Đà Lạt có món "thảo dược vàng" trứ danh mà nhiều người bỏ qua
Đến Đà Lạt nhiều lần, đã thưởng thức những món ăn đặc sắc từ lẩu gà, lẩu bò, đến món bánh ướt, bánh căn... Nhưng sẽ thật thiếu sót nếu như bạn chưa từng "thẩm qua" các món ăn được chế biến cùng atiso.
Thổ nhưỡng và khí hậu của Đà Lạt là hai điều kiện thuận lợi để tạo nên những búp atiso tươi ngon, giàu dinh dưỡng bậc nhất. Cũng bởi vậy mà vào tháng 5/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã đề cử thành công atiso Đà Lạt để xác lập Kỷ lục châu Á cho ẩm thực, đặc sản của Việt Nam.
Thổ nhưỡng và khí hậu của Đà Lạt là hai điều kiện thuận lợi để tạo nên những búp atiso tươi ngon, giàu dinh dưỡng bậc nhất.
Bông atiso Đà Lạt vừa thơm ngon, ngọt dịu khi có mặt trong các món gỏi, gà hầm, giò heo hầm bông atiso, canh atiso hầm táo đỏ, canh atiso nấu vịt hay dùng chính bông atiso nhồi tôm thịt hấp...
Atiso Đà Lạt không chỉ ăn được phần hoa mà cả rễ, thân, lá đều dùng được... Ngoài dùng khi tươi thì chúng còn có thể được sấy khô tạo thành trà, thành mứt...
Atiso có nhiều công dụng quý.
Atiso cũng được mệnh danh là món "thảo dược vàng" trứ danh với nhiều công dụng quý. Theo lương y Minh Phúc, atiso có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ gan, thận, mát gan, lợi mật, lọc máu, lợi tiểu; thường dùng chữa chứng bệnh vàng da, sỏi mật, nhiễm độc, thấp khớp, thống phong, phù thũng, lợi sữa cho phụ nữ sau sinh…
Đặc biệt, dù chứa vị ngọt tự nhiên nhưng atiso có thể giúp ổn định đường huyết. Do atiso có các hoạt chất giúp kích thích sự bài tiết insulin, nên có thể hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh tiểu đường rất tốt.
Những công dụng không ngờ của atiso
Atiso không chỉ là một thực phẩm tốt cho sức khỏe mà còn là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc dân gian. Một số món ăn bài thuốc sử dụng atiso bao gồm:
1. Canh atiso nấu thịt: Lấy bông atiso tươi, rửa sạch và nấu cùng thịt lợn hoặc bò, thêm gia vị vừa đủ. Món canh này vừa ngon miệng vừa có lợi cho gan và thận.
2. Trà atiso: Sử dụng lá atiso khô, đun sôi với nước để uống hàng ngày thay thế nước lọc. Trà atiso giúp lọc máu và cải thiện chức năng gan.
3. Hầm atiso với gan lợn: Lấy hoa atiso và gan lợn, thêm một số loại gia vị, hầm nhừ để tạo thành một bài thuốc hỗ trợ điều trị cho người có gan yếu, giúp phục hồi chức năng gan.
4. Món hấp: Hoa atiso kết hợp với ý dĩ và lách lợn thái nhỏ, hấp cách thủy, có thể ăn hàng ngày để hỗ trợ tiêu khát, mát gan, lợi tiểu.
5. Hàm lượng chất xơ cao của atiso hỗ trợ tiêu hóa bằng cách thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ cũng hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh.
6. Atiso chứa các hợp chất hỗ trợ chức năng gan bằng cách thúc đẩy sản xuất mật, hỗ trợ giải độc và cải thiện sức khỏe gan tổng thể.
7. Hàm lượng chất xơ cao trong atiso thúc đẩy cảm giác no, giảm lượng calo tổng thể và hỗ trợ nỗ lực giảm cân hoặc duy trì cân nặng.
Lưu ý khi sử dụng bông atiso
- Quá trình sử dụng atiso cần lưu ý điều chỉnh liều lượng phù hợp và không nên lạm dụng để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn. Các triệu chứng như chướng bụng và đại tiện phân lỏng có thể xuất hiện nếu sử dụng không đúng cách, đặc biệt là đối với những người có cơ địa tỳ vị hư hàn.
- Liều lượng atiso có thể dùng dưới dạng trà là 10 – 20g/ngày nếu là tươi; 5 – 10g/ngày nếu là khô. Nên chia ra uống nhiều lần trong ngày và không dùng cho người tỳ vị hư hàn hoặc đang bị tiêu chảy.
- Khi chế biến atiso, cần rửa sạch để loại bỏ lông nhung và bụi cát, đồng thời nên chọn bông atiso tươi để đảm bảo chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng cao.