Loại rau dân dã nhưng được ví như “thần dược”
Vào mùa hè, trên những thửa ruộng, bờ mương hay ven đường làng ở các vùng quê Việt Nam, không khó để bắt gặp một loại rau nhỏ bé mọc thành cụm, thân bò sát mặt đất, lá xanh mướt, giòn mọng – đó chính là rau sam. Từ lâu, loại rau dại này đã xuất hiện trong các bữa ăn dân dã của người Việt.
Tưởng chừng chỉ là loại rau dại vô danh, nhưng rau sam (tên khoa học là Portulaca oleracea L.) lại được giới khoa học đánh giá cao về các lợi ích với sức khỏe. Nhờ đó, rau sam cũng được săn lùng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Người Nhật xem rau sam là “thần dược” và lùng mua về ăn. Tại Trung Quốc, rau sam được gọi là “rau trường thọ”. Ở một số nước như Hà Lan, Pháp, Mỹ, rau sam cũng được yêu thích và dùng trong nhiều món ăn khác nhau.
Vì sao rau sam được coi là “thần dược”?
1. “Ngân hàng vi chất” từ tự nhiên
Theo chuyên trang sức khỏe Health của Mỹ, rau sam chứa nhiều vitamin A, C, E, sắt, magiê, kali và chất chống oxy hóa mạnh như beta-carotene, glutathione. Đặc biệt, rau sam còn có hàm lượng polyphenol và flavonoid cao. Đây là những hợp chất đã được chứng minh có tác dụng kháng viêm, chống lão hóa và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do.
Cây rau sam (Ảnh minh họa)
2. Tác dụng chống viêm và bảo vệ tế bào
Rau sam có đặc tính kháng viêm tự nhiên nhờ các chất chống oxy hóa như apigenin, kaempferol và quercetin. Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Ethnopharmacology vào năm 2000, chiết xuất từ rau sam có tác dụng giảm viêm, làm dịu tổn thương mô và có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh mạn tính liên quan đến viêm như tiểu đường, tim mạch.
3. Hỗ trợ hệ tiêu hóa và giải độc
Rau sam giàu chất nhầy tự nhiên, giúp làm dịu đường ruột, giảm táo bón, báo Lao Động đưa tin. Còn theo báo Sức khỏe và Đời sống, rau sam có vị chua, tính hàn, không độc, vào đại tràng, can, thận. Theo đó, loại rau này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán huyết, tiêu thũng.
4. Hỗ trợ phòng bệnh tiểu đường và điều hòa đường huyết
Vào năm 2016, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Complementary Therapies in Clinical Practice cho thấy, việc sử dụng chiết xuất rau sam giúp giảm chỉ số đường huyết lúc đói và HbA1c ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Điều này khiến rau sam trở thành thực phẩm hỗ trợ quản lý đường huyết tự nhiên đầy tiềm năng.
5. Giàu omega-3 – điều đặc biệt hiếm thấy ở rau xanh
Theo trang WebMD, axit béo Omega-3 có trong cá, không thường có trong thực vật. Thế nhưng, rau sam là một ngoại lệ. Trên thực tế, hàm lượng axit béo omega-3 trong rau sam được ghi nhận là cao nhất trong số các loại thực vật trên cạn. Omega-3 là loại chất béo có lợi, giúp ngăn ngừa đột quỵ, đau tim và các dạng bệnh tim khác. Axit béo Omega-3 cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú.
Những món ăn dân dã từ rau sam
Một món ăn từ rau sam (Ảnh minh họa)
Rau sam không chỉ tốt mà còn rất dễ chế biến. Một số món ăn đơn giản, dễ làm từ rau sam có thể kể đến như:
- Rau sam luộc: Giữ nguyên vị thanh, chấm với mắm tỏi ớt.
- Canh rau sam nấu tôm hoặc cá: Món ăn mát cho mùa hè, là nguồn bổ sung đạm và vi chất tuyệt vời.
- Rau sam xào tỏi: Dễ chế biến, đưa cơm và dễ ăn.
- Salad rau sam: Kết hợp rau sam với cà chua, hành tây, dầu oliu, tạo thành món ăn lạ miệng, giàu dinh dưỡng.
- Rau sam muối chua: Muối giống như dưa cải, giúp hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt hợp với các món chiên rán.
Tuy nhiên, khi ăn rau sam, nên tránh hái rau ở những khu vực ô nhiễm. Đồng thời, nên cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc thuốc trừ sâu đối với rau sam hái ngoài tự nhiên.
Ngoài ra, theo chuyên trang Health, rau sam chứa oxalat – chất có thể kết tinh tạo sỏi ở người có tiền sử sỏi thận. Vì vậy, người mắc bệnh này nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thường xuyên.
(Theo Health, WebMD, Lao Động, Sức khỏe và Đời sống)