Từng là người "thiếu tiền kinh niên", tôi nhận ra những người luôn trong cảnh hết tiền đều ít nhiều có những điểm chung, những dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài. Những tín hiệu này không chỉ phản ánh sự khó khăn về mặt tài chính, mà còn cho thấy các vấn đề tiềm ẩn khác, có liên quan tới cách sống, cũng như thói quen chi tiêu, lập kế hoạch tài chính.
Nhận biết được những tín hiệu ấy cũng chính là nhận biết được những thói xấu cần loại bỏ, để khắc phục trạng thái "thiếu tiền kinh niên". Tôi đã làm được, mong rằng bạn cũng vậy.
Trước đây, cứ đến cuối tháng là tôi lại phải đi vay tiền để sống, đôi khi là vay tiền bạn bè, đôi khi là vay tiền từ thẻ tín dụng. Khoản vay rất nhỏ, chỉ vài trăm ngàn, tôi hoàn toàn có khả năng trả được. Nhưng chính thói quen ỷ lại vào việc "mình có chỗ để vay tiền" khiến tôi thờ ơ và xem nhẹ tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu, quản lý tài chính.
Chỉ đến khi một người bạn thân của tôi đánh tiếng hỏi: "Sao tháng nào cũng thấy hết tiền thế?", tôi mới cảm thấy hổ thẹn và bừng tỉnh. Đã chơi với nhau cả chục năm, tôi biết bạn chẳng có ý gì xấu, đó chỉ là câu hỏi thể hiện sự quan tâm.
Rõ ràng, bạn tôi đã có gia đình, có cả ngàn thứ phải lo, từ tiền bỉm sữa cho con tới tiền trả nợ vay mua nhà, vậy mà bạn không lúc nào thiếu tiền. Còn tôi, người không có áp lực bỉm sữa cũng chẳng có áp lực nợ nần, vậy mà tháng nào cũng túng thiếu.
Lúc ấy, tôi mới thấm thía sự tai hại của thói quen vay tiền vô tội vạ. Khoản vay dù rất nhỏ, và cũng không quá khả năng chi trả, nhưng cứ ỷ lại vào việc đó, nên thành ra không những không tiết kiệm được, mà còn biến tôi trở thành người "luôn đi vay tiền".
Ở công ty cũ, tôi ngồi cạnh một người đồng nghiệp. Mỗi tháng, ngay vào ngày nhận lương, cô đã than đồng lương quá bèo bọt, chẳng đủ sống. Đến giữa tháng, cô lại thở dài về việc sắp đến hạn thanh toán hóa đơn điện nước, trả tiền nhà. Gần cuối tháng, cô lại tiếp tục than thở về việc hết tiền.
Ban đầu, tôi còn cố gắng đáp lời, động viên cô cố gắng làm việc, kiếm thêm thu nhập. Nhưng tháng nào cũng vậy, cô đều than thở về việc không đủ tiền để sống, dần dà, tôi chẳng biết đáp lời hay khích lệ cô ra sao nữa. Nhưng cô vẫn tiếp tục than thở về tình hình tài chính có phần không khả quan của bản thân, và đó là điều duy nhất tôi thấy cô kiên trì làm gần như mỗi tuần, mỗi tháng.
Dù khi ấy, tôi cũng không dư dả, hoàn toàn không có tiền tiết kiệm và vẫn phải đi vay tiền để sống qua những ngày cuối tháng, nhưng tôi cũng không thể đồng cảm được với thói quen than nghèo kể khổ của người đồng nghiệp ấy.
Tiền bạc vốn đã là chuyện nhạy cảm, chúng ta không nên mang nó ra làm câu chuyện để than thở, đặc biệt là với những người không quá thân thiết, vì chẳng ai có nghĩa vụ phải lắng nghe hay giúp chúng ta giải quyết sự khó khăn ấy. Cuộc sống của người trưởng thành vốn đã có thừa sự lo toan, bộn bề, chi bằng đừng than thở, dành thời gian tâm trí để cố gắng, chẳng phải sẽ tốt hơn sao?
Thành thật mà nói, trước đây, tình trạng "thiếu tiền kinh niên" của tôi xuất phát từ việc gia đình tôi có nền tảng tài chính khá ổn. Bố mẹ tôi đã nghỉ hưu, có lương hưu và chẳng cần tôi chu cấp tài chính; ngược lại, bố mẹ còn rất hay cho tôi tiền tiêu vặt, ít thì vài triệu, nhiều thì vài chục triệu.
Đã ngót nghét 30 tuổi đầu mà vẫn ngửa tay xin tiền bố mẹ, tôi cũng tự thấy hổ thẹn nhưng cách khắc phục của tôi lại có phần không đúng, chính là ỷ lại vào việc vay tiền bạn bè hoặc sống nhờ vào thẻ tín dụng.
Tất cả những sự phụ thuộc ấy đều như tảng đá ghì tôi lại, khiến tôi không thể suy nghĩ và chi tiêu có trách nhiệm, như một người trưởng thành.
Chỉ đến khi gỡ bỏ được tư duy phụ thuộc, tôi mới bắt đầu biết tiết chế việc tiêu tiền, từ đó, mới có những khoản tiết kiệm đầu tiên, dù nhỏ thôi, nhưng nó cũng phần nào phản ánh sự tiến bộ của tôi trong vấn đề tài chính.