Hôm nay đã là ngày 24 tháng Chạp. Theo lịch nghỉ Tết của nhà nước, chúng ta chỉ còn 01 ngày làm việc nữa là sẽ chính thức bước vào kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Lúc này, nhiều người đã nhận được tiền lương tháng 1 và tiền thưởng Tết của công ty.
Bao nhiêu dự định sắm Tết cũng chỉ chờ mỗi hai tiếng "ting ting" ấy là sẽ được triển khai. Có tiền tiêu Tết đương nhiên là vui. Nhưng cũng đừng vung tay quá trán, vì sau Tết, còn hơn 20 ngày mới tới kỳ lương tiếp theo.
Dẫu vậy, đó vẫn chưa phải là "chướng ngại" lớn nhất. Lý do khiến chúng ta nên dè chừng khi tiêu tiền lương tháng 1 và tiền thưởng Tết chính là khoản trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Nếu bạn chưa biết: Thuế TNCN là thuế trực thu, được tính căn cứ dựa trên thu nhập của người nộp thuế khi đã trừ đi các khoản thu nhập được miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân cùng các văn bản, hướng dẫn liên quan.
Hiện nay, người có mức lương trên 11 triệu đồng/tháng (tương đương trên 132 triệu đồng/năm) mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo Luật, tiền thưởng Tết là khoản thu nhập chịu thuế. Người lao động có nghĩa vụ đóng thuế TNCN cho khoản tiền thưởng này theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Cụ thể như sau:
- Dưới 5.000.000đ: Phải đóng thuế 5%.
- Từ 5.000.000đ - 10.000.000đ: Phải đóng thuế 10%.
- Từ 10.000.000đ - 18.000.000đ: Phải đóng thuế 15%.
- Từ 18.000.000đ - 32.000.000đ: Phải đóng thuế 20%.
- Từ 32.000.000đ - 52.000.000đ: Phải đóng thuế 25%.
- Từ 52.000.000đ - 80.000.000đ: Phải đóng thuế 30%.
- Trên 80.000.000đ: Phải đóng thuế 35%.
Như vậy tính ra, tiền lương tháng 2 mà chúng ta được nhận sẽ bị trừ 2 khoản thuế TNCN: Một khoản dựa theo lương tháng 2, một khoản truy thuế từ khoản tiền thưởng Tết.
Mỗi công ty, mỗi doanh nghiệp sẽ có 1 lịch thanh toán lương khác nhau. Có nơi trả lương vào ngày cuối tháng, có nơi trả lương vào ngày giữa tháng, thậm chí cũng không ít nơi trả lương 2 lần/tháng.
Dù lịch trả lương của công ty bạn có rơi vào ngày nào đi chăng nữa, có 1 điều chắc chắn là lương tháng 2 sẽ giảm so với những tháng trước, vì khoản truy thuế TNCN đã nêu trên.
Bởi vậy, để không nhẵn túi và thiếu tiền trang trải cuộc sống sau khi nghỉ Tết, bạn cần làm ngay 2 việc dưới đây.
1 - Để dành 1 khoản lo chi phí cơ bản
Một vài khoản chi phí cơ bản cần lo sau Tết có thể kể đến: Tiền thuê nhà cùng tiền phí dịch vụ, tiền ăn, tiền đi lại,...
Tùy vào tình hình hiện tại cũng như nhu cầu cá nhân mà mỗi người sẽ cần 1 mức ngân sách khác nhau để trang trải những khoản chi này. Phương án tốt nhất chính là chuẩn bị dư ra một chút, vì không thể loại trừ trường hợp đầu xuân năm mới, chúng ta sẽ có những cuộc hẹn cà phê, ăn uống, tụ tập,... nhiều hơn thường lệ.
2 - Tiêu Tết có chừng mực
Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, ngân sách tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể.
- Tiền đi lại (cả 2 chiều)
- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)
- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)
- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)
Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm, ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục "Tiền chăm sóc bản thân" chẳng hạn.
Tất cả vì một năm mới an tâm và bớt lo lắng chuyện tiền bạc, chứ chẳng ai muốn chưa hết tháng Giêng, tiền đã bay sạch, đúng không?