Trước khi CKTG 2019 diễn ra, Griffin đã là tâm điểm của dư luận nhưng không phải vì màn trình diễn của họ trong game. Thay vào đó, những tranh cãi ngoài đời thật đã đặt cả đội vào tình thế khó xử.
Mọi chuyện bắt đầu từ lúc cựu HLV và cũng là một trong những người sáng lập đội, Kim "cvMax" Dae-ho xuất hiện trên stream sau khi từ chức để bóc trần sự thật về những ồn ào xoay quanh CEO của Griffin.
Kim "cvMax" Dae-ho, cựu HLV GRF. Ảnh: maisesports.
Trên một số trang thông tin, Kanavi trước khi debut đã có thời gian làm thực tập sinh tại Griffin (GRF). Anh được dẫn dắt bởi cvMax trước khi sang thi đấu tại giải LPL (LMHT Trung Quốc) dưới dạng hợp đồng cho mượn. Khi anh trở về Hàn Quốc trong kì nghỉ, JD Gaming đã đề xuất một hợp đồng chuyển nhượng thay vì cho mượn như trước.
Kanavi chỉ muốn thời hạn hợp đồng là 1 năm. Thế nhưng, ông Cho Kyu Nam, tức CEO của GRF đã lén lút ký hợp đồng 4 năm (nhưng sau đó đã trở thành 5 năm) với JDG và mức lương là 200 triệu Won cộng thêm 1 tỷ Won phí chuyển nhượng trên tư cách là người đại diện của Kanavi.
Trong lúc vụ việc vẫn đang được phía giải đấu LCK của Hàn Quốc điều tra thì phía Riot Trung Quốc và giải đấu LPL đã có những can thiệp. Dưới đây là những kết luận đáng chú ý về những câu hỏi được Riot Games làm sáng tỏ trong vụ drama này.
Liệu có bất kỳ "hợp đồng riêng tư" nào tồn tại giữa JD Gaming và Kanavi hay không?
Thông qua quá trình điều tra, có thể chắc chắn rằng JD Gaming và Griffin đã đạt được sự đồng thuận ở một mức độ nhất định về quyết định của Kanavi. JD Gaming cũng đã chuyển kết quả của thỏa thuận này cho Kanavi.
Do đó, phía Ủy ban điều hành của LPL và LCK không cho rằng có bất kỳ "hợp đồng riêng tư" nào tồn tại giữa đội tuyển JD Gaming và tuyển thủ Kanavi.
Có phải Griffin đã vi phạm luật của Riot Game về số lượng tối đa người chơi có thể đem cho mượn?
Theo quy định hiện hành của Riot Games, mỗi đội chỉ có thể cho mượn tối đa một người chơi. Thương vụ Kanavi được diễn ra sau khi tuyển thủ Shin "Rather" Hyeong-seop đã hoàn thành thương vụ cho mượn của mình. Do đó, Griffin đã không vi phạm bất kỳ quy định nào.
Tuy nhiên, sau khi xem xét quy định này có thể sẽ bị lách luật trong tương lai, ủy ban dự kiến thực hiện một số điều chỉnh. Vào tháng 10/2019, Griffin và JD Gaming có phải đã từng ký thỏa thuận liên quan đến việc chuyển nhượng Kanavi hay không?
Griffin và JD Gaming đã có những cuộc đàm phán liên quan đến việc chuyển nhượng Kanavi. Tuy nhiên, cả 2 bên vẫn chưa ký vào bất kỳ thỏa thuận nào nên việc thanh toán phí chuyển nhượng đã không được xảy ra.
Liệu có bất kỳ ai trong số các bên liên quan như Kanavi, Griffin hoặc JD Gaming đã vi phạm các quy định liên quan đến thủ tục ký hợp đồng không?
Hợp đồng cho mượn Kanavi được hoàn thành vào tháng 5/2019 nhưng trong cùng lúc đó, Griffin cũng thuyết phục Kanavi ký hợp đồng 3 năm. Điều này đã trái với các quy định có liên quan của Riot Games và tổ chức này sẽ bị xử phạt.
Griffin tuy ký hợp đồng cho mượn Kanavi nhưng cũng đồng thời cũng thuyết phục tuyển thủ này ký thêm hợp đồng 3 năm. Ảnh: Riot Games.
Bên cạnh đó, mặc dù JD Gaming biết rằng bản hợp đồng không nên được kéo dài hơn 3 năm, họ vẫn có ý định ký hợp đồng tới 5 năm. Ủy ban điều hành LCK sẽ trình bày các tài liệu liên quan cho Ủy ban điều hành LPL và yêu cầu các biện pháp xử phạt tương tự.
Liệu có xảy ra việc ký hợp đồng với người chưa đủ tuổi thành niên mà không có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật ?
Seo "Kanavi" Jin-hyeok sinh vào tháng 11/2000. Theo luật pháp Hàn Quốc, cậu vẫn chưa đủ tuổi thành niên và cần chữ ký của người đại diện hợp pháp của mình khi ký hợp đồng. Sau khi xác nhận, trên hợp đồng được ký vào tháng 2/2019 với Griffin cũng như hợp đồng cho mượn tuyển thủ được ký vào tháng 5/2019 với JD Gaming, đều có chữ ký từ đại diện pháp lý của Kanavi.
Trong một cuộc điều tra vào tháng 10/2019, Riot Games đã phát hiện Kanavi tự ký thỏa thuận phụ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo luật Trung Quốc, một người đủ 18 tuổi đã được xem là trưởng thành cho nên điều này là hợp pháp.