Trước khi kết hôn, tôi vốn là Giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ, thu nhập hàng tháng không chỉ đủ để trang trải cuộc sống, mà còn giúp tôi nuôi được đam mê săn đồ hiệu phiên bản giới hạn. Có những chiếc túi trị giá cả tỷ đồng, tôi phải đợi nhiều tháng trời mới được cầm trên tay.
Bản thân là người có năng lực, có tiền và tiêu chuẩn cao, tôi rất khắt khe trong việc chọn bạn đời. Người tốt thì thu nhập quá thấp, nếu kết hôn, tôi sẽ phải là trụ cột kinh tế; còn người có thu nhập cao bằng hoặc hơn tôi, thì có vẻ lại sống quá phóng đãng, khiến tôi không có cảm giác an toàn khi ở bên.
Thế nên mãi tới năm 34 tuổi, tôi mới lập gia đình. Chồng tôi là Tổng Giám đốc của một doanh nghiệp nước ngoài, thu nhập lên tới vài tỷ đồng mỗi năm. Không những vậy, anh còn là kiểu đàn ông của gia đình, không thích chơi bời, lúc nào cũng chỉ muốn về nhà với vợ con.
Tôi cứ tưởng cuộc đời mình đến lúc này đã cập bến an toàn, nhưng đúng là chẳng ai nói trước được điều gì.
Hơn 1 năm trước, tôi thấy vàng trong két sắt cứ vơi dần, một vài chiếc túi hiệu của tôi có vẻ cũng biến mất khỏi phòng trưng bày. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình bị đãng trí sau sinh. Thực tế, tôi cũng chẳng rõ có bao nhiêu lượng vàng trong két sắt, còn túi hiệu cũng lên tới vài trăm chiếc, đếm đi đếm lại không xuể.
Nhưng càng ngày, chuyện này càng trở nên kỳ lạ, đến mức tôi không thể làm ngơ. Cứ mỗi khi mở két sắt hay vào phòng thử đồ, tôi lại càng thấy thêm những khoảng trống. Nhà chỉ có mỗi 2 vợ chồng, 1 con nhỏ và bác giúp việc đã gắn bó 3 năm, tôi không biết phải nghi ngờ ai cho được.
Cuối cùng, tôi quyết định giấu mọi người, lắp camera kín nhà để tìm hiểu sự việc kỳ lạ này. Và thật không thể ngờ, người lén mang những chiếc túi hiệu và những thỏi vàng đi bán lại chính là chồng tôi.
Anh đã mất việc hàng tháng trời, nhưng mỗi ngày, anh vẫn đóng suit đi làm và vẫn chuyển cho tôi hàng trăm triệu mỗi tháng để đóng tiền học cho con, đồng thời, trang trải sinh hoạt trong gia đình. Không thể ngờ, số tiền đó hóa ra lại là tiền bán túi hiệu và bán vàng. Chưa dừng lại ở đó, chồng tôi còn bán cả 1 chiếc ô tô mà tôi không hề hay biết.
Cuộc sống của chúng tôi sau cuộc trò chuyện vào đêm hôm đó thực sự đã rớt từ thiên đường xuống địa ngục.
Tôi phát hiện ra chồng không chỉ lừa dối mình, mà còn đang nợ cả tỷ đồng do đầu tư thua lỗ. Tất cả những gì anh hứa hẹn và làm cho mẹ con tôi thực chất chỉ là giả dối.
Cho đến khi mọi chuyện vỡ lở, tôi chưa bao giờ có thể hình dung ra tại sao một người lại có thể nợ tới hàng chục tỷ đồng. Trước đây, dù đam mê đồ hiệu, dù không biết quản lý tài chính hay đầu tư, nhưng tôi cũng chưa bao giờ mắc nợ, dù chỉ 1 đồng. Vậy mà giờ đây, khoản nợ mà gia đình tôi phải gánh lại lớn hơn nhiều lần số tài sản mà chúng tôi có.
Bán nhà, bán toàn bộ đồ hiệu lẫn vàng và ô tô, cũng không đủ tiền để trả nợ. Từ một gia đình trung lưu, sống trong chung cư cao cấp, con có bảo mẫu riêng, được học trường quốc tế, giờ đây, chúng tôi phải ở trong 1 căn phòng rộng chưa tới 50m2, phòng ăn cũng là phòng ngủ. Giường chỉ cách bếp 3-4 bước chân.
Thậm chí, đến cả quần áo và giày của con, tôi cũng phải bán đi để lấy tiền trả nợ và trang trải cuộc sống.
Ngày con chào đời, vợ chồng tôi đã quyết tâm dành cho con những thứ tốt nhất, từ điều kiện sống cho tới điều kiện giáo dục, nhưng lúc này, những gì mà chúng tôi có thể mang lại cho con thậm chí còn không bằng 1 gia đình lao động bình thường.
Từ một đứa trẻ được mặc đồ hiệu khi vừa lọt lòng, giờ đây, con tôi chỉ được mặc đồ second-hand, không còn bảo mẫu, cũng chẳng được học trường quốc tế.
Từ một người phụ nữ có khả năng mua cả trăm chiếc túi hiệu, từng là giám đốc, giờ đây, tôi chỉ là một nhân viên chăm sóc khách hàng bình thường, hàng ngày phải gọi cả trăm cuộc điện thoại chỉ để xin lỗi, hoặc giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Từ một Tổng Giám đốc với mức thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm, giờ đây, chồng tôi chỉ là một quản lý của nhóm nhỏ chưa tới 10 người, thu nhập chưa bằng 1/10 quá khứ.
Nếu nhìn vào cuộc sống hiện tại và ngừng so sánh với quá khứ, có thể nhiều người sẽ thấy cuộc sống của gia đình tôi lúc này rất ổn, chẳng có vấn đề gì để phải than vãn. Nhưng làm sao có thể không hoài niệm, khi quá khứ mình đã từng sung sướng và đủ đầy, còn hiện thực chỉ là những phong thư nhắc nợ?
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, qua cơn bĩ cực sẽ tới hồi thái lai. Dù chúng tôi không mấy tự tin về việc có đủ khả năng để quay lại cuộc sống như quá khứ, nhưng khoản nợ đã ngày một ít đi. 2 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ trả hết nợ và có thể làm lại cuộc đời ở tuổi 40.
Trước đây, tôi từng đọc được một đoạn văn, đại ý rằng việc kiếm tiền, tích lũy của cải khó 1, thì giữ tiền và duy trì của cải khó 10. Không thể ngờ, có ngày câu nói ấy lại ứng nghiệm vào cuộc đời của chúng tôi.