Tôi cho rằng nét đẹp của một người phụ nữ được chia làm 4 cấp độ: Đẹp ngoại hình, đẹp tri thức, đẹp trí tuệ, và đẹp tâm hồn
Trong khi để có được 3 cấp độ đẹp phía sau, chúng ta cần học hỏi, trải nghiệm, đôi khi là vấp ngã và thất bại, khóc lên khóc xuống mới có được tri thức, trí tuệ và một cái tâm sáng; thì ở cấp độ thứ nhất - đẹp ngoại hình, chúng ta chẳng cần nhiều thời gian hay tâm sức, vẫn có thể đạt được.
Tôi nghĩ rằng đó chính là lý do phần lớn phụ nữ đều thích mua sắm, đầu tư cho vẻ bề ngoài của mình. Thế nên, mới có chuyện chị em chi bộn tiền để làm tóc, mua trang sức, sắm sửa váy vóc, giày dép, túi xách,... Tiền cứ thế mà đội nón ra đi, đúng là cái gì cũng có giá của nó.
Bản thân tôi không ủng hộ việc chi tiêu xả láng, bạt mạng; nhưng tôi cũng không thích việc phụ nữ cắt giảm ngân sách mua sắm, làm đẹp về mức tối thiểu, chỉ để tiết kiệm. Sau một thời gian vắt óc suy nghĩ, tôi nhận ra học cách mua sắm thông minh và lý trí mới là nước đi vẹn cả đôi đường.
Với tôi, mua sắm thông minh chính là biết cách nói không với 8 thứ này. Tôi đã áp dụng và thành công tiết kiệm được thêm tiền triệu mỗi tháng, mà vẫn được thỏa mãn nhu cầu chăm sóc ngoại hình.
Không mua quần áo rẻ tiền, không mua quần áo màu sắc sặc sỡ, không mua quần áo “kén dịp diện”, không mua quần áo có thiết kế rườm rà.
Sau khi đi làm, may mắn có được mức thu nhập ổn định, tôi nhận ra loại quần áo giá rẻ mà mình thường mua hồi sinh viên thực sự rất nhanh hỏng. Chỉ cần bỏ vào máy giặt vài lần là bắt đầu bai nhão, hoặc xổ lông. Kết cục, mặc được 3-4 lần đã thành giẻ lau. Đó là lý do tôi không mua quần áo rẻ tiền nữa. Mua một chiếc áo 800-900 ngàn mà mặc được cả năm, hoặc vài năm, tính ra, tiết kiệm hơn nhiều.
Đồng thời khi đã ngoài 30, tôi bắt đầu không còn muốn chạy theo các xu hướng thời trang mới mỗi năm nữa, một phần vì chúng quá tốn tiền, một phần vì tôi chẳng phải fashionista hay người có đam mê với thời trang. Thế nên, tôi ưu tiên những trang phục có gam màu trung tính, thiết kế đơn giản, tiện phối với nhau để mặc hàng ngày.
Còn những dịp cần chưng diện lộng lẫy như tiệc cuối năm, tôi nghĩ, đi thuê váy dạ hội sẽ tiết kiệm hơn, vì dù sao cũng chỉ mặc 1 lần thôi mà.
Nói chung, những món đồ xuất hiện trong tủ quần áo của tôi ở độ tuổi 30 phải đảm bảo 3 tiêu chí: Thoải mái, không lỗi mode, tính ứng dụng cao. Đó là lý do tôi nói không với 4 kiểu quần áo đã liệt kê phía trên.
Trước đây khi còn ở độ tuổi đôi mươi, giày cao gót mũi nhọn là thứ tôi say đắm, mê mẩn đến phát điên. Tôi có ăn mì tôm cả tuần, nhịn trà sữa cả tháng chỉ để gom góp tiền, mua một đôi giày cao gót.
Tuy nhiên bây giờ, tôi lại không thích mang những đôi “cà kheo” ấy nữa, đơn giản vì chúng không mang lại cho tôi sự thoải mái như giày thể thao hoặc giày loafer. Chưa kể, phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót còn không tốt cho sức khỏe sinh sản.
Bởi thế, ở độ tuổi 30, tôi chỉ cho phép mình có 1 đôi giày cao gót mũi nhọn trong tủ giày thay vì mỗi tháng mua 1 đôi như xưa. Tôi ưu tiên giày cao gót mũi nhọn màu đen hoặc màu nude để dễ phối đồ, váy dạ hội hay vest công sở thì 2 màu này cũng đều cân được tất!
Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi chưa mua thêm bất kỳ đôi giày cao gót nào khác vì đôi hiện có mới chỉ được chạm mặt đường đâu đó 2-3 lần, gần như vẫn còn rất mới.
Là phụ nữ mà bảo không mê túi xách hàng hiệu, nghe sao dối lòng quá. Tôi cũng mê lắm chứ, nhưng thành thật mà nói, nếu chạy theo đam mê này, tôi sẽ phải quẹt sạch hạn mức thẻ tín dụng và chưa biết ngày nào sẽ trả được hết.
Thế nên, thay vì gánh nợ để có một chiếc túi hiệu, tôi lựa chọn trung thành với các thương hiệu local brand. Hàng nội địa trong nước cũng có rất nhiều mẫu mã đa dạng, giá thành phải chăng và chất lượng tốt.
Khi kinh tế chưa ổn định, bản thân chưa giàu có, mỗi năm chỉ mua 1 chiếc túi xách và ưu tiên lựa chọn các thương hiệu local brand là đẹp cả đôi đường. Tôi cho rằng chi 2-3 triệu/năm để mua 1 chiếc túi xách local brand với chất lượng tốt, “tuổi thọ” tính bằng năm; vẫn tiết kiệm hơn là mua 1 chiếc túi fake, dùng được vài tháng đã hỏng.
Một làn da láng mịn, sáng bóng là ao ước của tất cả chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ từ 30 trở ra, vì lúc này, làn da đã bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, tôi ưu tiên chăm sóc da bằng cách bôi thoa kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; hơn là sử dụng các dịch vụ làm đẹp thẩm mỹ như tiêm filler, tiêm căng bóng da,...
Bởi nếu đã thử một lần, bạn sẽ phải tiếp tục duy trì việc sử dụng các dịch vụ làm đẹp thẩm mỹ này đều đặn theo tháng hoặc theo quý; còn không, đâu vẫn hoàn đấy. Tôi thì không quá dư dả đến mức chi mấy chục triệu mỗi quý chỉ để có một làn da không tì vết. Dù sao, tôi cũng chẳng phải diễn viên hay người nổi tiếng, da mịn màng, không mụn, lỗ chân lông không toang hoác, với tôi, vậy là đủ rồi.
Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, tôi bắt đầu phải lòng mái tóc đen mượt tự nhiên thay vì tóc nhuộm hoặc uốn tạo kiểu. Trước đây thì khác, tóc tôi cũng từng trải qua đủ các loại thuốc nhuộm, từ đỏ tím tới xám trắng, xanh rêu hay hồng đào,... Nói chung, có bao nhiêu màu tóc hot, tôi đều đã thử cả.
Kết cục, tóc tôi như một cái chổi xuể, xơ xác, khô cứng và mỏng tang. Sau 1 năm tránh xa các loại thuốc tẩy tóc, thuốc nhuộm cũng như máy uốn, máy ép, tôi nhận ra không chỉ có tóc, mà cả ví của tôi cũng khỏe hơn hẳn.
Tôi không còn phải chi tiền triệu tới salon mỗi tháng để chấm chân tóc, tạo lại kiểu tóc hay hấp dưỡng, phục hồi tóc hư tổn nữa. Việc này giúp tôi tiết kiệm kha khá tiền, mà cũng chẳng ảnh hưởng lắm tới ngoại hình nói chung, vì quần áo, giày dép và túi xách tôi đều tối giản rồi. Một mái tóc đen, không nhuộm, không tạo kiểu hóa ra lại hay, rất phù hợp với tôi của hiện tại.
Trên đây là 5 thay đổi nhỏ trong cách chi tiêu mà tôi đã quyết tâm thực hiện và thành công tiết kiệm được thêm khá nhiều tiền mỗi tháng. Chỉ cần duy trì được mục 1 và mục 4, tôi đã có thể tiết kiệm được khoảng 3-4 triệu/tháng, kể từ khi thực hiện được cả 5 mục phía trên, con số mà tôi để dành được mỗi tháng rơi vào khoảng 8-9 triệu.
Mong rằng bạn cũng có thể áp dụng được phần nào những bước tiết kiệm nho nhỏ mà tôi đã chia sẻ, để có thể để dành được nhiều tiền hơn mỗi tháng.