Đầy hơi là tình trạng tương đối phổ biến, xảy ra ở mọi nhóm tuổi, mọi giới tính. Nó xảy ra khi có một lượng lớn không khí tích tụ trong đường tiêu hóa. Ăn uống là nguyên nhân phổ biến gây ra đầy hơi do quá trình dạ dày co bóp để tiêu hóa thức ăn sẽ tạo ra khí, và hoạt động ăn uống cũng khiến con người nuốt không khí vào đường tiêu hóa. Khi có quá nhiều không khí trong đường tiêu hóa, chúng sẽ gây ra tình trạng đầy hơi, và khí hầu hết sẽ được giải phóng bằng cách ợ hơi.
Đầy hơi có thể là biểu hiện của một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hay bất dung nạp thức ăn. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp ợ hơi đều lành tính và có thể tránh được nếu áp dụng một số cách đơn giản dưới đây.
Chất xơ là một chất quan trọng có trong thực phẩm mà cơ thể con người không tiêu hóa được. Thế nhưng chúng lại có một số vai trò quan trọng đối với cơ thể, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giúp quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, thực phẩm giàu chất xơ có thể khiến hệ tiêu hóa của một số người sản xuất ra lượng khí quá mức, gây ra tình trạng đầy hơi. Những thực phẩm giàu chất xơ nhất có thể kể đến rau có lá xanh, đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, bông cải xanh, cải Brussel… Chúng đều là nguồn chất xơ tốt, nhưng để tránh đầy hơi thì bạn chỉ nên ăn một lượng vừa phải.
Nhớ rõ mình bị chứng bất dung nạp hoặc dị ứng với loại thực phẩm nào sẽ giúp bạn tránh những rắc rối liên quan đến đường tiêu hóa, mà đầy hơi là một trong số đó. Các chứng bất dung nạp phổ biến nhất, đó là bất dung nạp lactose trong sữa và gluten trong những sản phẩm từ lúa mì. Nếu không chắc chắn, hãy ghi thông tin những bữa ăn vào một cuốn sổ nhỏ để theo dõi xem thực phẩm nào gây ra chứng đầy hơi cho bạn để tránh chúng vào lần sau.
Chất béo là một phần thiết yếu của bất kỳ chế độ ăn uống nào và là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể. Một nghiên cứu ở những người có vấn đề về dạ dày đã chỉ ra rằng, những bữa ăn chứa nhiều chất béo gây kích ứng các triệu chứng dạ dày hơn, bao gồm cả đầy hơi.
Chất béo mất nhiều thời gian hơn hầu hết các dưỡng chất khác để tiêu hóa hết trong đường tiêu hóa, và điều đó có thể khiến dạ dày rỗng và gây đầy hơi. Chất béo lành mạnh từ thực vật như quả bơ, dầu olive, cá biển sẽ ít gây ra đầy hơi hơn so với chất béo động vật hoặc chất béo chuyển hóa, thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán.
Ăn uống quá nhanh sẽ làm tăng lượng không khí nuốt phải, điều này khiến cho khí bị tích tụ trong đường tiêu hóa gây ra đầy hơi. Giảm tốc độ ăn uống, nhai từ tốn có thể giúp bạn giảm thiểu tình trạng đầy hơi.
Đồ uống có ga chứa carbon dioxide, một loại khí có thể tích tụ trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi. Nước uống có ga phiên bản ăn kiêng vẫn có thể gây đầy hơi. Nước lọc, nước hoa quả, trà là những đồ uống lành mạnh hơn và không gây ra tình trạng đầy hơi dành cho bạn.
Gừng là một phương thuốc truyền thống, rẻ tiền và hiệu quả cho các vấn đề về tiêu hóa. Gừng chứa carminative – một hoạt chất hữu ích cho việc giảm lượng khí quá mức trong đường tiêu hóa. Trong bữa ăn có chút gừng sẽ tránh được đầy hơi hữu hiệu. Khi đã bị đầy hơi rồi thì nhấm nháp chút mứt gừng hoặc gừng tươi sẽ giúp làm dịu dạ dày, giảm ợ hơi, ợ nóng và khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Tập thể dục nhẹ sau khi ăn, chẳng hạn như hoạt động đi dạo, có thể giúp bạn giảm cảm giác nặng bụng và đầy hơi. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng, tập thể dục nhẹ giúp ép không khí ra khỏi đường tiêu hóa và làm giảm đầy hơi một cách hiệu quả.
Nói chuyện trong khi ăn sẽ làm tăng cơ hội nuốt phải không khí vào bụng. Điều này có thể gây ra sự tích tụ không khí trong đường tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi.
Tương tự, hoạt động nhai kẹo cao su sẽ khiến bạn nuốt phải nhiều không khí vào đường tiêu hóa hơn và dễ gây ra đầy hơi, nặng bụng, khó chịu.
Đầy hơi sau khi ăn là một trải nghiệm tương đối phổ biến và thường không phải là nguyên nhân gây lo ngại. Những người bị đầy hơi thường có thể điều trị các triệu chứng của họ ngay tại nhà, chẳng hạn như bằng cách sử dụng một trong những phương pháp được nêu ở trên trong bài viết này.
Tuy nhiên, đôi khi đầy hơi cũng có thể là triệu chứng của những tình trạng sức khỏe khác. Nếu đầy hơi đi kèm đau bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, bất ngờ giảm cân và kích ứng da thì bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra. Nếu tình trạng đầy hơi diễn ra quá thường xuyên và không chấm dứt thì bạn cũng nên đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe đường tiêu hóa của mình.
Nguồn: Medicalnewstoday