Chỉ cần nghe đến chuyện “tiêu hết sạch tiền”, phần lớn mọi người sẽ rùng mình hoảng sợ nghĩ tới cảnh có việc cần lo mà không có tiền, hoặc là phải húp mì tôm cuối tháng, đi vay chỗ này bù vào chỗ kia…
Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng như vậy. Người tiêu hoang, khả năng cao là sẽ nhanh hết tiền, còn người hết tiền chưa chắc đã là tiêu hoang và không có tài sản gì. Vấn đề đơn giản chỉ là: Mỗi đồng thu nhập đều được phân bổ rõ ràng, có nhiệm vụ cụ thể và không để bị thừa ra vô nghĩa.
Nghe qua có vẻ vô lý, nhưng khái niệm Zero-Based Budgeting (lập ngân sách từ số 0) lại biến tất cả trở nên hợp lý vô cùng, mà lại chẳng có gì khó nhằn.
Ảnh minh họa
Mỗi khi có thu nhập, chỉ cần lập kế hoạch chi tiêu sao cho cuối tháng tài khoản còn đúng 0 đồng. Nhưng 0 đồng ở đây không có nghĩa là tiêu hết sạch, mà là toàn bộ thu nhập đã được phân bổ vào từng nơi khác nhau, mỗi nơi một mục đích cụ thể và rõ ràng: Một phần chuyển vào tài khoản đầu tư, một phần dành mua vàng, một phần chi tiêu sinh hoạt, một phần tiết kiệm,...
Làm được như vậy, tiền sẽ không mất đi, nó chỉ chuyển từ tiền mặt thành cổ phiếu, từ tiền lương thành tiền tiết kiệm, từ số dư trên app banking thành vàng trong két sắt,...
Việc này cũng tương tự như việc bạn không để quần áo lung tung trong tủ mà phân loại vào từng ngăn. Khi mọi khoản chi đều được lập kế hoạch từ đầu, chúng ta không còn phải cân não cuối tháng hay dằn vặt vì tiêu quá tay. Thế nên nếu dám tiêu hết tiền một cách có chủ đích, chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều hơn những người cố gồng giữ từng đồng trong áp lực.
Một số người áp dụng phương pháp lập ngân sách từ số 0 cho biết họ cảm thấy bớt lo lắng về tiền, không còn tiết kiệm trong lo lắng, mà thay vào đó là tiết kiệm cho những điều cụ thể. Đó có thể là khoản đầu tư dài hạn, là học phí cho một chứng chỉ chuyên môn,...
Để tiêu hết tiền mỗi tháng mà không rơi vào cảnh cháy túi, đương nhiên là chuyện không đơn giản. Người theo đuổi kiểu sống này bắt buộc phải cực kỳ kỷ luật, không phải kỷ luật trong việc “kiêng tiêu tiền”, mà là kỷ luật trong việc phân bổ tiền.
Ảnh minh họa
Một app ghi chép chi tiêu, một file Excel theo dõi các khoản tiền, hay thậm chí là hệ thống tài khoản chia nhỏ - mỗi tài khoản phục vụ 1 mục đích, tất cả đều phải được thiết lập nghiêm túc. Bởi nếu không kỷ luật một cách có chiến lược, việc tiêu hết dễ biến thành bẫy tâm lý.
Tiêu sạch mà không đầu tư, không để dành, không bồi đắp cho chính mình, thì không phải quản lý tài chính, mà là một hình thức phá sản tinh tế. Vậy nên phương án thiết lập ngân sách từ số 0, chỉ dành cho người hiểu mình đang sống vì điều gì và có đủ tỉnh táo để biến đồng tiền thành công cụ.
Thế nên những người dám để tài khoản chính về 0 mỗi tháng với điều kiện là họ biết rõ từng đồng đã đi đâu, là những người có khả năng bứt phá trên hành trình phát triển tiền bạc. Họ không chạy theo con số tích lũy cho có, cũng không sống tiết kiệm kiểu khổ sở, mà hướng tới dòng tiền linh hoạt, phục vụ cho sự phát triển dài hạn của chính bản thân.
Chìa khóa nằm ở tư duy: Điều khiển dòng tiền thay vì giữ tiền. Tiền cần được lưu thông, tái đầu tư, tái sinh ra giá trị. Bỏ tiền vào một chứng chỉ kỹ năng để tăng giá trị lao động, đầu tư vào một công cụ làm việc hiệu quả hơn, hay đơn giản là chi tiền cho một chuyến đi khiến bạn thực sự đổi mindset,... đó đều là những khoản chi đáng giá, dù cuối tháng bạn có còn lại 0 đồng trong tài khoản.
Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm giữ tiền và dằn vặt vì tiêu vài trăm ngàn ăn uống cùng bạn bè, vài triệu mua thiết bị học tập hay đăng ký một khoá học online, bạn có thể giữ được con số trong sổ, nhưng cái bạn mất là cơ hội mở rộng tương lai của chính mình.
Phải nhớ: Tiền không được phép đứng yên vì tiền đứng yên là đồng tiền đang “hấp hối”. Còn người đứng yên thì là người đang đi thụt lùi.