Nếu dao được coi là vũ khí quan trọng nhất trong bếp thì muối được cho là nguyên liệu chủ lực, quyết định sự thành - bại trong món ăn của bạn.
Khi nói tới muối, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, chúng là một loại gia vị có vị mặn, được sử dụng để tăng vị đậm đà cho món ăn. Nhưng bạn có hay, trên thực tế có khá nhiều loại muối và được phân biệt dựa trên kết cấu tinh thể khác nhau.
3 loại muối chính lần lượt theo thứ tự từ trái qua phải là muối biển - muối tinh - muối Kosher.
Có 3 loại muối chính được sử dụng trong nấu ăn và sinh hoạt thường ngày - đó là table salt (muối tinh), sea salt (muối biển) và kosher salt (muối Kosher).
Đừng ngại nếu như bạn cảm thấy ngỡ ngàng khi không biết sự tồn tại và khác biệt giữa 3 loại muối này. Bởi còn vô vàn người khác nữa cũng không biết sự khác biệt về chúng đó mà.
Nhưng vì muối là một nguyên liệu quan trọng nên ta hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa chúng, dựa theo bài viết được đăng tải trên Tạp chí chuyên về nấu ăn Tasting Table.
1. Muối tinh (table salt)
Muối tinh là loại muối có kết cấu tinh thể khối vuông, kích thước tinh thể nhỏ nhất trong các loại muối. Vì thế mà khi quan sát bằng mắt thường, bạn sẽ thấy muối tinh thường có các hạt đều nhau và mịn hơn so với các loại muối khác.
Muối tinh có cấu trúc tinh thể nhỏ nhất trong các loại muối
Do được khai thác ở các mỏ muối ngầm nên muối tinh thường không hay vón cục do chứa nhiều chất chống hút độ ẩm như calcium silicate.
Cách sử dụng:
Như tên thường gọi - table salt, loại muối này thường được đặt ở trên bàn để nêm nếm vào phút chót khi thức ăn đã dọn lên mà thực khách cảm thấy chưa vừa miệng.
Tuy nhiên, loại muối này thường có vị mặn cao nên khi nấu ăn, bạn chỉ nên sử dụng một lượng ít đến vừa đủ. Một bí mật nho nhỏ nữa đó là, muối tinh thường được rắc lên bánh, ăn sẽ rất ngon đấy!
2. Muối Kosher (Kosher salt)
Muối Kosher ít tinh luyện hơn muối tinh do kết cấu tinh thể dạng mảnh, to, hình dạng kim tự tháp rỗng, bông muối thường lớn hơn, không kết chặt lại với nhau. Do đó mà hình dạng muối Kosher thường thô, to và không mịn.
Muối Kosher có kết cấu tinh thể dạng mảnh, to.
Cách sử dụng:
Với độ mặn vừa phải nên đây là loại muối mà các đầu bếp chuyên nghiệp thích sử dụng nhất do dễ dàng điểu chỉnh lượng nêm nếm vào thực phẩm trước, trong và sau khi nấu.
Muối Kosher còn đặc biệt tốt khi ướp thịt gà, heo trước khi nấu nữa đấy! Lý do là bởi những tinh thể dạng mảnh của muối giúp giữ được độ ẩm tốt bên trong thịt, khiến sườn mềm hơn, thịt bò ngon ngọt hơn và ức gà mềm, ẩm hơn.
3. Muối biển (sea salt)
Muối biển có tinh thể khá lộn xộn, không đồng nhất do được sản xuất trực tiếp từ nước biển và ít qua công đoạn xử lý, chế biến.
Lượng cặn khoáng chất trong các loại muối biển thường cao hơn so với các loại khác nên có thể làm đổi màu của muối.
Cách sử dụng:
Muối biển thường được chia làm hai loại: nhỏ - và vừa - dựa theo kích thước tinh thể của chúng.
Muối biển dạng nhỏ thường được sử dụng để ướp thịt đỏ hay các loại hải sản - cá, tôm. Chúng không chỉ làm món ăn thêm đậm đà bởi vị mặn mòi của biển mà còn làm dậy lên hương vị thơm ngon của các loại hải sản. Ngoài ra, bạn cũng có thể nêm nếm muối biển khi đã nấu xong.
Muối biển hạt to hơn thường ít sử dụng trong nêm thực phẩm mà dùng để rửa thịt, cá khá tốt. Do bề mặt to, việc chà sát muối trên bề mặt thịt, cá... sẽ giúp loại bỏ chất bẩn và bớt phần nào mùi tanh.
Nguồn: TastingTable