HLV trưởng U19 Việt Nam kiêm Giám đốc kỹ thuật Học viện PVF - ông Philippe Troussier là cái tên rất nổi tiếng tại Nhật Bản với vị thế người đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của bóng đá xứ Mặt trời mọc từ đầu thế kỷ 21 đến nay.
Một trong những kế hoạch ông Philippe Troussier tâm đắc nhất trong giai đoạn 1998-2002 dành cho bóng đá Nhật Bản, chính là định hướng các cầu thủ kiên định hiện thực hóa giấc mơ thi đấu ở châu Âu.
Không quá khắt khe đến châu Âu phải sớm giành được suất đá chính. Suy nghĩ của vị chiến lược gia người Pháp rất đơn giản, và đây cũng sẽ như một lời khuyên cực kỳ bổ ích dành cho Đoàn Văn Hậu nói riêng cũng như mọi thành phần của bóng đá Việt Nam nói chung.
HLV trưởng U19 Việt Nam - ông Philippe Troussier chỉ ra lợi ích dành cho một cầu thủ châu Á như Đoàn Văn Hậu khi sang châu Âu chơi bóng. Ảnh: Sport5 - SC Heereveen
HLV Philippe Troussier mở đầu: "Có những câu hỏi tôi đã phát triển bóng đá Nhật Bản như thế nào? Tôi chỉ có thể nói vì đã có khoảng 20 cầu thủ Nhật Bản sang châu Âu chơi bóng thời điểm đó.
Thử hình dung như này, mọi kế hoạch phát triển bóng đá sâu rộng rồi vấn đề cải thiện cơ sở vật chất,... đều được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện tốt rồi phải không? Nhưng sẽ ra sao nếu các cầu thủ chỉ thi đấu trong nước, đối đầu nhau từ năm này qua năm khác? Chất lượng cầu thủ sẽ phát triển khoảng 90% nếu cậu ta được đến châu Âu".
Suy nghĩ ở mức độ đơn giản hơn, nếu Đoàn Văn Hậu ở lại SC Heerenveen cũng sẽ như rất nhiều cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc trước đó, được ăn, ngủ, tập luyện,... tất tần tật những công việc liên quan đến bóng đá cùng khung giờ và trong thời gian thực với hầu hết đồng đội, HLV, chuyên gia đẳng cấp nhất thế giới. Điểm khác biệt cực lớn và sẽ rất khó để có với hầu hết những cầu thủ châu Á khác.
Ông Philippe nói: "Không dễ để các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp cận bóng đá châu Âu trong thời gian thực. Có đội bóng nào cho phép cầu thủ thức khuya hoặc dậy lúc 4 giờ sáng để theo dõi các trận đấu không? Trong khi gần như mọi cầu thủ giỏi nhất thế giới đều chơi bóng tại châu Âu".
Từ đây đến cuối tháng 6, SC Heerenveen và Hà Nội FC sẽ có những cuộc trao đổi về tương lai của Đoàn Văn Hậu. Đội bóng Hà Lan thể hiện động thái tích cực sẽ giữ chân hậu vệ trái sinh năm 1999 nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác.
Trước khi Hàn Quốc có Son Heung-min, Nhật Bản có Hidetoshi Nakata thành danh ở châu Âu, họ đã có rất nhiều những Đoàn Văn Hậu đi trước mở đường. Đồ họa: Đỗ Linh
Nhắc đến bóng đá Việt Nam bên cạnh lợi ích của việc nên có thêm nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, ông Philippe Troussier đưa ra một vấn đề: "Có nhiều thứ không thể giải quyết được bằng huấn luyện, đào tạo ở trong nước.
Nhật Bản và Hàn Quốc dần có nhiều cầu thủ thi đấu và thành danh tại châu Âu. Chính điều đó khiến thái độ của những cầu thủ trong nước phải thay đổi. Sự thay đổi sẽ được cộng hưởng thêm khi những cầu thủ từ châu Âu trở về khoác áo cùng nhau ở đội tuyển quốc gia".
Bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây đã có Công Phượng tới Bỉ (Sint-Truidense), Đoàn Văn Hậu tới Hà Lan (SC Heerenveen). Cả hai vẫn còn nhiều điểm chưa thể gọi là thành công và một người đã phải sớm trở về, nhưng như HLV Philippe Troussier phân tích "cứ có người đi là sẽ có ảnh hưởng tích cực với những cầu thủ trong nước".
Một số đồng đội của Công Phượng và Đoàn Văn Hậu từng khoác chung màu áo U19, U23 Việt Nam cũng đã, đang hình thành suy nghĩ "ra nước ngoài thi đấu" là mục tiêu lớn của sự nghiệp.