"Tiền nên được tiêu như thế nào?" Đây là một câu hỏi lớn nghe có vẻ bình thường nhưng lại liên quan đến chất lượng cuộc sống của mọi người. Đặc biệt trong thời đại tiêu dùng nơi mà những cám dỗ và cạm bẫy cùng tồn tại, ví tiền của chúng ta luôn ngày càng cạn kiệt bởi những chi tiêu hoang phí và vụn vặt. Gần đây, 5 lời nói dối để bòn rút tiền được nhắc đến rộng rãi. Chúng giống như một tấm lưới vô hình, bao trùm hoạt động tiêu dùng, đầu tư và lối sống của chúng ta.
1. "Tiền được chi tiêu là đồng tiền hạnh phúc"
Câu nói này tưởng chừng hay ho nhưng thực chất nó lại là "tuyên ngôn" của chủ nghĩa tiêu dùng. Đặc biệt là trên mạng xã hội, việc tiêu tiền dường như đã trở thành một phần quan trọng trong "tính cách" của bạn. Khoe túi xách, đồ ăn, du lịch... những bức hình về "cuộc sống xa hoa" này khiến nhiều người lầm tưởng tiêu dùng đồng nghĩa với hạnh phúc nên vay tiền mua túi đắt tiền, theo đuổi điện thoại hàng hiệu và buộc phải sống lối sống "phông bạt".
Nhưng thực tế là khi hóa đơn và lời nhắc trả nợ đến gõ cửa, cảm giác hạnh phúc này sẽ biến mất không dấu vết. Chúng ta không thể phủ nhận sự cần thiết của việc tiêu dùng, nhưng mấu chốt là phải tiêu dùng hợp lý và tiêu tiền một cách khôn ngoan. Đặc biệt trong tình hình kinh tế hiện nay, việc kiếm tiền không phải là điều dễ dàng. "Có khả năng tiêu tiền" không có nghĩa là phung phí theo ý muốn mà là tiêu tiền vào những việc đáng giá như tiết kiệm, nâng cao năng lực bản thân và an toàn cho gia đình.
2. "Lợi suất cao, rủi ro thấp"
Đây là câu nói phổ biến trong lĩnh vực đầu tư và quản lý tài chính. Các sản phẩm tài chính luôn được quảng cáo rằng "đảm bảo lợi nhuận mà không mất tiền". Đặc biệt là những trò lừa đảo dưới chiêu bài "gốc và lãi đảm bảo" thậm chí còn hấp dẫn đến nỗi khiến nhiều người có chút kinh nghiệm quản lý tài chính khó có thể chống cự. Trên thực tế, bất kỳ khoản đầu tư nào cũng có rủi ro. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Những người bình thường là mục tiêu của những kẻ lừa đảo vì thiếu kiến thức tài chính.
Để giữ được túi tiền của mình, chúng ta phải từ bỏ ảo tưởng về "chiếc bánh vẽ", chọn các tổ chức tài chính chính thức, đồng thời chủ động tìm hiểu một số kiến thức tài chính cơ bản và hiểu các nguyên tắc cơ bản của quản lý rủi ro. Chỉ bằng cách cải thiện khả năng nhận dạng rủi ro, bạn mới có thể tránh bị những kẻ lừa đảo lợi dụng.
3. "Liều thuốc thần cho sức khoẻ"
Một trong những cú lừa khó tránh nhất chính là lừa đảo sản phẩm sức khoẻ, thường nhắm vào người cao tuổi. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng nỗi sợ hãi trước bệnh tật và cái chết của người già để bán những "thần dược" với giá cao ngất ngưởng. Thông qua tuyên truyền cường điệu hoặc giả mạo danh tính chuyên gia, những sản phẩm này trở nên đáng tin cậy và dễ dàng khiến người ta mắc bẫy.
Loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe này không có tác dụng thần kỳ, không đáng tin cậy, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe. Kết quả là một số người cao tuổi đã bị lừa và mất hết tiền bạc. Họ không chỉ bị thiệt hại về tài chính mà còn bỏ lỡ cơ hội được chữa bệnh chính thức. Để hạn chế tình trạng này, trong gia đình, con cái nên quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống và nhu cầu tâm lý của cha mẹ, dành nhiều thời gian cho họ và giao tiếp nhiều hơn.
Điều quan trọng nhất là nhắc nhở họ khi bị bệnh phải đến các cơ sở y tế chính thống, chứ không chỉ tin vào những lời hứa hẹn hão huyền của các quảng cáo sản phẩm y tế. Sự tin tưởng của người lớn tuổi chính là "công cụ" lớn nhất cho những kẻ lừa đảo.
4. "Tiêu trước, trả sau"
Vay tiêu dùng hiện nay không còn là điều gì mới mẻ đối với nhiều người dân với mô hình "tiêu trước, trả sau". Tuy nhiên, việc vay mượn quá mức có thể khiến bạn gặp rắc rối về tài chính. Bạn không chỉ phải đối mặt với lãi suất cao mà còn có thể bị quấy rối vì đòi nợ, thậm chí ảnh hưởng đến tín dụng cá nhân.
Những "khoản vay cấp tốc" này có thể dễ dàng nhận được chỉ bằng vài cú nhấp chuột trên nền tảng trực tuyến. Chúng có vẻ thuận tiện nhưng thực tế lại là một cái bẫy tinh vi. Chúng ta phải hiểu rằng vay tiền là con dao hai lưỡi, chúng ta chỉ có thể sử dụng tiền một cách hợp lý trong khả năng của mình. Dù là thẻ tín dụng hay khoản vay trực tuyến, bạn cũng phải xử lý nó một cách thận trọng và không được đặt một "quả bom hẹn giờ" cho cuộc sống tương lai của mình.
5. "Miễn phí"
Lời nói dối cuối cùng có vẻ "hấp dẫn" và "vô hại". Người ta thường nói "Trên đời không có bữa trưa miễn phí", nhưng nhiều người vẫn bị lừa bởi vài "món quà miễn phí" hay "khám sức khỏe miễn phí". Đằng sau những cám dỗ "miễn phí" này có thể ẩn chứa những khoản phí cao hoặc "thói quen" ép buộc tiêu dùng.
Chẳng hạn, sau khi tham gia "buổi hội thảo về sức khỏe miễn phí" họ bị dụ dỗ bởi những sản phẩm sức khỏe đắt tiền; sau khi tham gia "nhóm du lịch miễn phí" họ bị kéo đến điểm mua sắm để ép tiêu dùng. Chúng ta phải học cách luôn tỉnh táo và không bị lừa bởi sự "miễn phí". Bạn biết đấy, cái giá phải trả cho sự "miễn phí" có thể cao hơn nhiều so với bạn nghĩ.
Từ chủ nghĩa tiêu dùng đến lừa đảo đầu tư, từ bẫy sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến khủng hoảng cho vay, hay cám dỗ "miễn phí", năm lời nói dối này đều nhắm vào điểm mù tâm lý và nhận thức mong manh của người tiêu dùng. Sự thành công một phần là do những kẻ lừa đảo khôn ngoan, phần còn lại là do chúng ta sơ suất trong việc quản lý tiền bạc và thiếu hiểu biết. Trong thời đại đầy cám dỗ và rủi ro như vậy, chúng ta phải học cách bảo vệ sự an toàn cho tài sản của mình.
Nếu bạn muốn giữ túi tiền của mình, trước tiên bạn phải thiết lập một quan niệm đúng đắn về tiêu dùng. Đừng bị ép buộc bởi chủ nghĩa tiêu dùng tưởng chừng như "tinh tế" Một lối sống phù hợp với mình mới là hạnh phúc thực sự. Thứ hai, bạn phải chọn các kênh đầu tư tài chính chính thức và không bao giờ tham lam cái gọi là "lợi nhuận cao". Thứ ba, cần đặc biệt chú ý đến người cao tuổi tại nhà, nhắc nhở họ tránh xa những "lừa đảo sức khỏe" và hỗ trợ họ nhiều hơn về mặt tinh thần. Cuối cùng, dù là cho vay hay hoạt động miễn phí, bạn cần cảnh giác hơn để tránh rơi vào những cái bẫy ẩn sau vẻ "rẻ tiền" bề ngoài.
Tiêu tiền là một môn khoa học và là một bài kiểm tra khả năng tự chủ. Mỗi đồng xu thu nhập đều khó kiếm được. Chúng ta không chỉ phải biết cách tiêu mà còn phải biết cách giữ nó. Thay vì chỉ tin vào những lời nói dối ngọt ngào đó, tốt hơn hết bạn nên dành nhiều thời gian hơn để học hỏi kiến thức quản lý tài chính, nâng cao trí tuệ tài chính và trở thành một "người nắm giữ tiền" tỉnh táo. Suy cho cùng, sự giàu có thực sự của cuộc sống không nằm ở số tiền bạn chi tiêu mà nằm ở việc mỗi khoản chi tiêu bạn thực hiện mang lại giá trị thực sự như thế nào cho bản thân và gia đình bạn.