Năm 2013, tôi quyết định chuyển từ Mỹ tới Hàn Quốc sinh sống và làm việc. Sau 1 chuyến du lịch tới xứ sở kim chi, tôi nhận ra cơ hội nghề nghiệp ở đất nước này rất đa dạng. Với tấm bằng sư phạm trong tay, tôi có thể làm giảng viên cho các trung tâm dạy tiếng Anh ở Seoul, gom góp một ít vốn rồi tự thành lập học viện của riêng mình.
Đó là dự định của tôi khi quyết định chuyển tới Seoul cách đây 11 năm. May mắn, mọi thứ đều diễn ra thuận lợi, tôi không gặp quá nhiều khó khăn khi bắt đầu cuộc sống mới ở Hàn Quốc. Ngoài công việc giảng dạy ở Hàn Quốc, tôi còn làm một vài việc freelance ở Mỹ, chủ yếu là những công việc liên quan tới viết lách, dịch thuật.
Khi có nhiều nguồn thu nhập đổ vào các tài khoản ngân hàng khác nhau ở 2 quốc gia, thành thật mà nói, tôi không thể kiểm soát được số tiền mình có. Mặc dù đã trả hết khoản nợ sinh viên, nhưng tôi cũng không tiết kiệm được đồng nào vì lạm dụng thẻ tín dụng.
Không ít khi, tài khoản ngân hàng ở Hàn Quốc của tôi tiệm cận về 0 dù chưa đến ngày nhận lương, chỉ vì thói quen mua sắm… đa quốc gia. Để xử lý tình trạng “viêm màng túi”, tôi buộc phải chuyển tiền trong tài khoản ngân hàng ở Mỹ sang đồng Won (đơn vị tiền tệ ở Hàn Quốc) để duy trì cuộc sống.
Việc này được tôi áp dụng suốt hơn 1 thập kỷ, cho đến đầu năm nay, tôi mới nhận ra mình đã đi làm được 11 năm rồi, vậy mà tình hình tài chính cũng chẳng hơn sinh viên mới ra trường là mấy.
Điều này khiến tôi cảm thấy mình quả thực là một kẻ thất bại. Nhưng muộn còn hơn không, tôi quyết tâm học cách quản lý tài chính để thoát cảnh viêm màng túi và có khoản tiết kiệm đầu tiên trong đời.
Đầu tháng 2 năm nay, tôi đã có cuộc tham vấn với Joe Maddux - Một chuyên gia tư vấn tài chính. Lời khuyên và cũng là lối thoát cho tình trạng nghèo nàn của tôi hóa ra lại đơn giản đến không ngờ: Rạch ròi nguồn tiền ở Hàn Quốc và nguồn tiền ở Mỹ.
Bên cạnh việc yêu cầu tôi thành thật về mọi khoản chi dù là nhỏ nhất, Joe còn giúp tôi nhận ra những sai lầm tài chính tai hại mà tôi đã mắc phải.
Ví dụ, tôi đã không xem xét việc mình đã tự gây hại cho bản thân như thế nào mỗi khi rút tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thứ nhất, tỷ giá đổi ngoại tệ giữa đồng Won và đồng USD ngày càng tăng cao chứ không có chuyện giảm. Liên tục chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng Mỹ sang tài khoản ngân hàng Hàn Quốc trong suốt 11 năm khiến tôi thất thoát một khoản tiền không hề nhỏ, lên tới vài ngàn USD. Điều đáng buồn và đáng trách nhất là chính tôi cũng không nhận ra sự thất thoát này.
Joe và tôi đã cùng nhau lập ngân sách cho những gì tôi có thể chi tiêu ở Hàn Quốc mỗi tuần. Giờ đây, tôi có “lớp học tài chính” của riêng mình mỗi tuần. Vào mỗi tối thứ 6, tôi sẽ rà soát lại những gì mình đã chi tiêu bằng thẻ tín dụng, sau đó tiến hành thanh toán dư nợ tín dụng của tuần đó, thay vì đợi tới ngày sao kê để trả nợ một thể.
Nếu tuần đó, tôi chi tiêu vượt hạn mức cho phép mà Joe và tôi đã đặt ra, tôi sẽ phải cắt giảm ngân sách chi tiêu của tuần kế tiếp để bù vào khoản chênh lệch. Điều mà đến chính tôi cũng không thể ngờ được là bản thân lại vô cùng háo hức, mong chờ “lớp học tài chính” này vào mỗi thứ 6. Nó giúp tôi có cảm giác bản thân đang chi tiêu có kiểm soát, có kế hoạch và không còn chênh vênh bên bờ vực nợ nần thẻ tín dụng nữa.
Ngoài việc kiểm soát chi tiêu theo tuần, Joe cũng giới thiệu cho tôi khái niệm quỹ chìm - cách tính trung bình chi phí hàng năm cho những khoản chi lớn và tiết kiệm trước cho chúng. Điều này khiến thực sự kinh ngạc, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy háo hức khi nghĩ tới việc tiết kiệm tiền, vì biết số tiền ấy sẽ được dành cho những khoản chi quan trọng, cần thiết.
Tính tới thời điểm hiện tại, dù mới tiết kiệm và quản lý chi tiêu được 6 tháng, nhưng sức khỏe tài chính của tôi đã cải thiện rất nhiều. Tôi không còn phải lo ngay ngáy về chi phí đặt vé khứ hồi từ Hàn Quốc về Mỹ mỗi dịp Giáng sinh, cũng không còn nơm nớp lo sợ sao kê thẻ tín dụng tháng này vượt quá khả năng chi trả.
Hóa ra, việc quản lý tài chính thực sự không hề phức tạp, khó khăn và nhàm chán như tôi vẫn nghĩ trước đây.
Theo BI