Cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết: Cẩn trọng với 2 con đường lây bệnh này

T.L, Theo Helino 11:04 11/04/2019

Bệnh sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch tương đối lớn và có khả năng gây tử vong cho người bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết và con đường lây bệnh sốt xuất huyết là gì?

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1 - 4 đến hết ngày 7 - 4), toàn thành phố có thêm 13 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 7 ca so với tuần trước. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, trong 3 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc sốt xuất huyết tăng 3,7 lần.

Cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết: Cẩn trọng với 2 con đường lây bệnh này - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng, tạo thành nơi muỗi đẻ trứng. Do đó, người dân cần luôn đề cao ý thức phòng ngừa bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính, chủ yếu là do muỗi Aedes albopictus và Aedes aegypti gây nên. Bệnh có thể bùng phát thành dịch tương đối lớn và có khả năng gây tử vong cho người bệnh nếu không có biện pháp phòng trừ và xử lý kịp thời. Dịch sốt xuất huyết đã từng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết chủ yếu do virus dengue từ cơ thể loài muỗi vằn Aedes aegypti gây nên.

Quy trình lây nhiễm chủ yếu sẽ là: Đầu tiên muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus Dengue, tiếp theo virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi từ 8 - 11 ngày rồi tiếp tục trong thời gian đó truyền bệnh cho người, virus đi vào cơ thể người. Muỗi Aedes hút máu từ cơ thể người bệnh rồi truyền sang cơ thể người lành làm cho bệnh lây lan nhanh chóng.

Dịch sốt xuất huyết thường bùng phát vào đầu và cuối mùa mưa, có khả năng lây lan nhanh thành dịch. Bởi lẽ vào mùa mưa, muỗi vằn có khả năng phát triển mạnh, nhất là vào thời gian từ tháng 6 - 11 do nhiệt độ, độ ẩm cao tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng và trứng muỗi phát triển thành bọ gậy (loăng quăng).

Cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết: Cẩn trọng với 2 con đường lây bệnh này - Ảnh 2.

Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường nào?

Theo Cục y tế dự phòng bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua 2 đường chính, bao gồm:

Thứ nhất: Muỗi vằn đốt truyền bệnh sốt xuất huyết

Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang virus Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (người lành mang bệnh), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh và truyền virus vào cơ thể họ qua vết đốt đó.

Đặc điểm của muỗi Aedes:

- Loại muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính gây bệnh trong các ổ dịch lưu hành.

- Muỗi Aedes có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng nên có tên khác là muỗi vằn.

- Muỗi vằn cái thường chỉ hoạt động và đốt người vào ban ngày, mạnh nhất là vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối.

- Muỗi vằn thường cư trú tại góc tối trong nhà, trên quần áo và các đồ dùng trong nhà.

- Muỗi vằn sinh sản, đẻ trứng ở những vùng có nước đọng như: Ao, hồ, trong các dụng cụ chứa nước...

- Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20 độ C. Nhiệt độ cao thì khả năng sinh sản của muỗi tăng lên.

Cả nước đã ghi nhận hơn 47.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết: Cẩn trọng với 2 con đường lây bệnh này - Ảnh 3.

Thứ 2: Bệnh sốt xuất huyết lây qua đường lấy máu hoặc dùng chung bơm kim tiêm

Con đường lây bệnh sốt xuất huyết này ít phổ biến hơn so với lây qua đường muỗi đốt nhưng vẫn có thể xảy ra nếu lấy máu của người mang mầm bệnh truyền cho người lành hoặc khi người lành và người bệnh dùng chung bơm kim tiêm.