Năm 2019, người đàn ông họ Nhậm đến một ngân hàng ở tỉnh Quảng Tây cùng số tiết kiệm và 7 tờ biên lai gửi tiền. Sau 3 năm gửi khoản tiền 48 triệu NDT (khoảng 166 tỷ đồng) ở ngân hàng này, ông Nhậm muốn rút cả gốc lẫn lãi để tiếp tục đầu tư cho công việc kinh doanh của mình. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra số tài khoản của ông Nhậm trên hệ thống, giao dịch viên bất ngờ thông báo với ông trong tài khoản của ông không có đồng nào. Đồng thời, họ còn nghi ngờ sổ tiết kiệm này là giả.
Ông Nhậm vô cùng bàng hoàng vì lời tuyên bố này. Trên các giấy tờ gửi tiền của ông rõ ràng có cả dấu xác nhận và chữ ký của giám đốc ngân hàng, nhưng dù ông Nhậm yêu cầu kiểm tra thêm bao nhiêu lần, giao dịch viên vẫn một mực khẳng định không thấy thông tin về số tiền 48 triệu NDT của ông trên hệ thống.
Cho rằng nhân viên ngân hàng hàng có thái độ thờ ơ, không hợp tác khi kiểm tra tài khoản của mình, ông Nhậm tiếp tục yêu cầu gặp quản lý cấp cao để được giải quyết sự việc. Nhưng khi quản lý cấp cao kiểm tra một lần nữa, người này cũng xác nhận rằng sổ tiết kiệm và biên lai gửi tiền của ông đều là giả. Do đó, quản lý cấp cao thậm chí còn cho rằng ông Nhậm đã vu khống ngân hàng và nói thẳng với ông rằng: “Nếu ông bị mất tiền hãy tự tìm người lấy nó. Trong hệ thống không ghi nhận việc ông gửi tiền vào ngân hàng, vì vậy ngân hàng của chúng tôi không hề liên quan đến vấn đề này”.
Quá phẫn nộ vì bị mất một số tiền khổng lồ nhưng ngân hàng lại chối bỏ trách nhiệm, ông Nhậm đã đến đồn cảnh sát địa phương tại tỉnh Quảng Tây để trình báo về sự việc. Sau khi cảnh sát đi sâu vào điều tra, ông Nhậm mới nhận ra ngay từ khi bước chân vào ngân hàng này, ông đã rơi vào một cái bẫy do một số người đã cẩn thận giăng sẵn. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra? Số tiền tiết kiệm khổng lồ của ông Nhậm đã đi đâu?
Theo báo cáo từ phía cảnh sát, một người họ Lương, giữ chức vụ giám đốc kinh doanh của ngân hàng mà ông Nhậm gửi tiền là người có liên quan trực tiếp đến vụ việc. Trở lại năm 2017, từ lúc ông Nhậm bắt đầu sử dụng dịch vụ tại ngân hàng, giám đốc Lương đã bắt đầu để ý và lên kế hoạch lừa đảo. Lợi dụng chức vụ của mình, giám đốc kinh doanh này đã cấu kết với một nhân viên khác họ Thời trong nội bộ ngân hàng để chiếm đoạt tiền tiết kiệm của ông Nhậm.
Ông Nhậm là một doanh nhân đã trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh và đạt được nhiều thành công. Nhiều năm làm việc chăm chỉ đã giúp anh tích lũy được khối tài sản đáng kể. Tuy nhiên, ông Nhậm không biết nhiều về các gói quản lý tài chính của ngân hàng, nên cũng muốn được người có chuyên môn giới thiệu cho mình một số dự án đầu tư đáng tin cậy.
Thời điểm đó, giám đốc Lương thuyết phục ông Nhậm gửi tiền vào một “tài khoản đặc biệt” như một cách đầu tư tài chính, với lời hứa ưu đãi đầu tư ngắn hạn nhưng lãi suất cực cao. Người này nói với ông Nhậm đây là gói tài chính mới chưa được tung ra với công chúng mà chỉ tiết lộ trước với một số khách hàng VIP. Do ông Lương là giám đốc, có chức vụ cao trong ngân hàng, ông Nhậm cảm thấy đây là lời đề xuất đáng tin cậy nên đã làm theo.
Trên thực tế, những giấy tờ và sổ tiết kiệm mà giám đốc Lương ký kết với ông Nhậm thực chất đều là giấy tờ giả. Ngay khi nhận được tiền của ông Nhậm, giám đốc Lương cùng nhân viên họ Thời ngay lập tức chuyển sang tài khoản cá nhân của mình và không ghi lại bất kỳ vết tích nào trên hệ thống ngân hàng.
Cuối cùng sự thật đã được phơi bày, giám đốc Lương và nhân viên họ Thời đã bị kết án và chịu hình phạt thích đáng trước pháp luật. Tuy nhiên, số tiền của ông Nhậm đã bị những kẻ lừa đảo tiêu pha hết. Kể cả mức phạt dành cho 2 bị cáo và số tiền thanh lý đồ đặc, nhà cửa của họ vẫn không đủ để đền bù lại hết số tiền tiết kiệm mà ông Nhậm đã bị chiếm đoạt.
Ông Nhậm cho hay, tổng số tiền 48 triệu NDT (khoảng 166 tỷ đồng) đó không phải chỉ là của riêng ông, mà còn là người thân, bạn bè góp vốn đầu tư với ông để kinh doanh. Những tưởng gửi ngân hàng vừa đảm bảo an toàn, vừa có khoản lãi đáng kể để chia cho mọi người, nào ngờ ông Nhậm lại thành kẻ nợ nần chồng chất, phải bán hết nhà cửa, gia sản để trả nợ cho người khác.
(Theo Baijiahao)