Trước đây, tôi nghĩ rằng trạng thái dư dả tài chính của một người phần lớn dựa vào phúc lành và sự may mắn. Những người xuất thân trong gia đình vốn đã khá giả, sau này, thường có cuộc sống đủ đầy hơn hẳn người khác mà chẳng phải cố gắng gì nhiều.
Tuy nhiên, càng trưởng thành, càng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, tôi càng thấm thía một điều: Sự cố gắng của bản thân quan trọng hơn nhiều sự sắp đặt của số phận. Dù xuất phát điểm ở mức nào, chỉ cần nỗ lực và có tư duy đúng đắn, tôi tin chắc chúng ta rồi sẽ thoát khỏi cảnh bí bách, khó khăn về tiền bạc.
Nhưng nỗ lực bao nhiêu là đủ, tư duy thế nào mới là đúng đắn? Tôi đã suy ngẫm và tự tìm được câu trả lời cho riêng mình. Khi quan sát những người có cuộc sống không áp lực tiền bạc, tôi nhận ra họ không bao giờ mắc phải 3 lối tư duy tai hại này.
Khi còn trẻ, tôi luôn nghĩ kiếm tiền là để tiêu tiền, nhưng sau này, tôi nhận ra rằng tiền là nền tảng của cuộc sống nhưng nó không phải là toàn bộ cuộc sống, và người thông minh là người có thể kiểm soát được đồng tiền, chứ không để đồng tiền điều khiển cách họ tiêu tiền hay đưa ra quyết định.
Nói cách khác, họ kiếm được tiền nhưng sẽ không bao giờ dùng tiền để mua vui, cũng không chi tiền chỉ để đầu tư cho những vật ngoài thân không có giá trị gì ngoài tạo ra sự hào nhoáng rỗng tuếch.
Họ kiếm tiền và tiết kiệm tiền cho những trường hợp khẩn cấp, đồng thời, chỉ chi tiền cho những thứ thực sự có giá trị, có khả năng giúp cuộc sống tiện nghi hơn.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác an tâm không gì sánh bằng vào lần đầu tiên tiết kiệm được 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng), sau khi từ bỏ thói quen mua sắm đồ hiệu. Chính nhờ cảm giác an tâm ấy mà tôi mới nhận ra trước đây mình đã là "nô lệ" của đồng tiền, lao lực kiếm tiền rồi lại dùng tiền để cân bằng cuộc sống mà không lo nghĩ cho tương lai.
Chỉ khi tôi học cách kiểm soát vấn đề chi tiêu, hay nói chính xác hơn là kể từ khi "lấy lại được quyền kiểm soát với đồng tiền", tôi mới bắt đầu tiết kiệm được tiền, dần cải thiện sức khỏe tài chính.
Mong muốn cải thiện chất lượng sống luôn là điều đúng đắn, không có gì sai trái. Tuy nhiên, cách chúng ta hiện thực mong muốn này lại rất dễ biến tướng thành "sống sang hơn khả năng tài chính hiện tại".
Trước đây, khi còn ở nhà thuê, tôi đã mua 1 chiếc máy hút bụi trị giá bằng cả 3 tháng tiền thuê nhà, vì suy nghĩ "có thứ này, cuộc sống của mình sẽ tiện lợi hơn". Tôi có mong muốn cải thiện cuộc sống, nhưng cách tôi thực hiện mong muốn ấy, thực tế, lại khiến chất lượng sống của tôi giảm đáng kể vì khoản nợ tín dụng.
Sau này, tôi mới nhận ra cố gắng cải thiện cuộc sống khi ấy chỉ là sự ngụy biện cho lối sống sang chảnh - thứ hoàn toàn không phù hợp với tôi ở thời điểm đó.
Bởi thế, mỗi khi có ý định mua 1 món đồ nói riêng, hay làm một việc nhằm cải thiện chất lượng sống, tôi luôn cân nhắc rất kỹ về việc liệu cuộc sống của mình có thực sự được cải thiện hay không, hay chỉ là những khoản nợ nối tiếp? Nếu việc nâng cấp chất lượng sống kéo theo những khoản nợ, tôi dám chắc, đó là quyết định sai lầm!
Trong vòng bạn bè của tôi luôn có những người thích khoe về những chiếc túi hiệu mà họ mới sắm, hoặc những chuyến du lịch xa hoa trong khách sạn 5 sao hoặc trên du thuyền bạc tỉ,... Trước đây, những điều đó quả thực đã khiến tôi ghen tị và hệ quả sau đó là tôi đã chi bộn tiền để sắm túi hiệu, để ở trong resort 5 sao mỗi khi đi du lịch,... cho bằng bạn bằng bè.
Có thể qua góc nhìn của người khác, cuộc sống của tôi khi ấy cũng là điều đáng ghen tị, chỉ có mình tôi là biết, cái giá phải trả cho những bức ảnh sang chảnh đăng lên MXH, chính là tài khoản tiết kiệm rỗng tuếch và những khoản nợ tín dụng hối hả đến hạn thanh toán cuối mỗi tháng.
Sau này, khi bắt đầu thành công trong việc hạn chế mua sắm bốc đồng, và có khoản tiết kiệm đầu tiên, tôi mới thấm thía việc so sánh tình hình tài chính của bản thân với tình hình tài chính của người khác là điều vô cùng tai hại. Nó không chỉ khiến chúng ta căng thẳng, mà còn hủy hoại cả sức khỏe tài chính của bản thân ở hiện tại và trong tương lai.