Thu nhập lúc cao lúc thấp vẫn tiết kiệm được 80 triệu trong 9 tháng

Ngọc Linh, Theo Thanh niên Việt 14:09 06/07/2025
Chia sẻ

Tiết kiệm thực ra không phải bài toán khó, đừng phức tạp hóa nó lên.

Thi thoảng ở trên mạng hoặc trong quán cà phê, tôi vẫn thấy nhiều người thở dài hỏi nhau: Làm sao mà tiết kiệm được nhỉ? Quả thực tôi hơi thắc mắc, không hiểu tại sao mọi người lại gặp trắc trở trong việc tiết kiệm tiền đến thế.

Có thể vì họ có nhiều khoản để chi, nhiều thứ phải lo nên hay phải nghĩ chăng? Còn tôi thì nghĩ việc tiết kiệm thực ra chưa bao giờ khó khăn đến mức đáng để đau đầu như vậy.

Không giỏi chia nhiều phần thì chỉ cần chia đôi là xong!

Trước đây tôi cũng từng nghĩ tiết kiệm là phần còn lại sau khi chi tiêu, tức là tiêu xong hết các khoản cần thiết, còn dư bao nhiêu thì để dành bấy nhiêu. Nhưng vấn đề là… chẳng dư được bao nhiêu.

Thế nên tôi quyết định thay đổi. Ban đầu, tôi tính áp dụng công thức 6-3-1: 60% cho chi tiêu cố định, 30% tiết kiệm và 10% đầu tư. Nhưng làm được đúng 1 tháng tôi đã bỏ cuộc vì thấy rối rắm, gò bó quá. Thế nên tôi tặc lưỡi: Không giỏi chia tỷ lệ thì chỉ cần chia đôi là xong.

Nghĩa là thay vì để tỷ lệ chi tiêu sinh hoạt cao hơn tiết kiệm hoặc đầu tư, tôi để chúng bằng nhau. Lương nhận về là chia làm 2: 50% chuyển vào tài khoản tiết kiệm và 50% để chi tiêu sinh hoạt.

Có tháng lương 30 triệu, tôi tiết kiệm được 15 triệu. Có tháng lương lại chỉ 13 triệu, thì cả tiền sinh hoạt lẫn tiền tiết kiệm đều giảm đi. Đương nhiên, phương pháp này cũng không phải không có điểm trừ, vì mỗi tháng ngân sách chi tiêu sẽ không cố định nhưng bằng cách đó, tôi buộc mình sống trong khuôn khổ có sẵn. Không phải lúc nào cũng dư dả, nhưng tôi thấy rõ mình kiểm soát được đồng tiền. Và điều hay nhất là vì chỉ còn một nửa để tiêu, nên tôi tự nhiên suy nghĩ kỹ hơn trước mỗi lần móc ví.

Và vì nguyên tắc là tiêu bao nhiêu thì tiết kiệm từng đó, nên nếu tháng nào tôi có việc phải tiêu hơn so với con số đặt ra, thì tôi buộc phải tìm mọi cách để kiếm thêm việc, thêm thu nhập để đảm bảo tiền tiết kiệm bằng tiền chi tiêu.

Tiết kiệm không khó, chỉ là chúng ta nghĩ nó khó!

Sau gần 9 tháng áp dụng nguyên tắc này, tôi đã có 80 triệu trong tài khoản tiết kiệm. Đây không phải con số quá lớn nhưng là khoản tiền đầu tiên trong đời tôi chủ động tích lũy và giữ được trong thời gian dài như vậy.

Tôi định dùng một phần nhỏ để học một khóa thiết kế, còn lại để đó như một khoản phòng thân. Cảm giác có tiền trong tài khoản mà không phải để trả nợ hay dùng gấp cho một việc gì đó, thật sự khoan khoái. Nó cho tôi cảm giác làm chủ, thay vì cứ chạy theo các khoản chi mỗi tháng.

Thế nên đến giờ tôi vẫn trung thành với quy tắc tiết kiệm chia đôi: Tiêu bao nhiêu thì tiết kiệm bấy nhiêu.

Có thể với một số người, nguyên tắc tiết kiệm này là bất khả thi vì thu nhập biến động nhiều mỗi tháng, chi phí gia đình cũng không thể gói gọn trong vài khoản ít ỏi, còn phải lo cho người thân, con cái… Nhưng nếu không chia đôi được thì cũng có thể nghĩ theo hướng tương tự: Tiêu 1 đồng thì cố gắng tiết kiệm 1 đồng, dù ít dù nhiều, cũng tạo được một thói quen chủ động.

Tiết kiệm không phải là quá khó, nó chỉ là một thao tác cần được ưu tiên như bất kỳ khoản chi nào khác. Càng coi nó là việc khó nhằn, thì khả năng cao là càng khó để tiết kiệm thành công, tiết kiệm lâu dài. Tôi đã sống gần 30 năm với suy nghĩ cứ kiếm đủ là sống ổn. Nhưng hóa ra sống ổn thôi thì cũng chưa thực sự là ổn lắm, vì lúc có chuyện đột xuất như mất việc, bệnh tật, ổn nghĩa là có tiền để lo liệu.

Thế nên tôi luôn tin rằng tiết kiệm không phải chuyện xa vời hay chuyện quá khó. Nó không cần bắt đầu từ con số lớn, không cần công thức cầu kỳ. Nó chỉ cần bạn dành ra một phần cho chính mình trước khi tiền chạy đi đâu mất. Bạn có thể bắt đầu bằng 500k, có thể là 1 triệu, có thể chỉ là 10% mỗi lần nhận lương. Nhưng hãy bắt đầu. Vì cảm giác biết mình có thể lo cho mình là một cảm giác rất đáng để hướng tới.

Và cách đơn giản nhất để làm được điều đó với tôi vẫn là tiêu bao nhiêu, thì tiết kiệm bấy nhiêu, đỡ phải nghĩ nhiều!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày