Từ tháng 7/2024, luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc "gắn kèm" khoản vay, hay nói cách khác là "ép" khách hàng mua bảo hiểm.
Còn thông tư 67 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được Bộ Tài chính ban hành từ cuối năm ngoái cấm ngân hàng bán kèm bảo hiểm liên kết đầu tư (một dạng sản phẩm của bảo hiểm nhân thọ) trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Cùng với đó, quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được liên kết sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nhưng phải đảm bảo việc giao kết hợp đồng bảo hiểm riêng, tách biệt với các giao kết khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chịu trách nhiệm độc lập về sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia bảo hiểm có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 Nghị định này. Không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về việc nghiêm cấm mọi hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Hiện nay, không có quy định nào của pháp luật bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm khi vay tiền.
Do đó, căn cứ theo các quy định trên, ngân hàng không được có các hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi tiến hành nghiệp vụ cho vay.
Hành vi ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn bị xử lý thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe...
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;
c) Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính;
d) Triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
đ) Ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức ...
Như vậy, theo quy định trên, hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn có thể bị phạt tiền.
Tổng hợp