Tính đến thời điểm hiện tại, rạp Việt đã chào đón hơn 14 phim điện ảnh nội địa với đủ các thể loại từ kinh dị, hài, tâm lý đến hành động. Thế nhưng không có dự án nào được tung hô một cách "đích thực", có chăng cũng chỉ là một cách thức PR hay "ăn may" giữa thời điểm khán giả "không có gì để xem".
Tổng doanh thu nửa đầu năm 2022 cộng lại còn chẳng bằng doanh thu Bố Già (420 tỷ). Nhạt nhòa, rập khuôn và chậm nhịp là những tính từ có thể nhắc đến tình hình phim điện ảnh nửa đầu năm 2022. Sở hữu dàn sao "trăm tỷ", những nhân tố ăn khách nhưng phim Việt lại chịu thua trước những "kẻ lạ" quốc tế, đành lòng để Batman hay Doctor Stranger 2 áp đảo doanh thu lẫn độ phủ sóng trên MXH.
Năm 2019, 2020, 2021 đều đón chào những cái tên cực hot tạo nên cơn bão phòng vé với doanh thu khủng. Đặc biệt năm 2019, rạp Việt có tận 5 cái tên "trăm tỷ" Cua Lại Vợ Bầu, Hai Phượng, Mắt Biếc, Lật Mặt 3, Trạng Quỳnh. Đến năm 2020, dù số lượng phim "trăm tỷ" ít hơn nhưng nội dung đột phá bất ngờ như Ròm và Tiệc Trăng Máu. Và rồi năm 2021, Bố Già đã tạo nên sự bứt phá trong doanh thu với con số hơn 420 tỷ, dù thời điểm đó dịch bệnh vẫn là mối lo ngại.
Bố Già đã tạo nên sự bứt phá trong doanh thu với con số hơn 420 tỷ
Nửa đầu năm 2022, 14 phim điện ảnh ra rạp - đây là con số bằng với 2021, nhưng khác với năm ngoái, rạp Việt không có phim nội địa nào đạt được "trăm tỷ". Cớ làm sao mà doanh thu cứ "yên phận" mà chẳng chịu bứt phá trong khi hàng loạt ngôi sao trăm tỷ xuất quân liên tục? Tết Nguyên Đán 2022, 1990 và Chìa Khóa Trăm Tỷ quy tụ dàn cast toàn là những cái tên ăn khách như Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang nhưng "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" vẫn không thể mang về thành tích tốt cho phim nội địa. Cả niềm hy vọng vào dịp lễ dài ngày 30/4 - 1/5 với bộ phim Nghề Siêu Dễ thì cũng chẳng "dễ" ăn tiền khán giả bởi lẽ nội dung remake dù có tính sáng tạo nhưng lại chưa thật sự bất ngờ với công thức "hài an toàn". Cả Bóng Đè cũng thế, được dẫn dắt bởi đạo diễn làm nên thành công của Hai Phượng nhưng kịch bản phim lại vụng về, thiếu logic từ kiến thức phản khoa học về hiện tượng Bóng Đè. Chưa kể đến những tác phẩm dở tệ như Kẻ Thứ Ba hay Mưu Kế Thượng Lưu, 1990 khiến khán giả mất lòng tin vào phim Việt.
Bên cạnh đó những tác phẩm được đánh giá sáng tạo thì lại đứng ở "ngã ba" lưng chừng và điển hình là Rừng Thế Mạng và Chuyện Ma Gần Nhà. Phim đầu tiên lấy chủ đề sinh tồn lẫn tác phẩm được PR hẳn hoi "ma thật, quỷ thật" cũng không đáp ứng được khán giả Việt bởi câu chuyện khó hiểu, mạch phim lỏng lẻo. Hàng loạt những phản ứng trái chiều nổ ra từ khen ngợi sau đó chê bai, đổ thừa cho "chiêu trò" truyền thông dành cho Chuyện Ma Gần Nhà.
Vô tình điều này trở thành "bàn đạp" cho sự thành công về doanh thu của Bẫy Ngọt Ngào. Còn gì thuận lợi hơn khi đối thủ dần kiệt sức, mà bản thân Bẫy Ngọt Ngào lại có nội dung, cảnh quay, diễn xuất ở mức ổn và sự hậu thuẫn về truyền thông tốt. 18+, cảnh nóng hay loveline Bảo Anh - Quốc Trường, Minh Hằng - Quốc Trường đều là những từ khoá hot dẫn khán giả tìm đến Bẫy Ngọt Ngào. Thay vì gọi Bẫy Ngọt Ngào là phim hay thì đúng hơn đây là một bộ phim thành công về doanh thu.
Điểm sáng của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022 là Đêm Tối Rực Rỡ. Một bộ phim "đen tối" đến cùng cực, phác họa chân thực đời sống của người Việt nhưng tiếc thay phim lại được nuôi dưỡng bởi một đạo diễn nước ngoài. Dù sáng tạo từ cách kể độc lạ, chỉn chu từ màu sắc đến hình ảnh ẩn dụ nhưng Đêm Tối Rực Rỡ lại kén người xem. Nếu mang một tâm hồn giản đơn, một tinh thần đi xem phim giải trí thì Đêm Tối Rực Rỡ không phải lựa chọn phù hợp, chính vì thế sự bứt phá về doanh thu là khó đạt được.
Đến thời điểm hiện tại khi được hỏi về câu thoại mà bạn yêu thích nhất của điện ảnh 2022 thì có lẽ khán giả sẽ nhắc đến "I love you every universe" trong Doctor Stranger 2 thay vì phim Việt.
Một trong những yếu tố khiến khán giả quan tâm và thích thú trước một bộ phim không thể không nhắc đến sự lan tỏa trên mạng xã hội. Tuy nhiên tính từ đầu năm 2022, không có bất kỳ phim Việt nào trở thành trend khiến cho người người nhà nhà nhắc đến. Nếu Bố Già trở thành tâm điểm chú ý với hàng loạt câu thoại rất đời, dễ nhớ và dễ áp dụng, Hai Phượng với hình ảnh người phụ nữ miền Tây chất phác, và đậm chất nữ cường với chiếc áo bà ba tím, và Tiệc Trăng Máu với những màn đẩy đưa đỉnh cao thì 2022 chỉ là con số 0.
Tác phẩm được Lý Nhã Kỳ đầu tư hơn 33 tỷ cũng chẳng khá hơn. Được nhắc đến là tác phẩm hợp tác Hàn - Việt với nam tài tử Han Jae Suk cùng ê-kíp Hàn uy tín cộng thêm sức chịu chi của Lý Nhã Kỳ là thế, nhưng Kẻ Thứ 3 lại được liệt vào hàng “tệ phẩm” vì nội dung “đầu voi đuôi chuột”, diễn xuất gượng gạo. Dẫu biết rằng Kẻ Thứ 3 là tác phẩm “bị động” bởi nhiều lý do đến từ nhà sản xuất cũ nhưng không phải vì thế mà khán giả có thể “thương hại” cho một bộ phim không hay.
Ninh Dương Lan Ngọc - "ngọc nữ" màn ảnh Việt, Nhã Phương - "nữ hoàng nước mắt" hay Kiều Minh Tuấn, Thu Trang - bộ đôi "trăm tỷ", tất cả đều chẳng là gì khi diễn xuất người đứng im, kẻ thụt lùi. Một trong những sự trở lại đáng thất vọng chính là Ninh Dương Lan Ngọc và Nhã Phương trong 1990. Diễn xuất một màu, nhân vật thì lủng củng, nhạt nhòa không có chiều sâu, khiến cho Lan Ngọc và Nhã Phương trở thành "phông nền" cho Diễm My 9x.
Hay cả Thu Trang - Kiều Minh Tuấn đều là những cái tên "bảo chứng" phòng vé về doanh thu lẫn chất lượng phim. Thế nhưng hai bộ phim Chìa Khóa Trăm Tỷ và Nghề Siêu Dễ chỉ ở mức "tròn vai" chứ không bứt phá, thực tế cả hai có thể làm tốt hơn nhưng kịch bản không có phép. Hay Diệu Nhi cũng "bị hại" bởi cách xây dựng hình tượng nhân vật thiếu tính logic. Đến với Bẫy Ngọt Ngào "vớt vát" lại phần nào nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
Ngoài ra, những cái tên được kỳ vọng như H’Hen Niê hay Bảo Anh chuyển hướng với diễn xuất cũng chỉ ở mức "chấp nhận được". Bên cạnh đó, những cái tên mới như Thanh Trực, Trần Phong thì lại nhận nhiều ý kiến trái chiều về diễn xuất.
Nhìn chung, điện ảnh Việt cần phải thay đổi rất nhiều để kéo khán giả trở lại rạp, không chỉ bằng cách thức PR mà còn phải thuyết phục khán giả bằng sự độc đáo trong nội dung và diễn xuất.
Nguồn ảnh: Tổng hợp