Nếu như khoảng 10 năm trước, tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu thì hiện nay, hiếm ai còn ra đường với chiếc ví dày cộm. Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến với sự “nở rộ” của những ứng dụng ngân hàng được cài đặt trên điện thoại di động hoặc thiết bị thông minh (mobile banking). Chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể dễ dàng tải app và thực hiện các giao dịch từ thanh toán hóa đơn, chuyển tiền đến mua sắm trực tuyến mà không cần dùng đến tiền mặt.
Hiện nay, từ trung tâm thương mại hiện đại đến những cửa hàng nhỏ lẻ, chợ truyền thống, ở đâu cũng chấp nhận thanh toán bằng mã QR, chuyển khoản. Nhiều cơ sở kinh doanh còn sẵn sàng cung cấp wifi, in mã QR dán ngay trước cửa để thuận tiện cho khách hàng. Thậm chí đi đổ xăng, ma chay hiếu hỉ hay đi xe buýt, uống trà đá chỉ vài nghìn đồng, nhiều người vẫn chuộng dùng app “quét mã”.
Không thể phủ nhận các ứng dụng ngân hàng đem lại những thuận lợi đáng kể, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đồng thời giảm rủi ro mất mát tiền mặt hoặc lạc mất thẻ. Cũng chính vì sự tiện lợi đó mà giờ đây nhiều người tự tin ra đường mà không cầm theo một đồng tiền mặt nào.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, đặc biệt vào các dịp cao điểm như cuối năm, kỳ nghỉ lễ hay mùa khuyến mãi lớn, khi nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao, nhiều ứng dụng ngân hàng xảy ra sự cố gián đoạn bất ngờ, ngân hàng không xử lý kịp khiến khách hàng không thể truy cập tài khoản, tiền chuyển đi nhưng không nhận được, hoặc giao dịch bị treo trong nhiều giờ, gây nên sự bức xúc, lo lắng.
Mới đây, rạng sáng ngày 12/12/2024, một ngân hàng với hơn 14 triệu khách hàng đã phát đi thông báo ghi nhận sự cố gián đoạn giao dịch trên kênh số, thẻ và quầy giao dịch do quá trình nâng cấp hệ thống. Đáng nói, phải đến 14h45, tức nhiều giờ sau, các giao dịch mới dần được khôi phục.
Anh C (28 tuổi, Hà Nội), một khách hàng Premier của ngân hàng này chia sẻ trên trang cá nhân: “Tôi không thể truy cập app ngân hàng lúc 4 giờ sáng để thanh toán một bát phở chỉ 60 nghìn. Dù tôi là khách VIP của ngân hàng, tất cả tài sản tiền mặt, giấy tờ có giá tôi gửi hết vào đây, thế mà giờ đây tôi phải vay thấu chi 10 triệu một ngân hàng khác, chịu lãi gần 20% chỉ để trả tiền bát phở. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên tôi trải qua tình huống này, ứng dụng lỗi liên tục, gây nhiều phiền toái cho tôi, thực sự rất thất vọng”.
Ngày đầu năm mới 1/1/2025, hàng loạt khách hàng sử dụng dịch vụ của một ngân hàng thuộc Big 4 cũng gặp trục trặc khi giao dịch trực tuyến, do ứng dụng ngân hàng gặp lỗi. Đồng thời, các giao dịch thanh toán trực tuyến, thu chi hộ, chuyển tiền 24/7…đều không thể thực hiện. Đến 12h trưa cùng ngày, ngân hàng này mới chính thức thông báo các dịch vụ đã trở lại hoạt động bình thường. Phần lớn khách hàng cũng cho biết đã có thể giao dịch như cũ. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa công bố nguyên nhân cụ thể của sự cố.
Là khách hàng, chị T (35 tuổi, Bắc Ninh) cho biết: “Chồng mình đi ăn cơm ở quán mà không chuyển khoản trả tiền được. Gọi về cho vợ nhờ chuyển hộ nhưng ai ngờ vợ cũng dùng ứng dụng của ngân hàng này, thế là đầu năm mới đã phải nợ tiền người ta. Chắc có khi hai vợ chồng phải chuyển sang ngân hàng khác dùng thôi”.
Trong thời đại chuyển đổi số, ngân hàng chạy đua tích hợp công nghệ, nhà nước khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, thì tình trạng các ứng dụng ngân hàng liên tục lỗi, bảo trì không hề báo trước khiến nhiều người bức xúc, mất niềm tin vào chất lượng của hình thức thanh toán này.
Tuy nhiên, cũng có những luồng ý kiến khác cho rằng, quá mức phụ thuộc vào thanh toán điện tử, không giữ 1 đồng tiền mặt trong người là thói quen không tốt. Anh B (42 tuổi, Hà Nam) chia sẻ: “Ngán ngẩm với tình trạng lạm dụng quét QR, chuyển khoản như hiện nay, đổ xăng, đi chợ, ăn tô bún, dĩa cơm, gửi xe...cũng quét, rồi khi app lỗi thì loay hoay làm mất thời gian của người khác. Biết là chuyển đổi số, nhưng có nhất thiết 100 nghìn cũng không có trong túi? Các nước phát triển họ vẫn dùng tiền mặt, chứ ko phải 100% thanh toán online, quẹt thẻ”.
Để tránh gặp phải những tình huống éo le, chị G (29 tuổi, Thái Bình) cho hay: “Dịp cận Tết nhu cầu giao dịch trực tuyến cao do dân mua sắm nhiều, mình cũng lường trước được khả năng app ngân hàng lỗi, quá tải. Do đó, mình đã nghiên cứu và mở thêm 2 tài khoản dự phòng tại 2 ngân hàng khác nhau, cái này lỗi thì vẫn có cái kia dùng. Ngoài ra, mình cũng thủ sẵn vài trăm tiền mặt trong người để dùng lúc cần thiết”.
Có thể nói trong những năm gần đây, thói quen thanh toán không sử dụng tiền mặt của người dân khiến tình trạng tắc nghẽn tại các cây ATM thời điểm cận Tết giảm thiểu đáng kể, thay vào đó là những vấn đề liên quan đến gián đoạn giao dịch trực tuyến, lỗi app, lỗi hệ thống,... Để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và giữ vững lòng tin, các ngân hàng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào hạ tầng công nghệ, tăng cường khả năng dự phòng và cải thiện quy trình bảo trì hệ thống.
Liên quan với nhu cầu giao dịch tăng cao dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các dịch vụ ngân hàng hoạt động thông suốt, thuận lợi, phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán cũng như các nhu cầu khác của doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.