Thông thường, mọi người đều cho rằng một người trong thời gian dài không bị ốm là do sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch hoạt động khỏe mạnh giúp họ chống lại các loại bệnh. Theo lẽ thường thì những người như vậy sẽ có sức khỏe tốt và sống lâu hơn những trường hợp còn lại, nhưng sự thật lại không phải vậy.
Trên thực tế, cơ thể con người là một hệ thống vô cùng phức tạp, cơ chế hoạt động của các cơ quan trong cơ thể không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nếu như con người thỉnh thoảng bị ốm nhẹ, hoặc có một lượng nhỏ vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua tuyến phòng thủ đầu tiên, thì khi đó hệ thống miễn dịch sẽ bị điều động trong trạng thái sẵn sàng chống lại các tác nhân gây hại.
Ảnh minh hoạ
Hệ thống miễn dịch chiến đấu chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh nhẹ này bằng cách tạo ra các kháng thể tương ứng. Virus và vi khuẩn khác nhau cần những kháng thể khác nhau. Cũng giống như khi chúng ta đi đánh trận, mỗi một đợt tiến công của các loại virus nhỏ lẻ giống như đang huấn luyện khả năng thích ứng của hệ thống miễn dịch, giúp cho hệ thống miễn dịch được liên tục làm mới và duy trì khả năng phòng thủ.
Nếu con người không ốm trong một thời gian dài, hệ thống miễn dịch sẽ tiến vào trạng thái “ngủ đông”. Ngay khi có những vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể, hệ thống phòng thủ đầu tiên bị sụp đổ, hệ thống miễn dịch chưa được rèn luyện khả năng thích ứng trước đó cũng sẽ dễ dàng bị “bại trận” dưới sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
Do vậy, những người không hay bị ốm nhưng một khi đã ốm thì sẽ ốm rất lâu, đây không phải là ngẫu nhiên.
Ngoài việc giúp hệ thống miễn dịch có “kinh nghiệm” chống địch phong phú, những người thường ốm vặt còn có thêm một lợi thế, đó là càng chú ý đến sức khoẻ của mình hơn. Những người hay phải nằm viện, hay đi kiểm tra sức khoẻ thì càng sống lâu hơn, vì sao?
Điều này là bởi những người đã trải qua những lần ốm tưởng như sắp chết thường sẽ hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe.
Một mặt, những người thường bị bệnh sẽ có tâm lý tốt hơn. Nhóm người này thường phải lo lắng về sức khỏe của mình, sự chú ý của họ luôn đặt ở vấn đề này, do vậy cách nhìn của họ về những vấn đề khác sẽ nhẹ nhàng hơn, không dễ dàng tức giận hoặc buồn phiền. Họ luôn luôn duy trì một tâm trí bình ổn, do đó cũng giảm đi tổn thương không đáng có do những gánh nặng tâm lý.
Người không hay bị mắc bệnh, một khi bị bệnh thì cảm xúc của họ sẽ trở nên tiêu cực, thậm chí sẽ chuyện nhỏ hoá to và sinh ra sợ hãi. Những phản ứng tiêu cực này cũng có thể làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch và thay vào đó sẽ khiến cho bệnh tình chuyển biến xấu hơn.
Mặt khác, những người hay bị ốm sẽ biết cách yêu quý cơ thể của mình hơn. Những người thường xuyên bị ốm sẽ rất ghét cảm giác bị hành hạ bởi những cơn bệnh, nhưng biết bản thân dễ dàng bị bệnh vặt nên họ sẽ càng chú ý chăm sóc cơ thể mình hơn. Khi trời lạnh, họ biết tự mặc thêm áo, mùa cúm tự biết cách phòng chống, kiểm soát tốt chế độ ăn uống hàng ngày, không hút thuốc hay uống rượu…
Ngược lại, những người không hay ốm vặt cho rằng cơ thể mình vẫn còn rất tốt, vì vậy không để ý đến những chi tiết nhỏ ấy, không kiêng kị gì mà làm những việc có hại cho cơ thể, dần dần lưu lại những hiểm hoạ của bệnh, một khi ốm thì trở tay không kịp.
“Bệnh lâu thành thầy”, những người hay ốm sẽ hiểu hơn về các loại thuốc. Vì thường xuyên mắc các căn bệnh nhỏ khác nhau nên họ càng hiểu về những đặc tính cũng như cấm kỵ của thuốc, từ đó sẽ cẩn thận hơn trong việc uống thuốc đúng bệnh.
Do vậy, cơ thể lâu không bị một trận ốm nhẹ chưa chắc đã là chuyện tốt.
Nguồn: Aboluowang, The Health