55,2% thu nhập là tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng của cặp vợ chồng trong câu chuyện dưới đây. Con số này, chỉ cần nghe qua là đủ hiểu cô vợ giỏi vun vén cỡ nào. Mặc dù mọi thứ đều đang ở mức khá lý tưởng và vừa vặn, nhưng cô vợ vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng.
Thu nhập 74 triệu, tiết kiệm được 40,8 triệu - Tương đương 55,2% thu nhập hàng tháng
Cô tâm sự: “Khoảng gần 2 năm trở lại đây, vợ chồng em mới có được mức thu nhập này. Bọn em vẫn đang đi thuê nhà ở Hà Nội, mới có 1 em bé 4 tuổi. Đây là chi tiêu hàng tháng và tiết kiệm. Thi thoảng cũng có phát sinh tiền về quê, cưới hỏi nhưng cả 2 đứa đều ít bạn, đi làm cũng bận nên ông bà thường hay ra chơi với cháu hơn, nhìn chung tiền phát sinh cũng không nhiều.
Đợt con mới đi học mầm non thì thu nhập của vợ chồng em chưa ổn định nên cũng chỉ dám cho con học trường công lập bình thường. Giờ con cũng sắp vào lớp 1, thu nhập ổn hơn nên em muốn cho con học trường tư thục hoặc quốc tế học phí khoảng 300-350 triệu/năm thì em đã tiết kiệm được đủ 1 năm đầu. Nhưng em vẫn sợ nếu cho con học trường đó mà bố mẹ không ổn định thu nhập, phải chuyển trường thì tội, giờ công việc cũng khó nói trước.
Chồng em thì bảo việc học của con anh sẽ theo em để em quyết định, nên em tính mua thêm vàng và gửi tiết kiệm tiền mặt hàng tháng ít lại, có việc gì lỡ thì có thể mang ít vàng đi bán chắc sẽ tối ưu hơn là gửi tiết kiệm.
Không biết vậy có hợp lý hơn không ạ? Còn chi tiêu hàng tháng thì em cũng nghĩ đi nghĩ lại, thấy không cắt giảm được gì nữa. Mong anh chị cho ý kiến ạ”.
Trong phần bình luận của bài đăng này, có người thắc mắc về khoản tiền ăn của gia đình 2 người lớn, 1 trẻ con 4 tuổi mà chỉ có 4 triệu/tháng thì hơi ít. Cô cũng có giải thích thêm là ông bà thường ra chơi với cháu và cũng mang thịt thà, rau củ ở quê cho 2 vợ chồng nên cũng đỡ được phần nào khoản tiền ăn. Đó là dấu hỏi duy nhất mà cộng đồng mạng đặt ra, còn lại, tất cả đều đồng tình rằng cô đang chi tiêu quá khéo, lại còn biết lo xa nên không thể chê được điểm gì.
Ảnh minh họa
“Con mới 4 tuổi mà đã tiết kiệm đủ tiền học phí cho cả năm lớp 1 trường quốc tế rồi, mom này chắc cốp thật. Mỗi tháng tiết kiệm được hơn 40 triệu nữa mà vẫn lo, chả bù cho mình…” - Một người bình luận.
"Tính ra hàng tháng nhà này chỉ chi tiêu có 26,7 triệu thôi vì có khoản tiền bảo hiểm với tiền gửi bố mẹ nữa. Thu nhập chừng đó mà tiêu thế là hợp lý rồi. Nhưng có tiềm lực tài chính thì nên nghĩ cách đầu tư song song với mua vàng, tiết kiệm nữa thì tốt" - Một người khuyên.
“Tầm này thì nên ưu tiên mua vàng hơn gửi tiết kiệm tiền mặt mom ạ. Thu nhập tốt ghê nhưng không thấy vợ chồng đầu tư gì, nếu có đầu tư nữa thì tốt còn không như hiện tại là cũng rất ổn rồi” - Một người khác chia sẻ.
Nếu tiết kiệm được 1 số tiền nhất định mỗi tháng, và quyết tâm duy trì việc tiết kiệm này trong thời gian dài, bạn có thể cân nhắc phân bổ tiền tiết kiệm theo phương án dưới đây, để vừa giúp tiền sinh lời, vừa hạn chế tối đa rủi ro mất tiền do không có kiến thức đầu tư: Một nửa để dành mua vàng, một wnar mang đi gửi tiết kiệm.
Theo chuyên gia Gerard Do, với những người chưa có kiến thức đầu tư và cũng không nghĩ tới chuyện đầu tư để dòng tiền sinh lời tối đa, gửi tiết kiệm, mua vàng và giữ vàng trong dài hạn chính là 2 phương án gần như an toàn nhất.
Gerard Do
"Khi nền kinh tế gặp bất ổn, khủng hoảng, nhiều người sẽ mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.
Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn" - Chuyên gia Gerard Do từng nhận định và đưa ra lời khuyên với việc mua vàng tích sản.
Còn với việc gửi tiết kiệm, nếu duy trì việc gửi đều đặn hàng tháng và tái tục khoản tiết kiệm, kỳ quan lãi kép có thể giúp số tiền của bạn sinh lời đáng để, mà rủi ro mất tiền lại không quá lớn.
Nếu bạn chưa biết: Lãi kép ngân hàng, hay còn gọi là lãi suất kép, phát sinh khi khách hàng tái tục toàn bộ số tiền gốc và lãi nhận được sau một kỳ tiết kiệm.
Sau một kỳ hạn gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền lãi ngoài khoản tiền gốc. Nếu cộng số tiền lãi này vào số tiền gốc ban đầu để tiếp tục gửi tiết kiệm, tiền lãi của kỳ hạn tiếp theo được gọi là lãi kép. Chu kỳ này lặp lại càng nhiều thì số tiền lãi càng cao.
Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 10 năm.
Theo công thức tính lãi kép, số tiền bạn nhận được sau 10 năm là: 100.000.000 x (1 + 6%)^10 = 179.084.770 (VND)
Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp lãi đơn thì sau 10 năm tổng số tiền khách hàng nhận được là: (100.000.000 × 6% × 10) + 100.000.000 = 160.000.000 (VND)
Qua đó, có thể thấy, khi áp dụng lãi kép ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được nhiều tiền lời hơn so với lãi đơn thông thường. Đặc biệt, thời gian gửi càng dài (chu kỳ gửi tiết kiệm càng lớn) thì tiền lợi nhuận mà khách hàng nhận được từ lãi kép sẽ càng cao.