Tiểu Vương, một cô gái 28 tuổi đến từ Trung Hương (Trung Quốc), được chẩn đoán mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến ở cả hai phổi. Bác sĩ điều tra nguyên nhân, phát hiện cô không hút thuốc, cũng không tiếp xúc nhiều với khói dầu, yếu tố nguy cơ duy nhất là mỗi đêm đều không đi ngủ trước 12 giờ. May mắn thay, cô đã được chữa khỏi bệnh sau ca phẫu thuật và xuất viện vào ngày 9/2 vừa qua. Theo các bác sĩ, một tỷ lệ lớn bệnh nhân ung thư trẻ tuổi đều có thói quen giống nhau - thức khuya.
Theo Tiểu Vương, sau khi đi làm, cuộc sống của cô không còn bình thường như thời còn đi học. Vì bận rộn với công việc vào ban ngày nên cô chỉ có thời gian rảnh khi về nhà vào buổi tối. Vì thế, thức khuya trở thành cách kéo dài thời gian rảnh vô hạn và giờ đi ngủ liên tục bị hoãn lại. Khoảng 5 năm trước, cô đã hình thành thói quen không đi ngủ trước 12 giờ đêm mỗi đêm.
Một năm sau, tức là 4 năm trước, trong một cuộc kiểm tra sức khỏe do đơn vị của cô tổ chức, người ta phát hiện cô có khối u ở cả hai lá phổi, vì vậy cô đã làm theo lời khuyên của bác sĩ là đi khám sức khỏe định kỳ.
Ảnh minh họa: TVBS
"Tôi không nghĩ các khối u ở phổi quá nghiêm trọng. Sau khi phát hiện ra chúng, tôi vẫn tiếp tục thức khuya", Tiểu Vương nói.
Bốn năm trôi qua trong chớp mắt, trong một lần khám sức khỏe cách đây 2 tháng, bác sĩ nói với cô rằng các nốt phổi của cô đã phát triển rất nhiều và khuyên cô nên đến bệnh viện tuyến trên hoặc bệnh viện chuyên khoa về bệnh hô hấp để kiểm tra thêm.
Tại bệnh viện tuyến trên, bác sĩ điều trị cho cô, cho biết khi Tiểu Vương đến, cô có khối u có kích thước 6,3x5,1 mm và 10,7x8,7 mm ở phổi dưới bên trái và phổi trên bên phải.
"Theo phán đoán thông thường, nốt sần ở phổi trên bên phải này có nguy cơ cao là khối u ác tính, cả về hình dạng và kích thước. Nhưng sau khi khám phá sâu hơn và phân tích toàn diện nhiều yếu tố, chúng tôi phát hiện ra rằng nốt sần tương đối nhỏ hơn ở phổi dưới bên trái này, mặc dù có vẻ 'vô hại' về kích thước, nhưng rất có thể là một nốt sần chị em của nốt sần ở phổi trên bên phải, và cũng không phải là 'lành tính' và cần phải phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt", bác sĩ cho biết.
Sau 4 ngày nhập viện để phẫu thuật, Tiểu Vương đã được xuất viện.
Các bác sĩ cho biết, trong số nhiều trường hợp u ác tính được tiếp nhận, tuy độ tuổi và nghề nghiệp của những người liên quan khác nhau nhưng hầu như tất cả đều có một thói quen chung là thức khuya. Đặc biệt ở những bệnh nhân trẻ mắc khối u ác tính, tỷ lệ "cú đêm" cao hơn.
Nghiên cứu có liên quan cho thấy khả năng mắc ung thư sẽ tăng đáng kể nếu bạn thường xuyên thức khuya. Do thức khuya trong thời gian dài, các cơ quan trong cơ thể con người không được nghỉ ngơi đầy đủ, xảy ra tình trạng rối loạn nội tiết, nồng độ hormone bị rối loạn. Lúc này, một số tế bào bên trong cơ thể con người bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về hormone và sẽ trải qua đột biến gen và trở thành tế bào ung thư.
Trong điều kiện bình thường, chức năng miễn dịch của cơ thể con người có chức năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể. Nhưng thức khuya sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, khiến hệ miễn dịch không thể nhận diện được tế bào ung thư trong cơ thể. Lúc này, một số tế bào ung thư sẽ lọt qua lưới và có thể tiếp tục phát triển, lớn mạnh, cuối cùng gây ra ung thư.
Nguồn: Jimu News