Đừng Gọi Anh Dậy của Phúc Du - điểm "chạm" không phô diễn, chân thành và đúng tên cảm xúc

Bạn Nam, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 07/06/2021

Không quá buồn bã tâm trạng, cũng không quá bùng nổ mạnh mẽ, Phúc Du đem được cái thô ráp của hip hop vào một bản nhạc nhiều tâm tư để biến Đừng Gọi Anh Dậy trở thành một Trạm Cảm Xúc đúng nghĩa mà người nghe nhạc cần.

Trạm Cảm Xúc đã đi qua 6 điểm, nhưng chưa có điểm nào thực sự bứt phá lên để tạo được hiệu ứng như 1989s Entertainment kỳ vọng. Đầu tư rất nhiều công sức, đưa vào không ít sáng tạo đột phá, nhưng dường như 6 trạm vừa qua chưa thực sự “chạm” được tới số đông công chúng. 

Một trong những lý do chính dẫn đến điều này, có lẽ nằm ở cái tên khá tham vọng nhưng lại mang đến hiệu ứng trái ngược từ công chúng. Cái tên Trạm Cảm Xúc là một cách chơi chữ hay, nhưng vẽ ra một sự trông chờ những bản nhạc gợi nên những cảm xúc từ sâu bên trong, những thứ gần gũi, dễ dàng cảm nhận với đông đảo người nghe. Tuy nhiên, hầu hết các bản nhạc trong Trạm Cảm Xúc, hoặc là rất khó đồng cảm, hoặc nặng về phô trương màu sắc âm nhạc cá nhân. 

Đừng Gọi Anh Dậy của Phúc Du - điểm chạm không phô diễn, chân thành và đúng tên cảm xúc - Ảnh 1.

Vợ chồng Bigdaddy - Emily tung ra 2 bản nhạc 18+ có tiềm năng bùng nổ, nhưng tạo cảm giác riêng tư dành riêng cho 2 người thay vì khiến người nghe liên tưởng đến chuyện của bản thân mình. Cuộc trò chuyện với nỗi buồn và cô đơn của Tiên Cookie trong Thưởng Thức Nỗi Buồn có thể xem là một ý tưởng mới lạ, nhưng nó cũng là thứ thuộc về riêng Tiên thay vì là một câu chuyện có tính phổ quát đến được số đông. 

Đố Anh Đoán Được rất độc đáo, thú vị với màn đố chữ cùng chất dance pop hơi điên rồ, và đó chính là con dao 2 lưỡi khi người thích thì rất thích, người không cảm được thì cũng sẽ mãi như vậy. Em Là Điểm Yếu Của Anh thì quá nhạt nhòa, trong khi Mixset Bay Xa vốn không phải là thứ có khả năng tiếp cận khán giả số đông.

Đội ngũ 1989s Entertainment vẫn làm rất tốt, các bản phối của họ hay, chỉn chu, các sáng tác của họ tuy không phải cái nào cũng xuất sắc nhưng luôn có một ý tưởng mới lạ. Tuy nhiên, ekip có đôi chút hơi “phô diễn” trong dự án này, họ thể hiện nhiều thay vì tập trung vào những thứ có tính đại chúng, dễ cảm hơn. Thế nên, dù tên là Trạm Cảm Xúc nhưng mọi thứ ở đây lại tạo cảm giác xa lạ với đại chúng.


Cái tên “Trạm cảm xúc” là một cách chơi chữ hay, nhưng vẽ ra một sự trông chờ những bản nhạc gợi nên những cảm xúc từ sâu bên trong, những thứ gần gũi, dễ dàng cảm nhận

Tuy nhiên, đến cái tên cuối cùng của dự án lần này - Phúc Du - ta không còn thấy sự phô diễn ấy nữa. Mọi thứ ở Đừng Gọi Anh Dậy rất đơn giản, không có những ý tưởng độc đáo mới lạ, không có những âm thanh đột phá, thậm chí họ còn đẩy Phúc Du vào những âm thanh lo-fi dày đặc. Thế nhưng, sự đơn giản đến đơn thuần ấy lại nhắm trúng đến một thứ mà cả 6 trạm vừa qua thiếu vắng: Khơi gợi cảm xúc sâu bên trong người nghe. 

Đừng Gọi Anh Dậy - Phúc Du

Trên nền những nhịp điệu được loop lặp đi lặp lại, đôi khi rải những những tiếng piano được lọc qua tiếng lo-fi nghe nhiễu và âm u, Phúc Du cất lên những nhịp điệu rap chậm rãi, từ tốn. Ta không thấy những câu chơi chữ thú vị như vẫn thấy trong các tác phẩm trước của Phúc Du, cũng không thấy những flow thật lạ lùng hay những thi triển kĩ thuật rap khó, Phúc Du giữ mọi thứ ở mức rất đơn giản để thông qua đó, anh kể về những rối ren ở sâu bên trong: “Gần đây ngày nào cũng là chủ nhật, từ thứ hai cho đến thứ bảy/Ai cũng đang tìm anh nhưng thật tiếc là anh cũng vậy”.

Không còn những thứ quá riêng tư hay quá tham vọng như những gì Tiên Cookie, BigDaddy - Emily hay Bích Phương đã làm, Phúc Du xây dựng một câu chuyện mà trong đó, ai cũng nhìn thấy một phần của của bản thân mình: Những khoảnh khắc mệt mỏi với cuộc sống mà chỉ muốn bỏ qua cả “thế giới loài người” để thu lại trong một góc phòng, lạc lối và đánh mất chính mình,... Mọi câu rap trong Đừng Gọi Anh Dậy đều không nhắm đến cụ thể một câu chuyện cá nhân nào cả, mà nó dành cho mọi người cùng cảm nhận, nói lên nỗi lòng của bất kì ai. Cộng hưởng với những âm thanh cũng tiết chế và không phô diễn, bài hát dễ dàng tạo được sự đồng cảm và khơi gợi chính cảm xúc thật bên trong người nghe thay vì họ phải cảm nhận một “trạm cảm xúc” của một người khác. 

Đừng Gọi Anh Dậy của Phúc Du - điểm chạm không phô diễn, chân thành và đúng tên cảm xúc - Ảnh 4.

Mọi câu rap trong Đừng Gọi Anh Dậy đều không nhắm đến cụ thể một câu chuyện cá nhân nào cả, mà nó dành cho mọi người cùng cảm nhận, nói lên nỗi lòng của bất kì ai.

Bạn Nam

Tuy nhiên, Đừng Gọi Anh Dậy vẫn có những điểm nhấn nhỏ để khiến nó vượt lên trên những bản rap với những âm thanh lo-fi “cảm xúc” đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Thứ nhất, Phúc Du có những lần đổi flow đầy biến hóa và bắt tai, cụ thể là ở đoạn đầu khi anh đang dùng flow từ tốn ngay lập tức tăng tốc với một câu lặp đi lặp lại “đêm rồi sáng rồi đêm rồi sáng rồi đêm”, tiếp theo là cách anh tách một phần trong bài ra, thêm một chút melody để biến nó thành chorus của bài. 

Thứ hai, Tiên Cookie góp giọng ngay sau phân đoạn chorus của Phúc Du để tạo nên một đoạn chuyển rất hợp lý. Phân đoạn không dài, lyrics vẫn giữ ở mức đơn giản nhưng nó biến cả bài hát bừng sáng, không quá chìm sâu vào trong nỗi buồn và sự tuyệt vọng. Đó chính là thứ mà một bài hát về cảm xúc buồn văn minh nên có: Một lời an ủi vực lại tinh thần, một lối thoát tích cực thay vì cứ để những cảm xúc tiêu cực cuốn lấy người nghe từ đầu đến cuối. 

Đừng Gọi Anh Dậy của Phúc Du - điểm chạm không phô diễn, chân thành và đúng tên cảm xúc - Ảnh 6.

Và thứ ba, cũng là thứ hiếm ai có được, đó là chất giọng khàn đặc trưng của Phúc Du. Với một ca khúc thiên quá nhiều vào trong cảm xúc trong lyrics, phối khi với nhiều âm thanh lo-fi, nó dễ dàng bị “sến” và đẩy vào lối mòn tương tự rất nhiều ca khúc khác. Tuy nhiên, Phúc Du có một sự thô ráp sẵn có trong tông giọng, khiến bất cứ thứ gì anh chàng hát, rap đều mang một sự mạnh mẽ, nam tính và không bao giờ ủy mị. Và ngược lại, tông giọng cứng rắn của Phúc Du còn góp phần xóa bỏ đi “tính nam độc hại” thường tồn tại trong nhạc rap, phô bày những góc đầy tâm sự bên trong một người đàn ông. Phúc Du không trốn tránh, không phủ nhận, anh rap thẳng thắn về những thứ yếu đuối của chính mình. Một góc nhìn văn minh và một cách thể hiện ngoài Phúc Du ra, có lẽ ít ai làm được. 

Phúc Du không trốn tránh, không phủ nhận, anh rap thẳng thắn về những thứ yếu đuối của chính mình. Một góc nhìn văn minh và một cách thể hiện ngoài Phúc Du ra, có lẽ ít ai làm được.

Bạn Nam

Đừng Gọi Anh Dậy của Phúc Du - điểm chạm không phô diễn, chân thành và đúng tên cảm xúc - Ảnh 8.

Đừng Gọi Anh Dậy lột bỏ hết những hào nhoáng của âm thanh, những kĩ thuật trong cả lyrics flow, chỉ còn để lại những cảm xúc thật nhất, nhưng cuối cùng, nó lại khiến người nghe đồng cảm nhiều nhất. Có thể đây không phải là một Phúc Du mà người nghe từng quen thuộc với những bản rap bùng cháy và những cách chơi chữ có một không hai, nhưng nó phô bày một góc khác trong tâm hồn của Phúc Du, chân thực hơn, dễ cảm hơn nhưng không bao giờ thiếu đi sức nặng trong cả phần âm thanh và cách trình bày. 

Có thể đây không phải là một Phúc Du mà người nghe từng quen thuộc với những bản rap bùng cháy và những cách chơi chữ có một không hai, nhưng nó phô bày một góc khác trong tâm hồn của Phúc Du, chân thực hơn, dễ cảm hơn nhưng không bao giờ thiếu đi sức nặng trong cả phần âm thanh và cách trình bày.

Bạn Nam

Đừng Gọi Anh Dậy của Phúc Du - điểm chạm không phô diễn, chân thành và đúng tên cảm xúc - Ảnh 10.

Clip: YouTube - Ảnh: Ekip sản xuất