Nợ mấy trăm triệu dù không mua nhà mua xe hay đầu tư kinh doanh: Tất cả chỉ vì 1 sai lầm “không của riêng ai”

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 11:20 21/01/2025
Chia sẻ

Trả hết nợ, không có tài sản gì hữu hình ngoài 1 bài học xương máu!

Lúc này, có lẽ, chẳng có mấy ai còn tâm trạng để nói chuyện tiền nong, đặc biệt lại là chuyện nợ nần. Nhưng có những sai lầm, chúng ta buộc phải đối mặt và nghiêm túc suy nghĩ, nhìn nhận nếu muốn sửa sai trong năm tới. 

Những khoản nợ không phải vì mua nhà, mua xe hay đầu tư kinh doanh, mà vì dùng thẻ tín dụng vô tội vạ, là một trong số đó.

Nợ cả trăm triệu vì thu nhập hữu hạn nhưng khả năng quẹt thẻ “vô hạn”

N.M (sinh năm 1994) làm việc trong lĩnh vực IT, hiện đang sinh sống ở Hà Nội.

2-3 năm trước, ở thời điểm "đỉnh cao" trong sự nghiệp, N.M từng kiếm tới 55 triệu/tháng nếu chịu khó "cày thêm job ngoài" ngoài công việc fulltime. Tự tin với khả năng kiếm tiền của mình, lại giàu lòng trắc ẩn, cứ lần nào có nhân viên ngân hàng gọi điện "mời gọi" mở thẻ tín dụng, N.M đều "ok".

Nợ mấy trăm triệu dù không mua nhà mua xe hay đầu tư kinh doanh: Tất cả chỉ vì 1 sai lầm “không của riêng ai”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

N.M có 3 chiếc thẻ tín dụng của 3 ngân hàng khác nhau với hạn mức lần lượt là 20 - 50 - 150 triệu. Bản thân N.M chưa bao giờ nghĩ rằng 3 chiếc thẻ tín dụng này lại khiến mình rơi vào cảnh nợ đầm đìa.

“Gần 2 năm trở lại đây, mình không còn công việc fulltime, có thể coi là "thất nghiệp part time" vì thi thoảng cũng có việc, nhưng không đều. Trong suốt khoảng thời gian ấy, 3 chiếc thẻ tín dụng đã nuôi sống mình. Có những lúc, mình phải rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để đóng tiền nhà, lo tiền ăn,... Cứ như vậy, mình tiêu sạch hạn mức của cả 3 thẻ” - N.M chia sẻ.

Điều đó đồng nghĩa với việc N.M đang có khoản nợ tín dụng lên tới 220 triệu đồng. Hàng tháng, nếu có thu nhập, N.M sẽ thanh toán 1 phần dư nợ thẻ tín dụng, rồi lại dùng chính số tiền đó để trang trải cuộc sống. Cứ như vậy trong suốt gần 1 năm qua, dù hiện tại đã có công việc khá ổn định nhưng cuộc sống vẫn không bớt khó khăn, vì mỗi tháng, tổng số tiền mà N.M phải trả thẻ tín dụng lên tới 15 triệu đồng.

Trên thực tế, không ít người đang rơi vào tình cảnh tương tự như N.M: Sống dựa vào thẻ tín dụng, dư nợ ngày càng tăng cao vì “chi nhiều hơn thu”, cũng chưa biết bao giờ mới trả dứt được.

Nợ mấy trăm triệu dù không mua nhà mua xe hay đầu tư kinh doanh: Tất cả chỉ vì 1 sai lầm “không của riêng ai”- Ảnh 2.

Thu nhập 90 triệu/tháng vẫn phải “bào” thẻ tín dụng thêm 20-30 triệu mới đủ tiêu

Nợ mấy trăm triệu dù không mua nhà mua xe hay đầu tư kinh doanh: Tất cả chỉ vì 1 sai lầm “không của riêng ai”- Ảnh 3.

Hoặc như gia đình này, thu nhập 20 triệu nhưng thực chi lên tới gần 32 triệu, không rút tiền tiết kiệm thì cũng lại dựa vào thẻ tín dụng…

Tựu trung lại, không ít người rơi vào bẫy “ảo tưởng dư giả” khi có trong tay 1 hoặc nhiều chiếc thẻ tín dụng với hạn mức cao gấp 3-5 lần thu nhập trung bình. Thiếu tiền thì quẹt thẻ, nhưng lại chẳng có kế hoạch trả thẻ rõ ràng, nên thành ra nợ nần. Chuyện không có gì khó hiểu, vậy mà vẫn chẳng tránh được…

3 điều cần nhớ để không ngập trong nợ nần khi sử dụng thẻ tín dụng

Nếu biết cách sử dụng, thẻ tín dụng hoàn toàn có thể giúp chúng ta tiết kiệm 1 phần chi phí cơ bản, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, trước khi bàn tới chuyện “sinh lời” nhờ thẻ tín dụng, tránh nợ vẫn là điều quan trọng, cấp thiết hơn.

Để không mắc nợ vì quẹt thẻ tín dụng vô tội vạ, bạn cần lưu ý 3 điều dưới đây.

1 - Ghi chép lại từng khoản chi từ thẻ tín dụng

Việc này giúp bạn đảm bảo bản thân không tiêu quá số tiền trong khả năng chi trả.

Ví dụ: Hôm nay mua 1 đôi giày trị giá 1 triệu đồng và thanh toán bằng thẻ tín dụng, hãy ghi chép lại khoản này.

Nợ mấy trăm triệu dù không mua nhà mua xe hay đầu tư kinh doanh: Tất cả chỉ vì 1 sai lầm “không của riêng ai”- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Mỗi tuần nhìn lại danh sách chi tiêu từ thẻ tín dụng 1 lần, để nắm được con số tổng chi, từ đó, đối chiếu với số tiền mình đang có, để hoạch định việc thanh toán dư nợ trước kỳ sao kê, tránh phát sinh lãi suất và tránh luôn cả việc mang nợ.

2 - Thanh toán toàn bộ dư nợ thay vì thanh toán dư nợ tối thiểu

Thay vì thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép bạn thanh toán một phần - gọi là dư nợ tối thiểu, thường là 5% tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ.

Ví dụ: Trong kỳ sao kê vừa qua, bạn chi tiêu hết 20 triệu từ thẻ tín dụng, nhưng bạn lại chẳng có đủ 20 triệu để thanh toán toàn bộ dư nợ. Và thế là bạn lựa chọn thanh toán dư nợ tối thiểu.

Thoạt nghe, việc thanh toán dư nợ tối thiểu tưởng chừng rất có lợi cho những chủ thẻ đã “lỡ tiêu quá nhiều nhưng chẳng trả được bao nhiêu”. Thực hiện thanh toán mức tối thiểu đó, bạn sẽ không bị liệt vào nhóm nợ xấu, không bị khóa thẻ tín dụng. Tháng sau, nếu thẻ của bạn còn hạn mức, bạn vẫn có thể chi tiêu.

Tuy nhiên, “thanh toán dư nợ tối thiểu” vẫn là 1 cái bẫy, vì khi đó, ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ, mức lãi suất có thể lên tới 25-40% toàn bộ dư nợ - chính là tổng số tiền bạn đã chi tiêu và chưa trả được trong kỳ sao kê đó.

3 - Tránh xa các lời mời “sang ngang hạn mức” thẻ tín dụng

Nếu đang sử dụng 1 thẻ tín dụng và thanh toán dư nợ đúng hạn, dù chỉ là thanh toán dư nợ tối thiểu, không ít thì nhiều, cũng có sẽ các đơn vị phát hành thẻ tín dụng “mời” bạn mở thêm thẻ tín dụng mới, với hình thức “sang ngang hạn mức” từ thẻ đang sử dụng.

Hiểu nôm na rằng bạn sẽ chẳng mất công sức làm thủ tục gì nhiều, thẻ hiện tại hạn mức bao nhiêu thì thẻ mới cũng sẽ có hạn mức như vậy.

Nghe qua thì thấy tiện quá, nhưng đừng vội gật đầu, vì như vậy chẳng khác nào tự đưa mình đến gần với hố đen nợ nần. Dùng 1 thẻ còn chưa thanh toán được toàn bộ dư nợ, chắc chắn, không nên mở thêm thẻ mới!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày