Tôi là con gái út trong gia đình có 2 anh em. Cha mất từ khi tôi còn đỏ hỏn, một mình mẹ nuôi 2 anh em tôi khôn lớn, nên cuộc sống của chúng tôi cũng không dễ dàng gì. Dẫu vậy, mẹ cũng chưa bao giờ để chúng tôi thiếu thốn, hay phải sống trong cảnh tự ti, không dám ngẩng cao đầu vì là “những đứa trẻ không cha”.
Từ lúc tôi bắt đầu có nhận thức, mẹ đã luôn dạy tôi một điều: “Ngày nào mẹ còn sống thì mẹ sẽ không để các con phải khổ. Nhưng sẽ có một ngày mẹ không còn nữa, lúc đó 2 đứa đã phương trưởng rồi, phải biết yêu thương, đùm bọc nhau. Không gì quý bằng tình máu mủ ruột thịt”.
Tôi đã lớn lên như thế, tin rằng mẹ anh trai sẽ thay cha bảo vệ mình, tin rằng chỉ cần có mẹ, mình sẽ không bao giờ phải khổ, phải chịu ấm ức hay thiệt thòi. Nhưng thời gian quả thật thật quá tàn nhẫn…
Cuối năm ngoái, ở độ tuổi 34, anh trai tôi dẫn bạn gái về ra mắt và thưa chuyện, xin mẹ cho phép tổ chức đám cưới. Mẹ tôi khi ấy mừng ra mặt, vì bà chẳng mong gì, chỉ mong có cháu bồng cháu bế.
Vậy là 3 mẹ con tôi háo hức, lên kế hoạch gặp gỡ nhà thông gia, chuẩn bị hôn lễ cho anh trai.
Mọi xích mích bắt đầu từ đây. Như tôi đã nói, gia đình tôi không hề khá giả, một mình mẹ nuôi chúng tôi ăn học thành người nhờ mức lương ít ỏi từ công việc nấu nướng trong bếp ăn của một công ty nhỏ. Thế nên, số tiền tiết kiệm mẹ có cũng chẳng đáng bao nhiêu. Vậy mà anh trai tôi lại muốn tổ chức đám cưới trong khách sạn 5 sao, tổng chi phí lên tới 350.000 NDT (khoảng 1,2 tỷ đồng).
Cả tiền tiết kiệm của mẹ lẫn tiền tiết kiệm của 2 anh em tôi gộp lại mới được 150.000 NDT, số còn thiếu quả thực quá lớn.
Nhưng mẹ không những không ngăn cản, mà còn thuận theo mong muốn có phần đua đòi, đú đởn của anh trai tôi. Bà quyết định bán căn nhà mà 3 mẹ con đang ở, để lấy tiền làm đám cưới cho con trai.
Anh trai tôi đương nhiên không có lý do gì để phản đối quyết định của mẹ. Phận là con gái út, tôi có cản cỡ nào cũng không làm mẹ và anh trai thay đổi, nghĩ lại việc bán nhà. Dường như chỉ có tôi trân trọng, nặng lòng với căn nhà ấy - nơi tôi đã lớn lên và gắn bó suốt gần 30 năm cuộc đời.
Kết cục, tôi chỉ có thể buông xuôi, ngậm ngùi chấp nhận nhìn cả tuổi thơ và không biết bao nhiêu kỷ niệm, ký ức của mình rơi vào tay người khác.
Ngày người mua nhà đến ký hợp đồng, mẹ và anh trai tôi hớn hở như được mùa, còn tôi chỉ biết nằm trong phòng, ôm gối khóc thầm. Nhà có 3 mẹ con, nhưng lúc ấy, tôi cảm giác chỉ có mình mình đơn độc ở một phe. Chưa bao giờ tôi khao khát có cha bên cạnh đến thế, dù tôi chẳng có ký ức hay kỷ niệm nào với ông.
Sau khi bán nhà, 3 mẹ con tôi thuê một căn hộ 3 phòng ngủ để sinh sống. Cảm giác tiếc thương và nhớ nhung căn nhà cũ khiến tôi chẳng còn tâm trí làm bất kỳ điều kỳ, bao gồm cả việc chuẩn bị hôn lễ cho anh trai. Còn mẹ và anh tôi thì vẫn hào hứng lắm.
Hôn lễ diễn ra suôn sẻ, đúng như ước nguyện của anh trai. Chị dâu về ở được chưa đầy 2 tháng, gia đình tôi đã liên tục xích mích vì vấn đề muôn thuở: Mẹ chồng, nàng dâu. Tôi thì mặc kệ, dù sao, đó là vấn đề của mẹ với vợ chồng anh trai tôi. Phận là “bà cô bên chồng”, tôi nghĩ mình cứ im lặng mà sống, không can dự vào việc riêng của anh chị làm gì cho mang tiếng.
Nhưng cuộc đời đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.
Bỗng một ngày đẹp trời, mẹ gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện.
“Mẹ nghĩ rồi, dù sao sống thế này cũng chẳng ai vui vẻ. Anh trai và chị dâu con mới cưới, cũng cần không gian riêng để xây dựng cuộc sống vợ chồng, nên căn nhà này, mẹ tính mua lại cho anh trai con. Còn 2 mẹ con mình sẽ thuê một căn hộ nhỏ, sống cùng nhau”.
Mỗi lời mẹ nói là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Mẹ bán nhà, lấy tiền cho anh trai làm đám cưới và mua cả nhà cho anh trai, còn tôi thì phải đi ở nhà thuê, không được chia 1 đồng, 1 cắc nào.
Anh trai cần lập gia đình, chẳng lẽ tôi không cần lấy chồng hay sao? Rồi khi tôi lấy chồng, liệu mẹ có chuẩn bị của hồi môn cho tôi như cách mẹ chuẩn bị đám cưới cho anh trai không? Chắc chắn là không rồi, vì bà làm gì còn nhà, còn tiền tiết kiệm nữa. Tất cả đã dồn hết để mua nhà và làm đám cưới cho anh trai tôi rồi.
“Căn nhà mẹ mua cho anh trai con ở vẫn đứng tên mẹ, khi nào mẹ qua đời, căn nhà ấy sẽ chia đều cho 2 anh em. Con vẫn có phần, có đi đâu mà thiệt” - Mẹ đáp lại tất cả những ấm ức của tôi bằng một câu ráo hoảnh.
Anh trai và chị dâu tôi đều làm công nhân trong xí nghiệp may, thu nhập chỉ đủ sống và lo 1 phần chi phí thuốc men cho mẹ. Tôi cũng không khá hơn là mấy, công việc buôn bán ở chợ của tôi ổn định nhưng thu nhập cũng chẳng thể gọi là cao. Ngày xưa khi mẹ chưa bán nhà, tôi chỉ góp tiền ăn và tiền thuốc cho mẹ nên mới tiết kiệm được một ít.
Vậy mà bây giờ, bao nhiêu của cải mẹ đều dấm dúi cho anh trai hết, và bắt tôi phải đi thuê nhà để hai mẹ con ở với nhau.
Cố gắng được 2 tháng, tôi kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần đến mất ăn mất ngủ, đỉnh điểm là ngất lịm đi giữa chợ và phải vào bệnh viện cấp cứu. Đến lúc tỉnh dậy đã là ngày hôm sau. Cầm điện thoại lên, tôi bật khóc vì quá tủi thân. Không có bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào từ mẹ và anh trai tôi.
Tôi đã không về nhà 1 đêm, vậy mà mẹ không lo lắng, cũng chẳng đi tìm. Hơn nửa năm kể từ khi anh trai lấy vợ là hơn nửa năm tôi sống trong ấm ức, dằn vặt. Cùng là con do mẹ sinh ra, tại sao anh trai lại được mẹ cưng chiều đến vậy, còn tôi thì chẳng ai bận tâm, không ai ngó ngàng.
Mẹ không hề biết để có tiền thuê nhà cho 2 mẹ con ở, đã có những bữa trưa tôi phải ăn đồ hoa quả ế, nửa thâm nửa ủng thay cơm. Ngày mưa cũng như ngày nắng, không ngày nào dám nghỉ bán hàng dù thân thể lẫn tâm trí đều rệu rã.
Thực tình, tôi chẳng biết nên làm gì với mẹ và anh trai bây giờ. Đuổi mẹ ra khỏi nhà thì không đành, dù sao đó cũng là người đã sinh tôi ra, nuôi tôi khôn lớn. Nằng nặc dọn tới nhà của anh trai, sống cùng chị dâu cũng chẳng được vì mẹ tôi không chịu.
Cuối cùng, người khổ cũng chỉ có mình tôi. Chẳng lẽ, sinh ra là con gái thì sẽ phải chịu bất công và sống bất hạnh như thế trong chính gia đình mình hay sao?