MAMA 2019 đã xác nhận sự kiện sắp tới sẽ được tổ chức tại Nhật Bản, mặc cho tình hình chính trị căng thẳng giữa Hàn Quốc và xứ sở hoa anh đào. Netizen của cả hai quốc gia đều đồng loạt phản đối sự kiện này, đặc biệt là netizen Hàn. Một phần vì lòng tự tôn dân tộc rất cao của người dân xứ củ sâm, phần vì đã từ lâu Hàn Quốc không đăng cai sự kiện âm nhạc lớn nhất nhì châu Á này khiến cho các fan mất đi một cơ hội được gặp gỡ các thần tượng. Điều này làm thổi bùng lên làn sóng tranh cãi gay gắt về việc tại sao Nhật Bản luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt từ các công ty giải trí, idol Kpop đến vậy?
Nhìn lại toàn bộ chặng đường từ con số 0 tròn trĩnh cho đến khi bành trướng toàn cầu của nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, không khó để nhận ra Nhật Bản chiếm một phần không hề nhỏ tạo nên thành công của Kpop ngày hôm nay. Từ Gen 2 cho đến Gen 3, các thần tượng ngày càng mở rộng quy mô cho những hoạt động của mình tại đất nước đầy tiềm năng này và thu về thành công ngoài sức tưởng tượng.
Các fan Kpop Gen 2 chắc chắn không thể nào quên những cái tên DBSK, BoA, SNSD... đặt nền móng đầu tiên cho nền âm nhạc nước nhà tại xứ mặt trời mọc. Hai đêm diễn ở Tokyo Dome của "Những vị thần phương Đông" thu hút hơn 110.000 khán giả đã đi vào huyền thoại. Cùng với DBSK, "công chúa nhạc Pop châu Á" BoA tiếp tục phá bỏ hàng rào ngăn cách trong việc xuất khẩu văn hoá giữa hai nước Hàn - Nhật khi là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên có 2 album tẩu tán 1 triệu bản tại Nhật. Tiếp nối thành công của tiền bối, 9 cô gái SNSD "càn quét" bảng xếp hạng Oricon với 3 album đạt No.1 - thành tựu "vô tiền khoáng hậu" đối với một nhóm nhạc nữ nước ngoài lúc bấy giờ, cùng vô số những thành tựu nổi bật khác...
DBSK...
... BoA - những người đi đầu trong công cuộc khai phá đất nước mặt trời mọc.
Thế hệ idol Gen 3 cũng không hề kém cạnh khi chứng kiến sự "tung hoành" của 2 cái tên BTS và TWICE tại thị trường Nhật Bản. Nói không với các chiêu trò media-play hay thao túng truyền thông, những sản phẩm phát hành bằng tiếng Nhật của BTS và TWICE vẫn "càn quét" mọi bảng xếp hạng.
Album tiếng Nhật "Face Yourself" của BTS nhận được Chứng nhận Bạch Kim ngay trong tuần đầu tiên phát hành với hơn 282.000 bản tẩu tán được. Đồng thời album thiết lập kỉ lục trên BXH Billboard 200 khi đứng thứ 43 - là album tiếng Nhật đầu tiên của một nghệ sĩ Hàn đạt được thứ hạng này. TWICE không hề lép vế khi vừa giật lại ngôi vương từ BTS ở "mặt trận" Youtube với MV "Breakthrough" đạt 50 triệu lượt xem - MV tiếng Nhật của nghệ sĩ Hàn có nhiều view nhất. Đó là minh chứng cho mức độ phổ biến không thể coi nhẹ của 9 cô gái nhà JYP tại Nhật Bản, bởi BTS vốn được mệnh danh là "ông hoàng Youtube".
BTS...
... TWICE là những nhóm nhạc gen 3 nổi bật tại Nhật.
Ngoài hai tên tuổi nổi bật trên, các nhóm nhạc khác như BLACKPINK, EXO, WINNER, SEVENTEEN, Red Velvet, IZ*ONE... đang dần khẳng định mức độ phổ biến của mình tại đất nước này với thành tích nhạc số khả quan và lượng album bán được tăng dần đều qua các lần comeback. Thậm chí "tân binh khủng long" IZ*ONE còn cho thấy tiềm năng bán đĩa vượt trội tại Nhật Bản, với doanh số single sau ngày đầu mở bán vượt ngưỡng 192.000 bản cho ca khúc "Buenos Aires" - con số đáng mơ ước của nhiều nhóm nhạc nữ.
IZ*ONE thể hiện khá tốt trên đất Nhật.
BTS và BLACKPINK - hai "cái tên vàng của làng đi tour", khiến fan lại "than trời" khi lịch trình world tour tiếp tục thiên vị Nhật Bản. Trong khuôn khổ "Love Yourself World Tour", BTS đã dừng chân 4 đêm tại Nhật, gấp đôi Hàn Quốc với 2 đêm, tương tự BLACKPINK trong khuôn khổ World Tour "In Your Area". Boygroup toàn cầu cũng từng dự kiến tham gia chuỗi một loạt các hoạt động và sự kiện tại xứ sở hoa anh đào hồi cuối năm 2018. Thậm chí các chàng trai còn được mời tham dự sự kiện đón giao thừa trên một kênh truyền hình tại Nhật Bản, dù những hoạt động này sau đó đã bị huỷ do sự cố trang phục của thành viên Jimin. Nhưng chỉ với lịch trình dự kiến cũng đủ để chứng tỏ mức độ đầu tư "khủng" của boygroup nhà Big Hit cho đất nước này.
Có thể thấy việc idol Kpop hoạt động mạnh mẽ tại Nhật Bản không phải chuyện gì mới mẻ. Việc MAMA 2019 được tổ chức dưới cái mác "giao lưu văn hoá các nước châu Á" chỉ là "giọt nước tràn ly" khiến các fan Kpop lên tiếng vì sự khó hiểu này, nhất là khi tình hình chính trị giữa hai quốc gia Hàn - Nhật đang vô cùng căng thẳng.
Tuy nhiên, để biết có thực sự "khó hiểu" hay không, người hâm mộ cần phải nhìn nhận lại những tiềm năng khổng lồ mà thị trường xứ sở hoa anh đào mang lại khiến cho các công ty giải trí Hàn Quốc lẫn các nhà đài đều không thể ngó lơ...
Nhật Bản là một điểm dừng chân duy nhất của MAMA năm nay.
Trước hết, Nhật Bản sở hữu thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Thông tin này khiến không ít người bất ngờ bởi nền công nghiệp J-pop vốn không để lại nhiều tiếng tăm trên trường quốc tế. Những ai quan tâm tới J-pop đều hiểu rằng thị trường âm nhạc Nhật Bản đã quá mức rộng lớn, đủ để nghệ sĩ chỉ cần tập trung bán đĩa, goods, vé concert... cho khán giả trong nước mà vẫn thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy các công ty giải trí tại đất nước này thường không mảy may để ý đến chuyện quảng bá nghệ sĩ ra nước ngoài mà chỉ tập trung khai thác doanh thu nội địa.
Đây chính là yếu tố khiến cho mọi nỗ lực chinh phục "giấc mơ Mỹ" của những "ông lớn" Kpop trong suốt thập kỷ vừa qua đều thất bại. Thất bại trên đất Mỹ, các nghệ sĩ Hàn Quốc lại đại thắng trên đất Nhật với gout âm nhạc tương đồng của công chúng hai nước. Việc âm nhạc được tiếp nhận mới là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến mức độ phổ biến và việc mở rộng fandom của các idol. Fandom ngày càng vững chắc là cơ sở cho thành công về lâu dài của các nghệ sĩ.
TWICE là ví dụ điển hình cho việc âm nhạc của nhóm được đón nhận rộng rãi trên đất Nhật. Dù có màn "lột xác" ngoạn mục trong concept đầy mạnh mẽ với "Breakthrough", hình tượng làm nên tên tuổi của 9 cô gái nhà JYP vẫn là concept đáng yêu, trong sáng sau gần hai năm Nhật tiến. Nhờ đó mà những ca khúc của nhóm theo concept dễ thương như "One More Time", "Wake Me Up"... đều "ăn nên làm ra" trên các bảng xếp hạng Nhật Bản.
MV "One More Time" – TWICE
Không chỉ làm tốt mảng nhạc số, khả năng bán đĩa của TWICE còn giúp nhóm thu về 4 chứng nhận bạch kim cho album tổng hợp "#TWICE" cùng 3 đĩa đơn liên tiếp "One More Time", "Candy Pop" và "Wake Me Up". Đặc biệt hơn, "Wake Me Up" là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của một nghệ sĩ nữ ngoại quốc giành được chứng nhận bạch kim kép với hơn 500.000 bản bán ra, chứng tỏ vị thế của 9 cô gái tại thị trường âm nhạc thứ 2 thế giới.
MV "Wake Me Up" – TWICE
Một cái tên khác gây bất ngờ khi thành tích nhạc số tại Nhật Bản "vượt mặt" cả BTS là WINNER. Tháng 6 vừa qua 4 chàng trai nhà YG phát hành mini album dưới dạng nhạc số mang tên "WE" gồm các ca khúc tiếng Hàn chuyển sang lời Nhật như "MILLIONS", "AH YEAH". Trên Line Music (trang nghe nhạc trực tuyến lâu đời nhất tại đây), album "WE" đứng đầu BXH hằng ngày và BXH tuần trong 5 ngày liên tiếp, đẩy 7 chàng trai nhà Bighit xuống vị trí á quân với single "Lights". Bất chấp chuỗi scandal chấn động châu Á của công ty chủ quản YG, thành tích nhạc số khả quan cho thấy khán giả Nhật vẫn dành sự yêu thích cho âm nhạc của WINNER nói riêng và Kpop nói chung.
WINNER rất được yêu thích tại Nhật.
Không chỉ chinh phục người Nhật ở phần nghe, vũ đạo và visual "đẹp như hoa" còn giúp các idol Kpop ghi điểm tuyệt đối phần nhìn. Những cuộc khảo sát bình chọn về nhan sắc của các nữ idol được cập nhật thường xuyên. Những visual đình đám như Irene (Red Velvet), Jisoo (BLACKPINK), Tzuyu (TWICE), YoonA (SNSD)... liên tục lọt top. Tất cả nhờ vào quá trình lựa chọn thực tập sinh và đào tạo khốc liệt của nền công nghiệp Kpop - mô hình mà ngành giải trí Nhật Bản luôn muốn học hỏi.
Sở trường của các công ty giải trí Hàn Quốc là "đánh hơi" thấy mùi... tiền. Vậy thì Nhật Bản chính là thị trường hoàn hảo để các công ty và nghệ sĩ thoả sức "cá kiếm"!
Nhật Bản vốn sở hữu tiềm lực kinh tế vững mạnh, người dân có điều kiện về vật chất. Fan Nhật sẵn sàng vung tiền không tiếc tay để mua album, goods, vé tham dự concert... để ủng hộ thần tượng. Đây là nguồn thu nhập chính đem lại lợi nhuận khổng lồ cho toàn bộ nghệ sĩ của nền công nghiệp âm nhạc tỷ đô này. Dù thị trường Nhật rất "khó tính" nhưng một khi đã "yêu rồi" là fan Nhật sẽ không hề tiếc nuối điều gì cả!
Cách hoạt động fanclub vô cùng bài bản cùng sự thể hiện tình cảm của fan Nhật đối với idol vô cùng thiết thực... và tiền thì cứ đi thẳng vào túi của các công ty giải trí. Bởi sao mà họ không thể làm ngơ thị trường này được, luôn phát hành song song bản tiếng Nhật bên cạnh tiếng Hàn, mạnh hơn thì đầu tư quay MV và quảng bá rầm rộ là dễ "hốt bạc" như chơi.
Fan Nhật sẵn sàng vung tiền không tiếc tay để mua album, goods, vé tham dự concert... để ủng hộ thần tượng.
Công bố hồi tháng 6 của Oricon Chart là minh chứng rõ nhất cho doanh thu "khủng" của nghệ sĩ Kpop. BXH công bố những cái tên "cá kiếm"được nhiều nhất tại xứ sở phù tang. Bên cạnh những cái tên kỳ cựu của xứ sở hoa anh đào, TWICE là một trong hai đại diện Kpop góp mặt vào danh sách. Nhóm xuất sắc đạt hạng 4, với doanh thu lên đến 23 triệu đô la (khoảng 536,2 tỷ đồng). BTS dù mới chỉ come back hồi tháng 4, nhưng sau 2 tháng cũng có mặt ở hạng 10 với doanh thu đạt 18 triệu đô la (khoảng 419,5 tỷ đồng), nhờ vào siêu phẩm "MAP OF THE SOUL: PERSONA". Nếu nói về trọng số doanh thu từ Nhật, Hàn và những thị trường khác thì phải công nhận rằng, không ai có thể bỏ qua được thị trường Nhật Bản - một mảnh đất sinh ra lợi nhuận khổng lồ cho các ông lớn.
Với tất cả những yếu tố trên, có lẽ các fan Kpop đã hiểu tại sao idol liên tục Nhật tiến mà không phải là quốc gia nào khác. Một cường quốc về kinh tế như Nhật Bản hẳn sẽ thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực, trong đó ngành công nghiệp giải trí là một đơn cử tiêu biểu.
Tuy nhiên không vì thế mà các fan Kpop quốc tế thôi nuôi hy vọng, đặc biệt là fan tại các quốc gia Đông Nam Á. Nếu thị trường Nhật Bản luôn được ưu tiên hàng đầu, thị trường Mỹ là mục tiêu đường dài thì thị trường Đông Nam Á lại được xếp vào dạng "tiềm năng" nhờ tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng cùng nhiều cá nhân sớm bộc lộ tài năng nghệ thuật. Các "ông lớn" như Big Hit, SM, Cube đều đã nhìn ra được triển vọng to lớn của những quốc gia này, bằng chứng là các cuộc audition tại Việt Nam, Thái Lan... với quy mô ngày càng mở rộng. Hơn nữa, trào lưu mua album, đi concert ngày càng phổ biến hơn, cho thấy các fan đã có ý thức về việc ủng hộ một cách thiết thực cho idol.
Vì vậy các fan hoàn toàn có quyền hy vọng vào những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế tại những quốc gia này, là tiền đề để các fan có thêm nhiều cơ hội được các thần tượng "ghé thăm"!