Kiếm 80 triệu trong 2 tháng cận Tết, bảng chi tiêu của chàng trai 26 tuổi tiết lộ 1 điều khiến ai cũng “ước lấy được người chồng thế này”

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 07:17 24/01/2025
Chia sẻ

“Còn trẻ mà đã nghĩ được thế này thì sau này vợ con được nhờ lắm đây”.

Phần lớn chúng ta thường nghĩ rằng phụ nữ là người giỏi vun vén hơn đàn ông, chẳng phải tự nhiên mà từ xưa đến nay, vai trò “tay hòm chìa khóa” thường thuộc về người vợ.

Tuy nhiên, chia sẻ của chàng trai 26 tuổi hiện đang còn độc thân dưới đây, khiến nhiều người phải thốt lên: “Đàn ông mà quyết tâm quản lý tài chính thì có khi còn đỉnh hơn chị em chúng mình”.

Kiếm được bao nhiêu cũng chỉ tiêu 5,5 triệu/tháng

Trong bài đăng của mình, chàng trai cho biết: “Em là nam, 26 tuổi, hiện đang sống ở Hải Phòng. Mục tiêu của em là mua được nhà trong tương lai gần nhất, mong được các anh chị góp ý, cho lời khuyên ạ.

Kiếm 80 triệu trong 2 tháng cận Tết, bảng chi tiêu của chàng trai 26 tuổi tiết lộ 1 điều khiến ai cũng “ước lấy được người chồng thế này”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

- Thu nhập cố định hàng tháng: 15 triệu đồng. Tháng nào có thêm thưởng hoặc công tác phí, lương ngoài thì sẽ cao hơn

- Tổng thu 2 tháng trước Tết (bao gồm cả tiền thưởng Tết): 80 triệu. Tiết kiệm 50 triệu, 30 triệu gửi biếu bố mẹ và sắm Tết cho bố mẹ

- Chi tiêu cá nhân hàng tháng: 5,5 triệu (2-3 triệu tiền ăn, 500k xăng xe, 1-2 triệu tiền phát sinh)

- Gửi tiền vào tài khoản của mẹ: 1 triệu, tháng nào lương cao hơn thì sẽ chuyển thêm 2-3 triệu nữa

- Tiết kiệm: 8 triệu/tháng (tháng nào thu nhập cao thì sẽ tiết kiệm thêm 5-7 triệu nữa)

- Tài sản hiện có của em gồm: Sổ tiết kiệm 200 triệu, 1 lô đất 100m2 bố mẹ cho, 1 mảnh vườn 1000m2 bố mẹ cho.

Tương lai em muốn mua 1 căn chung cư dạng nhà ở xã hội tầm 1,4-1,6 tỷ, hoặc xây nhà nhỏ nhỏ cạnh nhà bố mẹ. Nếu về gần bố mẹ và xây nhà trên đất bố mẹ cho thì không cần vay mượn nhiều, nhưng nếu mua nhà ở xã hội thì cũng phải vay tiền tỷ. Bố mẹ em làm nông nên cũng không hỗ trợ được nhiều”.

Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều phải cảm thán trước tư duy tiết kiệm và cách đặt mục tiêu, phấn đấu cho tương lai của chàng trai này. Thậm chí, không ít người còn phải thốt lên “ước gì lấy được người chồng như bạn này”.

“Bạn giỏi thật đấy. Mình thu nhập khoảng 45 triệu/tháng, 27 tuổi mà cũng không để ra được mấy, còn chẳng biết tính toán lo nghĩ xa như bạn”.

“Mình con gái, thu nhập 30-40 triệu/tháng mà cũng không dư mấy đồng, nể bạn này thật. Cứ bảo đàn ông hay tiêu pha linh tinh chứ đúng là cũng còn tùy người. Đàn ông mà chịu vun vén có khi còn giỏi hơn chị em chúng mình”.

“Bố mẹ có đất để cho cũng là hỗ trợ rồi bạn à. Với mức thu nhập và tài sản hiện có của bạn (không biết bố mẹ đã sang tên cho bạn mảnh đất chưa, nếu rồi thì khó mà mua nhà ở xã hội được), nên phương án mua nhà ở xã hội mình nghĩ không khả thi. Về xây nhà trên mảnh đất của bố mẹ cũng được nếu thuận tiện đi làm, còn không thì cứ mua chỗ khác, vợ chồng thấy hợp lý là được. Dù sao trong cùng 1 thành phố thì cũng không sợ khó về thăm bố mẹ.

Còn việc vay tiền mua nhà, trả trong 5-10 năm, mình nghĩ với sức kiếm tiền cũng như tư duy của bạn, thì sẽ trả được thôi. Chúc bạn sớm an cư lạc nghiệp” - Một người phân tích.

“Mình nghĩ về lâu dài, bạn tính làm việc ở đâu thì nên xây nhà ở gần đó. Có thể cắm mảnh đất bố mẹ cho để vay ngân hàng tiền mua đất xây nhà. Bây giờ nếu được thì tìm cách cho thuê mảnh đất ấy, kiếm nguồn thu nhập thụ động cũng tốt.

Còn trẻ, chăm chỉ làm lụng tích lũy nhưng cũng nên để ý, chăm sóc sức khỏe bạn nhé. Không biết bạn làm gì nhưng mình thấy các bạn trẻ mà kiếm tiền giỏi bây giờ thường bào sức lắm, nên cân bằng chút mới có sức đi đường dài. Chúc bạn sớm đạt được mục tiêu mua nhà” - Một người khác nhắn nhủ.

Phải có mục tiêu rõ ràng mới có động lực tiết kiệm!

So với mức thu nhập và số tài sản hiện có, không khó để nhận ra chàng trai 26 tuổi này chi tiêu ở mức gần như tối thiểu: 5,5 triệu/tháng, một phần vì không mất tiền thuê nhà, nhưng phần lớn là vì mong muốn tiết kiệm để “có nhà sớm nhất có thể”.

Kiếm 80 triệu trong 2 tháng cận Tết, bảng chi tiêu của chàng trai 26 tuổi tiết lộ 1 điều khiến ai cũng “ước lấy được người chồng thế này”- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mục tiêu rất rõ ràng, nên cũng không có gì lạ khi ngoài những khoản chi phí cố định, chàng trai này gần như chẳng ăn chơi, mua sắm hay chi tiêu gì khác.

Vậy mới thấy đích đến quan trọng thế nào trong việc hình thành và duy trì thói quen, động lực tiết kiệm. Nếu cứ chỉ nói khơi khơi “phải tiết kiệm tiền mới được”, nhưng tiết kiệm để làm gì, phục vụ cho mục tiêu gì trong tương lai thì lại chẳng rõ, thành ra chẳng tiết kiệm được, âu cũng là điều dễ hiểu.

Thử nhìn lại tình hình tài chính của bản thân trong năm vừa qua, và cả những năm trước, phải chăng, chúng ta chưa “tiết kiệm thành công”, là vì vẫn còn quá mơ hồ với tương lai của chính mình?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày