Chi tiêu hợp lý để tiết kiệm được tiền là một chuyện, nhưng làm sao để tối ưu khoản tiền tiết kiệm ấy thì không phải ai cũng biết. Để tiền trong túi thì sợ lỡ tay tiêu mất, bảo gửi tiết kiệm lại hơi lấn cấn vì “nhỡ đâu có việc”, đến cả phương án mua vàng - tưởng là tối ưu nhất rồi nhưng nhiều người vẫn chần chừ đơn giản vì “không đủ”.
Thế nên thành ra cứ băn khoăn mãi, chẳng biết nên làm sao cho ổn với số tiền tiết kiệm được hàng tháng.
Đây là thắc mắc của một người dùng ẩn danh trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính. Dân mạng đọc xong liền thi nhau hiến kế. 2-3 triệu không phải số tiền quá lớn nhưng tháng nào cũng đều đặn để dành được chừng đó thì chắc chắn làm được không ít việc.
Nguyên văn băn khoăn của người để dành được 2-3 triệu/tháng (Ảnh chụp màn hình)
“Nếu chưa có bảo hiểm thì chia đôi số tiền ra, một nửa để dành mua bảo hiểm, một nửa để dành mua vàng. Cứ gom lại bao giờ đủ tiền mua 1 chỉ thì mua, còn mua bảo hiểm thì trong lúc chờ gom tiền thì nên tìm hiểu kỹ chính sách, đọc kỹ hợp đồng, hỏi kinh nghiệm từ người thân bạn bè. Cứ túc tắc thế mà làm thôi chứ để tiền trong tài khoản thì phí quá, mà gom hết đi mua vàng cũng không tối ưu” - Một người gợi ý.
“Có quỹ dự phòng ốm đau chưa bác, nếu chưa có thì nên cân nhắc xây dựng quỹ dự phòng đã chứ cầm hết đi mua vàng, tới lúc có việc lại bán đi thì có khi lỗ chứ chẳng lãi. Bao giờ có khoảng 40-50 triệu dự phòng thì hẵng nghĩ đến đầu tư sinh lời. Em thuộc kiểu ăn chắc mặc bền nên em nghĩ thế là hợp lý” - Một người chia sẻ.
“Tiết kiệm tiền mặt, mua vàng tích sản, bảo hiểm nhân thọ là 3 cái mình nghĩ nên có. Chưa có thì cứ từ từ xây dựng. 2-3 triệu cảm giác cũng không nhiều nhưng tháng nào cũng thế thì cả năm cũng được 24-36 triệu, cũng không ít. Khéo phân bổ là được chứ đừng dồn hết vào 1 thứ” - Một người khác khuyên.
“Luân phiên bạn ạ. Tháng này dư thì mua vàng. Tháng sau dư thì gửi tiết kiệm. Tháng sau nữa thì để đầu tư mua chứng khoán. Kiểu thế cho đỡ phải nghĩ nhiều” - Một người khác bày cách.
Với những người đang để dành được một khoản nho nhỏ hàng tháng, như người dùng ẩn danh trong câu chuyện phía trên, việc phân bổ khoản tiền này vào các kênh khác nhau là việc quan trọng và vô cùng cần thiết. Ngân sách có thể nhiều, có thể ít nhưng vẫn phải đảm bảo không bỏ hết trứng vào 1 giỏ, thì mới tối ưu được.
Ảnh minh họa
1 - Xây dựng quỹ dự phòng
Quỹ dự phòng đóng vai trò như một chiếc phao cứu sinh, bảo vệ bạn khỏi những biến động bất ngờ của cuộc sống. Bạn có thể cân nhắc cất khoản tiền dự phòng này vào các gói tiết kiệm ngắn hạn - khoảng 1 -2 tháng để tối ưu tỷ suất sinh lời, mà vẫn đảm bảo được tính thanh khoản cao: Có thể rút ra bất cứ khi nào có việc đột xuất, phát sinh.
2 - Đầu tư sinh lời
Sau khi đã xây dựng được khoản quỹ dự phòng tương đương 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí cơ bản, bạn có thể cân nhắc phân bổ tiền vào các kênh đầu tư sinh lời an toàn như chứng khoán, chứng chỉ quỹ hoặc vàng.
Ảnh minh họa
Chứng khoán mang đến cơ hội tăng trưởng vốn hấp dẫn, nhưng đòi hỏi bạn phải có kiến thức và khả năng chấp nhận rủi ro. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ là lựa chọn phù hợp cho những người muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Còn vàng thì quá rõ rồi, là kênh trú ẩn an toàn trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động.
3 - Đầu tư cho bản thân
Đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất và bền vững nhất. Đừng bao giờ tiếc tiền nâng cao kiến thức, kỹ năng và mở rộng mạng lưới quan hệ. Tham gia các khóa học chuyên môn, học ngoại ngữ, đọc sách, tham dự hội thảo, hoặc đơn giản là dành thời gian cho những hoạt động giúp bạn phát triển bản thân. Những khoản đầu tư này không chỉ giúp gia tăng thu nhập trong tương lai, mà còn mang lại các mối quan hệ chất lượng, sự tự tin và hạnh phúc trong cuộc sống.
Ngọc Linh