Có một hiện tượng đang xảy ra ngày càng phổ biến với không ít người: Họ không đợi đến khi thật sự cần mới chi tiền, cũng không đợi đến khi đủ điều kiện tài chính mới nghĩ đến mua sắm. Việc tiêu tiền diễn ra tự nhiên như một thói quen, gần như mang tính phản xạ. Sau giấc ngủ trưa tự nhiên thấy chan chán, liền phải mở app làm ngay cốc trà sữa.
Tối đến chẳng biết làm gì nên lướt app mua sắm online, thấy gì đèm đẹp là mua. Cảm giác chờ đợi đơn hàng, nhận thông báo đã giao, bóc gói hàng… tạo ra một chuỗi cảm xúc tích cực ngắn ngủi nhưng đủ để lấp khoảng trống tinh thần đang tồn tại trong ngày.
Ảnh minh họa
Chi tiêu, trong trường hợp này, không nhằm thỏa mãn một nhu cầu thực tế nào. Nó giống như một cú chạm nhẹ để khơi lại cảm giác được sống. Khi không có gì mới để làm, không có mối quan hệ nào đáng để dồn thời gian tâm sức, cũng chẳng có kế hoạch gì cụ thể, thì tiêu tiền trở thành cách nhanh nhất để tạo ra cảm giác mình vẫn hít thở. Cú click thanh toán ấy dù đơn giản vẫn tạo ra một tác động rõ rệt: Mình đang lựa chọn, mình đang sở hữu, mình đang tiêu xài chính công sức mình làm ra.
Công việc càng căng thẳng, ham muốn tiêu tiền mua vui lại càng cao. Mạng xã hội càng nhiều bạn bè, càng “năng nổ”, càng tiêu không thể dừng.
Khi thấy người khác liên tục đăng ảnh quán xá, đồ mới, du lịch cuối tuần, không ít người dễ rơi vào cảm giác tụt hậu kể cả khi họ chẳng thực sự thiếu thốn gì. Lúc ấy, việc tiêu tiền không chỉ là mua sắm mà là một hành động xác nhận bản thân vẫn đang hiện diện trong cuộc chơi.
Điều đáng nói là trạng thái này không cần ai dẫn dắt hay định hướng. Nó hình thành tự nhiên từ môi trường xung quanh, từ nhịp sống số hóa, từ thói quen được nuôi dưỡng qua từng lần quẹt thẻ không suy nghĩ. Tất cả bắt đầu gắn cảm giác sống có ý nghĩa với những hành vi chi tiêu bất kể lớn nhỏ, và từ đó hình thành một cơ chế cảm xúc lệ thuộc vào hành vi mua sắm.
Việc tiêu tiền để giải tỏa cảm xúc không phải là vấn đề nghiêm trọng nếu nó diễn ra có kiểm soát. Nhưng thực tế cho thấy, khi tiêu tiền trở thành công cụ chính để kích hoạt cảm xúc tích cực, nó dễ đẩy chúng ta vào một chu trình lệ thuộc ngầm. Họ bắt đầu sử dụng tiền như một chất kích thích, một dạng khoái cảm dễ đạt được, không cần nỗ lực hay chờ đợi lâu dài.
Ảnh minh họa
Hệ quả đầu tiên và dễ thấy nhất là tài chính cá nhân rơi vào trạng thái làm đến đâu tiêu hết đến đó.
Một lần tiêu đáng bao nhiêu, chỉ một cốc cà phê, một đôi giày “tầm trung” nhưng cộng dồn lại thì thành một núi tiền, chỉ là nó không nằm trong tay mình nữa. Chúng ta vẫn đi làm chăm chỉ, vẫn có mức thu nhập ổn, chỉ là không dư dả được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tích lũy cho tương lai, mà còn tạo ra cảm giác thất bại mơ hồ khi nhìn lại nửa năm hay một năm trôi qua mà không có gì cụ thể trong tài khoản, không mục tiêu tài chính nào được hoàn thành.
Tuy nhiên, mặt trái lớn nhất không nằm ở tiền mà ở cảm xúc. Khi tiêu tiền được mặc định là phương án “cấp cứu tinh thần” khi buồn, khi mệt, khi chán chẳng có gì làm hoặc chẳng biết phải làm gì, thì khả năng đối mặt và đương đầu với khó khăn chắc chắn bị bào mòn.
Thay vì học cách ngồi lại với chính mình, kiên nhẫn đào sâu lý do vì sao mình thấy đời vô nghĩa, vì sao mình không còn niềm vui, vì sao mình thấy mọi thứ trống rỗng, thì chúng ta chọn cách đơn giản hơn nhiều: Tiêu tiền cho vui đã.
Hệ quả, hết tiền là hết niềm vui và cả cách để vui.
Thế nên gọi đây là một “cơn nghiện” có lẽ cũng chẳng sai: Nghiện cảm giác có được cái gì đó tức thì tương tự như nghiện MXH. Niềm vui trở thành thứ dễ đạt được nên lâu dần, nó cũng trở thành điều quá đỗi bình thường. Và để vui hơn thì phải tiêu nhiều tiền hơn, kiểu như là ngày xưa mua đôi giày 800k đã thấy vui lắm rồi, còn giờ thì phải cỡ 8 triệu mới thấy tạm hài lòng, bao giờ mua được đôi giày 80 triệu mới thấy sung sướng. Vòng tròn cứ thế tái đi tái lại, chẳng có điểm dừng.
Nếu cứ duy trì thói quen này, không chỉ ví tiền mà cả đời sống tinh thần và cách nhìn nhận cuộc sống cũng sẽ bị ảnh hưởng, đương nhiên theo hướng tiêu cực, đơn giản vì khi đó, người ta đã mất năng lực tạo ra niềm vui - thứ lẽ ra chưa bao giờ phải phụ thuộc vào tiền.
Tiêu tiền có thể khiến người ta vui một lúc nhưng nếu phải liên tục tiêu tiền mới thấy đời mình đáng sống, thì đó không còn là niềm vui nữa mà là sự lệ thuộc độc hại. Thế nên lần tới nếu muốn mua gì đó, thử hỏi mình xem: Giờ không chi tiền thì liệu có cách nào khác để vui không?
Đáp án bạn tìm được khi ấy cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi: “Mình đang tiêu tiền để sống, hay sống để tiêu tiền nhỉ?"?