Trước đây khi mới đi làm, mức lương khởi điểm mà tôi nhận được cho vị trí thực tập sinh là 3000 Tân Đài tệ (khoảng 2,3 triệu đồng).
Với mức thu nhập như vậy, tôi từng cảm thấy tuyệt vọng và nghĩ rằng mình sẽ chẳng sống nổi. Làm sao tôi có thể trang trải tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt và những khoản lặt vặt khác? Lúc đó, tôi thậm chí đã nghĩ tiết kiệm là giấc mơ mình mãi mãi không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, khi nỗ lực cắt giảm chi tiêu tối đa để có thể sống với số tiền ít ỏi ấy, tôi lại nhận ra việc tiết kiệm tiền không khó như tôi nghĩ. Trong vòng 2 năm, tôi đã tiết kiệm được gần 50.000 Tân Đài tệ (khoảng 38 triệu đồng).
Bí quyết của tôi không có gì cao siêu, ngoài việc chấp nhận "sống khổ một chút" để cắt giảm chi tiêu tối đa.
Tôi thường mua thịt tươi, không phải thịt hay hải sản đông lạnh, và ưu tiên chọn những khay thịt sắp hết hạn trong siêu thị. Chúng thường được giảm giá ít nhất 30%, hoặc đôi khi sẽ là mua 1 tặng 1. Đây thực sự là món hời đối với người lương thấp như tôi.
Loại thịt sắp hết hạn này thực tế không phải thịt ôi thiu hay kém chất lượng. Thịt trong siêu thị thường chỉ có hạn sử dụng 3 ngày, nhưng chúng được bảo quản lạnh nên sang đến ngày thứ 4, thứ 5, chất lượng vẫn tốt. Với người lương thấp như tôi, có thể mua được thịt giá rẻ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã là điều may mắn, thịt cận date cũng chẳng phải vấn đề.
Tương tự với rau củ quả, tôi cũng chỉ mua những loại đang được giảm 50% hoặc mua 1 tặng 1, đôi khi là mua 1 tặng 2, đặc biệt là sau 9h tối. Tôi thường đi siêu thị vào giờ này, vì rất nhiều hàng giảm giá.
Áp dụng cách mua thực phẩm như vậy, tôi có thể giới hạn tiền ăn 1 tuần ở mức 200 Tân Đài tệ (khoảng 153 nghìn đồng), mà vẫn ăn đủ ngày 3 bữa, có thịt, có rau và hoa quả.
Ngày ấy, đi xe bus với tôi cũng là điều xa xỉ, vì vé xe bus 1 tháng cũng bằng tiền ăn trong vòng 10 ngày. Thế nên tôi chọn cách dậy sớm và đi bộ đi làm. Văn phòng cách chỗ tôi ở khoảng 2,7km. Vậy là trung bình 1 ngày, tôi sẽ đi bộ khoảng 5,4 km chưa tính quãng đường đi siêu thị.
Tôi cho rằng với những người có mức thu nhập thấp, đi bộ thực sự là một điểm cộng. Chúng ta vừa có thể tiết kiệm tiền đi lại, vừa có thể vận động, rèn luyện thể lực một cách miễn phí bởi vì đi tập gym hay các hình thức khác là điều quá xa xỉ. Chẳng có hình thức tập luyện nào miễn phí, ngoại trừ việc đi bộ.
Tôi là thành viên tích cực trong các cộng đồng trao đổi, cho - nhận đồ cũ. Với một người đang phải tiết kiệm từng hào để có tiền ăn, tiền thuê nhà như tôi, việc chi tiền để mua một đôi giày hay 1 bộ quần áo mới là điều quá xa xỉ.
Cộng đồng cho - nhận đồ cũ thực sự là cứu cánh của tôi khi ấy. Có những người giàu, họ mua nhiều đồ đến mức chỉ mặc 3-4 lần đã chẳng muốn diện lại nữa. Họ cũng không có đủ thời gian để thanh lý từng món đồ, tất cả những gì họ cần chỉ là có người tới gom tất cả những món đồ họ không còn dùng, và mang đi.
Tôi đã gặp rất nhiều người như vậy. Thậm chí, tôi còn có thể kiếm thêm được một ít tiền từ việc này. Có những món đồ tôi nhận nhưng không sử dụng được, nên tôi đã đăng bán chúng. Tôi thực sự biết ơn cộng đồng cho - nhận đồ cũ này.
Tôi đã ở kí túc xá suốt những năm còn là sinh viên, nên việc thuê nhà trọ giá rẻ, dạng kí túc xá, thực chất, không phải là khó khăn gì quá lớn với tôi. Trở ngại duy nhất chỉ là vì tôi chọn phòng giá rẻ nhất 700 Tân Đài tệ/tháng (khoảng 530 nghìn đồng), nên phòng sẽ có 10 người ở, và nhà vệ sinh lẫn nhà tắm sẽ phải dùng chung với 3 phòng nữa. Việc này khá bất tiện, vì khoảng 30 người sẽ dùng chung 1 nhà vệ sinh, nhưng đổi lại, vì tất cả đều là người thu nhập thấp, nên chúng tôi khá hiểu và thông cảm cho nhau.
Tôi không muốn trở thành 1 người keo kiệt, bủn xỉn, nhưng ở thời điểm đó, tôi thực tình không có sự lựa chọn nào khác. Những người bạn thân cũng hiểu và thông cảm cho tôi, họ thường mời tôi nước hoặc không yêu cầu tôi góp tiền trong những buổi gặp mặt. Tôi thực sự rất biết ơn điều đó.
Sau này, khi tình hình tài chính đã cải thiện, tôi cũng đáp lại sự giúp đỡ của họ bằng cách mời họ đi ăn.
Bây giờ nghĩ lại khoảng thời gian nhận mức lương "nhi đồng" ấy, tôi càng thấm thía rằng lương thấp là thời điểm hợp lý nhất để chúng ta học cách chi tiêu và tiết kiệm tiền. Tôi chấp nhận sống khổ trong vòng 2 năm, chấp nhận trở thành "người bạn ki kiệt" không thể đóng nổi tiền ăn của chính mình trong những buổi gặp mặt, và tôi đã tiết kiệm được gần 50.000 Tân Đài tệ (khoảng 38 triệu đồng) cũng trong chính 2 năm ấy.
Theo Toutiao