Thanh Vân (tên đầy đủ là Trần Hữu Thanh Vân - 23 tuổi), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM có tạng người "skinny fat" (thân hình gầy nhưng lại có nhiều mỡ ở ngực và bụng) vì thế nên cô nàng đã từng khá tự ti với ngoại hình của mình. Cho đến một ngày, khi biết đến các chế độ ăn healthy như Keto, Eat Clean… Vân quyết định thay đổi thói quen ăn uống vì sức khỏe, tiếp đó là mong muốn một thân hình đẹp hơn, chuẩn hơn. Sau một quá trình dài kiên trì ăn uống, tập luyện, Thanh Vân đã sở hữu được thân hình như mong muốn.
Trần Hữu Thanh Vân - 23 tuổi
Một trong số các món ăn không thể thiếu trong quá trình giảm cân giữ dáng của Thanh Vân chính là cơm gạo lứt. Dưới đây là đôi điều về gạo lứt cũng như cách nấu gạo lứt mà Thanh Vân chia sẻ từ những kinh nghiệm đúc kết ở chính bản thân mình.
Gạo lứt là loại gạo chỉ xay bỏ lớp vỏ, chưa bóc lớp gạo cám và không trải qua xay xát nhiều như gạo trắng. Quá trình chuyển từ gạo lứt sang gạo trắng làm mất đi đến 67% vitamin B3, 80% vitamin B1, 90% vitamin B6 và rất nhiều khoáng chất khác.
Nếu 100g cơm trắng chứa 130 calo thì 100g cơm gạo lứt chỉ chứa 110,9 calo (theo ASDA Hoa Kỳ). Không chỉ có vậy, gạo lứt còn là món ăn lành mạnh cho cơ thể khi lượng chất xơ và magie cao hơn rất nhiều so với cơm trắng.
Vậy nên ngoài việc dùng để giảm cân, mọi người còn sử dụng gạo lứt để thay thế cho gạo trắng nhằm tăng cường hệ miễn dịch, giảm cholesterol, ngăn ngừa ung thư…
Gạo lứt có nhiều loại được chia theo màu sắc, hình dạng, chủng loại… như gạo lứt trắng, nâu, đỏ hoặc đen, gạo lứt hạt dài hoặc hạt tròn, gạo lứt nếp hay tẻ... Trong đó, gạo đỏ có chất chống oxy hóa nhiều nhất, còn gạo lứt đen sẽ có lượng đường thấp nhất. Tuy loại gạo lứt nào ăn cũng tốt nhưng nên dùng loại gạo trồng 6 tháng và được trồng hữu cơ để đạt được giá trị dinh dưỡng cao nhất.
Việc ngâm gạo trước khi nấu ngoài giúp gạo nấu mau chín, ăn dễ tiêu thì còn giúp loại bỏ bớt độc tố bên ngoài lớp vỏ.
Sau khi ngâm, nên thay nước mới để nấu. Tùy mỗi loại gạo khác nhau sẽ gia giảm lượng nước khác nhau, chẳng hạn như nếu nấu loại gạo nâu (trắng ngà) thì tỷ lệ sẽ là 1 gạo – 1,5 nước khi nấu bằng nồi cơm điện và tỷ lệ 1 gạo - 1 nước khi nấu bằng nồi hấp.
Gạo lứt thường được nấu bằng hầu hết các loại nồi tương tự như nấu gạo trắng. Tuy nhiên, mỗi loại nồi đều có ưu điểm và khuyết điểm khác nhau cũng như tuỳ theo khả năng và sở thích của mỗi gia đình.
- Nồi áp suất inox trên bếp gas: Khi sử dụng nồi áp suất để nấu gạo lứt, gạo sẽ chín từ trong ra, giữ được nhiều dưỡng chất hơn và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, việc nấu gạo lứt bằng nồi áp suất còn giúp giữ cơm lâu bị ôi, thiu, đồng thời đáy nồi còn có thêm lớp cơm cháy rất thơm ngon và lạ miệng.
- Nồi cơm điện: Khi sử dụng nồi cơm điện, nên chọn loại nồi có lõi dày, có chip điện tử và chế độ hẹn giờ nấu để cơm được thơm ngon, đỡ mất thời gian và tiện dụng.
- Nồi hấp (xửng hấp): Nồi hấp thường tiện cho người mới tập ăn gạo lứt, có thể mở nắp, canh chừng gạo, có thể tăng lượng nước phía dưới xửng và có thể nấu số lượng ít cho người ăn một mình. Tuy nhiên, khi sử dụng xửng hấp nên lưu ý canh lượng nước phù hợp vì gạo rất dễ nhão, gây khó ăn.
- Nồi đất: Nếu không gian và thời gian cho phép, bạn dùng nồi đất không tráng men nấu cơm lứt với bếp than/củi/rơm sẽ có món cơm rất thơm ngon, có thể nói là ngon nhất trong các loại cơm lứt nấu bằng các loại nồi khác nhau.
- Gạo lứt trắng được ngâm từ 30 - 45 phút là phù hợp nhưng đối với gạo lứt đỏ thì nên ngâm lâu để hạt gạo được mềm dẻo và thơm ngon nhất.
- Canh lượng nước nấu gạo lứt tùy theo từng màu gạo và loại nồi dùng để nấu.
- Trước khi nấu nên cho vào 1/4 muỗng cà phê muối biển, 1 miếng rong biển phổ tai hoặc 1 trái mơ muối (có thể cho đồng thời 3 thứ) sẽ giúp cho cơm chín ngon và giàu năng lượng hơn cũng như giúp giảm tính axit của gạo.
- Để tăng thêm hương vị cơm, khi nấu gạo lứt có thể cho vào thêm đậu đỏ, đậu gà, đậu lentil, đậu xanh, bobo, kê… Mỗi lần nấu chỉ nên cho một thứ để cơ thể dễ tiêu hoá (đậu đỏ nên ngâm trước và đun sôi bỏ nước đầu).
Những đĩa cơm gạo lứt hấp dẫn của cô nàng Thanh Vân
Source (Nguồn): Facebook Vân Trần