Sốt xuất huyết từ lâu đã là căn bệnh không quá xa lạ đối với mọi người bởi căn bệnh này dễ bùng phát thành dịch lan rộng hàng năm, Bộ Y tế đã có rất nhiều khuyến cáo kêu gọi người dân chủ động phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, do nhiều người chủ quan rằng sốt xuất huyết không phải là bệnh quá nguy hiểm, khó gây tử vong nên vẫn còn thờ ơ với căn bệnh này, thậm chí không hề có bất cứ biện pháp phòng ngừa nào. Chính sự chủ quan, thờ ơ này của mỗi cá nhân đã góp phần không nhỏ cho việc khiến dịch bệnh bùng phát nhanh và mạnh hơn. Do đó, hãy cùng nhìn qua các số liệu về bệnh sốt xuất huyết trong 3 năm gần đây nhất để thấy được căn bệnh này đang ngày càng phát triển mạnh đến mức nào.
Năm 2017 có thể xem là năm đại dịch của sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện trên diện rộng ở 61/63 tỉnh thành Việt Nam. Thậm chí, Việt Nam đã ghi được hơn 90.000 ca nhiễm bệnh trong khi sốt xuất huyết vẫn chưa vào mùa. Hằng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào thời điểm từ tháng 9 - 11, thế nhưng đến tháng 8/2017 cả nước đã ghi nhận được 90.626 trường hợp, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm 2016. Và đến tháng 12 năm 2017, Việt Nam đã có hơn 163.000 người mắc bệnh, trong đó có 30 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội đã có đến 37.422 người mắc bệnh, 7 trường hợp tử vong xuất phát từ 5.600 ổ dịch bệnh.
Ảnh: Thời Đại
Năm 2018, mặc dù tình hình dịch bệnh có giảm hơn năm 2017 nhưng vẫn còn ở mức đáng báo động. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận được 67.414 ca mắc bệnh trên 62/63 tỉnh thành, trong đó có đến 11 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nếu như ở năm 2017 dịch sốt xuất huyết hoành hành nhiều ở các tỉnh phía Bắc thì năm 2018 tình trạng dịch bệnh ở Hà Nội giảm hẳn, ngược lại bùng phát nhiều hơn ở phía Nam. Bằng chứng là 11 ca tử vong rải đều ở các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Bình Định, Trà Vinh và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, đến ngày 20/12 số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội giảm 88% so với cùng kỳ năm 2017 và không có trường hợp tử vong.
Theo Sức khỏe & Đời sống, năm 2019, mặc dù chỉ mới đầu tháng 6 nhưng cả nước đã ghi nhận được 58.240 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận. So với cùng kỳ năm 2018 thì con số này đã tăng 3,3 lần. Đặc biệt, Bộ Y tế dự báo rằng bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có xu hướng gia tăng và có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới do ảnh hưởng của thời tiết nếu người dân không có các biện pháp phòng chống quyết liệt.
Trước tình hình sốt xuất huyết đang vào "mùa dịch", Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên nâng cao ý thức vệ sinh môi trường sống, mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày, mặc quần áo dài để hạn chế muỗi đốt... Đặc biệt, hiện nay căn bệnh sốt xuất huyết không chỉ đe dọa tính mạng của trẻ em mà ngay cả người lớn cũng rất nhiều trường hợp mắc phải, thậm chí tử vong. Do đó, các bạn trẻ không nên quá chủ quan lơ là việc phòng chống bệnh, nhất là khi phát hiện có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ là sốt xuất huyết thì nên đi khám ngay chứ không nên tự ý chữa trị tại nhà sẽ khiến bệnh nặng hơn và vô cùng nguy hiểm cho tính mạng.