện chỉ có 1 mình ông sống ở đó. Bên dưới bếp của nhà ông tương ứng với vị trí ban công của người hàng xóm ở tầng dưới. Hàng xóm gần đây cho biết nhà bếp của ông bị dột và thấm ra ban công nhà họ.
Vị trí bếp nhà ông Đổng
Quản lý khu chung cư sau khi kiểm tra đã đưa ra phương án là đập gạch để tìm chỗ rò rỉ nước, sau đó khắc phục nơi bị dột. Ông Đổng cảm thấy quá rắc rối nên đã tìm kiếm trên mạng thông tin công ty sửa chữa rò rỉ nước và đăng ký trên 1 trang quảng cáo. Chẳng bao lâu sau đã có thợ bảo trì tìm đến nhà ông.
"Anh ta đến kiểm tra 1 lúc rồi nói rằng sửa cũng không khó, không cần đập gạch, tháo dỡ ban công, sửa chữa sẽ làm ở nhà tầng 6. Tôi nghe xong thấy quá hợp lý nên chẳng nghĩ nhiều mà đồng ý luôn" - Ông Đổng nói.
Ông cho biết thêm, lúc đó thợ bảo trì nói với ông là không cần tìm chỗ dột, chỉ cần đục lỗ và bơm keo lên phía trên ban công tầng 6 là có thể bít chỗ rò rỉ nước.
Ông Đổng nói, trước khi đục lỗ và bơm keo, người thợ bảo dưỡng đã nói với ông giá của nửa cân keo sẽ là 180 tệ (tương đương 643 nghìn đồng). Ông thầm nghĩ giá cũng không rẻ nhưng chắc cũng không mất nhiều keo. Tuy nhiên khi thợ làm xong việc, ông Đổng không khỏi ngã ngửa trước cái giá phải trả.
"Làm có 1 loáng mà dùng hơn 20 cân keo, báo giá lúc đó là hơn 8.000 tệ (tương đương 28,6 triệu đồng) khiến tôi vô cùng choáng váng. Tôi thực sự không nghĩ anh ta sẽ dùng nhiều keo như thế, sau 1 hồi mặc cả chỉ xuống được 7.000 tệ (tương đương 25 triệu đồng)" - Ông Đổng nói.
Tuy nhiên đến ngày hôm sau, trong khi vấn đề của nhà hàng xóm ở tầng dưới được giải quyết, thì bếp của ông bắt đầu bị rò rỉ nước.
Bếp của nhà ông Đổng bị rò rỉ nước
Công ty sửa chữa thấm dột hứa hẹn bảo hành 10 năm, nhưng khi ông liên hệ với bên chăm sóc khách hàng thì nhận được câu trả lời khiến ông rất tức giận.
"Họ nói tôi hoàn lại tiền mặc cả lúc trước rồi sẽ cử người khác tới sửa dứt điểm cho" - Ông Đổng bức xúc nói.
Ông cho biết thợ sửa không có quần áo bảo hộ lao động, hợp đồng cũng chưa ký, điều ông mong muốn nhất lúc đó là không phải đập gạch mà vẫn sửa được những chỗ rò rỉ.
Thực chất hiện nay trên thị trường, các công ty sửa chữa chống thấm dột chuyên nghiệp không còn sử dụng phương pháp đục lỗ, bơm keo nữa mà sử dụng các dụng cụ để dò tìm chỗ dột và sau đó sửa chữa chúng. Bên cạnh đó, giá keo trên thị trường chỉ 4 tệ (tương đương 14,3 nghìn đồng)/nửa cân, ngoài ra chỗ dột nhà ông Đổng không cần đến tận 20 cân keo. Tuy nhiên, đến khi ông Đổng biết được sự thật thì đã muộn.
Trong vài năm trở lại đây, Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đã đưa ra 1 cảnh báo đặc biệt dành cho người tiêu dùng: Bên cạnh việc đánh vào tâm lý người già là giá rẻ và dịch vụ phải tiện lợi, người tiêu dùng nên cẩn thận với các dịch vụ thông qua quảng cáo không rõ nguồn gốc ở trên mạng. Đồng thời phải giữ được lý trí, tốt nhất nên hỏi ý kiến người thân, đừng mù quáng nghe theo lời hứa suông của người bán hàng, nếu phát sinh vấn đề sẽ giảm thiểu được thiệt hại.
Nguồn: 163