Bản thân tôi cũng từng là người không biết tiết kiệm, lại có thêm hội chị em bạn dì chẳng có đứa nào giỏi quản lý chi tiêu, nên thời trẻ của chúng tôi là những vết trượt dài. Cứ tới cuối tháng là nhốn nháo đi vay tiền, thậm chí, vay nhau cả bữa ăn, gói mì.
Sau này, khi đã có gia đình và có nhiều việc cần dùng đến tiền, chúng tôi mới bắt đầu học cách tiết kiệm. Đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, giờ đây, khi đã gần 40 tuổi, tôi nhận ra những người không gỏi tiết kiệm đều có chung 5 đặc điểm này.
Mong rằng bạn không thấy mình trong đó, hoặc nếu có, hãy cố gắng sửa càng sớm càng tốt.
Trong hội bạn thân của tôi có một người luôn chủ động hò chị em đi mua quần áo với mình. Lý do mà cô đưa ra là bản thân không thể tự lựa đồ được, cần feedback của chị em để đỡ “mua nhầm”. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Chúng tôi đi cùng, lựa đồ cho bạn, cũng cho bạn feedback rằng bộ này đẹp đấy, bộ kia không hợp, màu váy này tôn da,...
Nhưng cuối cùng, cô bạn tôi lại chọn nghe theo tư vấn của nhân viên bán hàng. Bạn mặc gì, nhân viên cũng khen không ngớt lời, lại còn dùng toàn mỹ từ như “sang trọng, thần thái”.
Vậy là bạn tôi tốn bộn tiền cho những bộ đồ mà tôi chưa bao giờ thấy cô ấy mặc thêm lần nào, ngoài lần thử đồ trong cửa hàng thời trang.
Tôi nghĩ rằng phụ nữ đặc biệt dễ xiêu lòng trước những lời mật ngọt, không chỉ từ miệng đàn ông mà còn từ miệng nhân viên bán hàng.
Một cô bạn khác của tôi, không mảy may rung động trước những lời khen ngợi, nịnh nọt của nhân viên bán hàng nhưng vẫn tốn bộn tiền mỗi khi đi mua mỹ phẩm, chỉ vì không biết cách “nói không”.
Trước mỗi lần đi mua sắm nói chung, bạn tôi đều lên một danh sách chi tiết về những thứ cần mua, nhưng tới khi ra về, trong túi đồ của cô vẫn có không ít những món đồ không có tên trong danh sách. Lý do chính là cô mua món A thì nhân viên lại mời chào thêm món B, đại ý chúng phải kết hợp với nhau mới có hiệu quả tốt nhất.
Bản thân bạn tôi biết rằng đó chỉ là chiêu trò marketing nhưng vẫn không thể từ chối được. Đó là lý do bạn tôi không thể tiết kiệm được tiền. Sau này, cô khắc phục điểm yếu của mình bằng cách trung thành với hình thức mua sắm online chứ không còn tới trực tiếp cửa hàng chọn đồ nữa.
Không ai khác, đó chính là tôi thời trẻ người non dạ. Phải thừa nhận, thời ấy, tôi là đứa con gái tham vọng, hiếu thắng và ham vật chất. Tôi thích mình phải vượt trội ở mọi mặt, từ ngoại hình tới độ ăn chơi trải nghiệm và cả kết quả học tập. Tôi không muốn bản thân thua kém bất cứ cô gái nào trong lớp đại học.
Thế nên tôi không chỉ lao đầu vào học mà còn dành thời gian đi làm tóc 2 tháng một lần, quần áo có mẫu nào hot trend, tôi cũng phải có cho bằng được. Tiền học bổng thời sinh viên của tôi chủ yếu đều dùng để ăn chơi mua sắm. Tôi vẫn duy trì thói quen ấy cho tới tận khi đi làm.
Đồng nghiệp mặc đẹp hơn tôi khiến tôi bực tức, cảm thấy không cam lòng. Và thế là suốt 4-5 năm đầu tiên đi làm, tôi chẳng tiết kiệm được xu nào chỉ vì cái tính phù phiếm của bản thân.
Tôi nhận ra phần lớn chúng tôi không thể tiết kiệm được tiền khi còn trẻ đơn giản vì chúng tôi chẳng tìm được bất kỳ động lực nào đủ lớn, để tiết chế lại việc chi tiêu vô tội vạ để thỏa mãn sở thích, thú vui của bản thân.
Bố mẹ chúng tôi đều không khó khăn, gia đình không quá giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ mặc, nên bố mẹ chẳng cần chúng tôi phải gửi tiền về chu cấp. Chúng tôi đi làm chỉ cần lo cho chính mình là đủ. Thế nên, cứ có tiền là tiêu cho bằng hết, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều.
Mãi sau này, khi đã lập gia đình, tôi mới nhận như vậy là ích kỷ. Bố mẹ có thể không cần tôi chu cấp tiền bạc, nhưng chắc hẳn nếu tôi biết tiết kiệm tiền để mua được cho bố mẹ một cái ghế massage hay góp tiền sửa lại căn bếp nhỏ, chắc hẳn bố mẹ cũng mở mày mở mặt, thấy vui trong lòng.
Sống cho hôm nay, sống cho hiện tại là châm ngôn sống thời trẻ của hội chị em chúng tôi. Thế nên chúng tôi chi tiêu như thể tiền lương được trả 30 lần trong tháng. Cứ có tiền là lên kế hoạch đi ăn, đi chơi, đi du lịch.
Chúng tôi sống hết mình tới mức nếu đứa này không còn tiền, những đứa khác sẽ góp lại cho vay để chị em đều đi có mặt đông đủ trong mỗi lần tụ tập, chứ nhất quyết không để việc thiếu tiền làm cản trở cuộc vui.
Đúng là một thời trẻ dại!
Bây giờ, hội chị em của chúng tôi đều đã trở thành những bà mẹ bỉm sữa, không còn dư dả thời gian để ăn chơi, cũng chẳng dư dả tiền bạc để mà tiêu không cần nghĩ như xưa nữa. Tôi nhận ra có lẽ ai cũng phải trải qua một thời “viêm màng túi” nặng như vậy, mới có thể học cách thay đổi tư duy về tiền bạc.