Năm 2014, chị Vu ở Liêu Ninh, Trung Quốc, đến một ngân hàng ở khu vực Ngõa Phòng Điếm và gửi tiết kiệm hơn 10 triệu NDT (hơn 34,6 tỷ đồng). Vì số tiền gửi khá lớn nên giám đốc Tôn của ngân hàng này đã đích thân đón tiếp và giúp chị Vu hoàn tất thủ tục gửi tiền. Cũng vì thế chị Vu luôn có ấn tượng rất tốt với vị giám đốc này.
Tháng 9/2018, 4 năm sau ngày gửi tiền, chị Vu lên kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh cùng bạn bè nên cần rút toàn bộ số tiền tiết kiệm trên. Thế nhưng lúc này, chị lại được nhân viên ngân hàng thông báo rằng tài khoản của mình là 0 đồng.
Không hiểu chuyện gì đang xảy ra với khoản tiền gửi của mình, chị Vu vội gọi điện cho giám đốc Tôn để hỏi lý do. Tuy nhiên lúc này, giám đốc Tôn mới thú nhận rằng anh ta đã tự ý dùng tiền của chị Vu để đầu tư vào một số dự án sinh lời. Đồng thời, người đàn ông này cũng hứa hẹn với chị Vu sẽ hoàn tiền cho chị trong thời hạn quy định và chia “lãi” cho chị Vu, coi như một khoản bồi thường giá trị.
Nhận được sự đảm bảo của giám đốc Tôn, chị Vu yên tâm chờ đợi thêm. Tuy nhiên sau nhiều lần hối thúc nhưng không có kết quả, chị Vu không thể chờ đợi thêm nên đã quyết định gọi điện báo cảnh sát địa phương.
Theo điều tra của cảnh sát Trung Quốc, không chỉ chị Vu mà nhiều người khác cũng là nạn nhân của giám đốc Tôn. Người này đã chiếm dụng tiền gửi của nhiều khách hàng và dùng chúng để trả nợ cho những khoản đầu tư của mình. Với trường hợp của chị Vu, đối tượng này đã tính toán rất kỹ càng và lên kế hoạch vô cùng hoàn hảo. Tuy nhiên, việc chị Vu đột nhiên muốn rút toàn bộ số tiền đã gửi tiết kiệm khiến cho kế hoạch của anh ta “đổ sông đổ bể”. Không chỉ không kịp trả nợ cũ, việc “lạm quyền” chiếm đoạt tài sản của người khác của người này cũng bị vạch trần.
Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, giám đốc Tôn đã bị cảnh sát bắt giữ. Qua thẩm tra, người này cũng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và bị kết án 20 năm tù.
Mặc dù kẻ gian đã bị bắt nhưng chị Vu và những người khác vẫn chưa thể thu hồi lại số tiền đã mất. Chị Vu cho rằng trong vụ việc này, phía ngân hàng cũng phải có một phần trách nhiệm nên đã yêu cầu đơn vị này bồi thường cho mình. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng cho biết hành vi vi phạm của giám đốc Tôn là hành vi mang tính cá nhân, không liên quan gì đến ngân hàng nên đã phủ nhận trách nhiệm.
Bất mãn trước thái độ của phía ngân hàng, chị Vu đã nhiều lần khởi kiện đơn vị này ra tòa, đòi bồi thường nhưng không thành công vì không cung cấp đủ bằng chứng chứng minh ngân hàng có liên quan đến vụ việc. Dựa theo hồ sơ điều tra của phía cảnh sát địa phương, toà án cũng cho rằng ngân hàng không liên quan đến hành vi sai phạm của anh Tôn. Ngược lại, họ cho rằng chị Vu với tư cách là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có thể nhận thức được những hậu quả có thể xảy ra khi giao những thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng cho người khác nên chị phải chịu trách nhiệm chính về việc mất tiền. Chị Vu không chấp nhận phán quyết của toà nên nhiều lần gửi đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao nhưng vẫn không có kết quả.
Vụ việc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc kinh doanh cũng như cuộc sống cá nhân của người phụ nữ này. Đây cũng là bài học đắt giá cho việc đặt niềm tin sai chỗ trong cuộc sống.
Theo 163.com