"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật

Tuấn Minh, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 08:20 12/02/2025
Chia sẻ

Trước khi đổ xô mua dùng Tamiflu dẫn đến tình trạng loạn giá, bạn nên nắm rõ những sự thật này.

Dịch cúm mùa đang bùng phát, nhiều bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận những ca trở nặng, phổi không đảm bảo hoạt động. Trước tình hình đó, một trong những loại thuốc hiện nay nhiều người quan tâm nhất chính là Tamiflu.

Đại diện hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu cho biết, hiện nay số lượng khách hàng liên hệ mua thuốc Tamiflu (thuốc kháng virus điều trị cúm) tăng gấp 7 lần so với ngày thường.

Theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong thời gian gần đây, tình hình bệnh cúm có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở phía Bắc, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị cúm, đặc biệt là thuốc kháng virus có xu hướng gia tăng.

"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật- Ảnh 1.

Lượng người mua thuốc Tamiflu cũng tăng mạnh tại nhiều cửa hàng thuốc. Khảo sát tại nhà thuốc Thành Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho thấy, đang dịch cúm nên Tamiflu là một trong những loại thuốc thuộc hàng top được người dân tìm mua.

Có thể nói, trên thị trường trong những ngày gần đây xuất hiện tình trạng không ít người dân đổ xô dự trữ do tâm lý sợ giá sẽ tăng, khan hiếm. Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir hiện vẫn bảo đảm về nguồn cung.

Đáng nói, không phải ai cũng nắm rõ việc sử dụng loại thuốc này, luôn coi đó là "thần dược trị cúm", tìm mua tích trữ và dùng không đúng cách gây tác dụng ngược, hiệu quả không như mong đợi.

Trước khi mua dùng Tamiflu, bạn nên nắm rõ những sự thật này.

1. Tamiflu không phải là "thần dược trị cúm"

Tamiflu là thuốc được chỉ định dùng cho người mắc bệnh cúm ở người lớn và trẻ em bao gồm cả trẻ sơ sinh đủ tháng (mắc virus cúm type A và type B). Tamiflu còn được dùng để phòng ngừa bệnh cúm ở người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên.

"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật- Ảnh 2.

Tamiflu không phải là thuốc điều trị đặc hiệu của cúm A hay cúm B. Tamiflu mang bản chất là thuốc hỗ trợ, giúp giảm triệu chứng sớm của cúm.

Trong trường hợp được sử dụng đúng cách và trong vòng 24 giờ kể từ khi có triệu chứng bệnh, Tamiflu có thể giảm thời gian điều trị bệnh 2 - 3 ngày. Khi sử dụng Tamiflu từ 48 giờ sau khi có triệu chứng, kết quả điều trị không có tác dụng.

Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, việc dùng thuốc Tamiflu không thay thế việc tiêm phòng bằng vắc-xin cúm phù hợp.

2. Uống Tamiflu có hiệu quả thế nào đối với người mắc bệnh cúm?

Các thuốc kháng virus như Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza) có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, rút ngắn thời gian phục hồi nếu được sử dụng sớm.

"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật- Ảnh 3.

Tuy nhiên, thuốc chỉ có hiệu quả khi sử dụng đúng thời điểm và đúng chỉ định với tình trạng lâm sàng được bác sĩ xem xét kỹ. Người dân không nên tự trữ và sử dụng ở nhà.

3. Tự uống Tamiflu không có chỉ định của chuyên gia, bác sĩ dẫn tới hệ lụy đáng tiếc

Người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, viêm da, hoặc rối loạn tâm thần (hiếm gặp). Thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như rối loạn giấc ngủ, mang đến cảm giác bồn chồn, buồn nôn và khó chịu cho người dùng. Đặc biệt, thuốc có nguy cơ gây trầm cảm.

Ngoài ra, sử dụng Tamiflu không đúng chỉ định của chuyên gia có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc. Điều đó làm mất khả năng điều trị cúm khi bệnh nhân tiến triển nặng. Do đó, bắt buộc chỉ sử dụng Tamiflu khi có sự chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật- Ảnh 4.

4. Người mắc bệnh cúm có tình trạng như thế nào mới nên dùng Tamiflu?

Thuốc Tamiflu là phương pháp điều trị và phòng ngừa có hiệu quả tốt, đặc biệt cần thiết cho những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm và gặp phải biến chứng cúm như những người có vấn đề về hệ miễn dịch và phổi. Cụ thể:

- Người mắc bệnh tiểu đường.

- Người bị hen suyễn hoặc các rối loạn hô hấp khác.

- Người có vấn đề về gan, máu hoặc thần kinh.

- Người mắc bệnh tim hoặc bệnh thận mãn tính.

- Người thừa cân, béo phì.

Ngay cả người khỏe mạnh cũng nên dùng thuốc trong trường hợp cần thiết để giảm triệu chứng cúm và giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, uống thuốc còn giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác, nhất là lây cho trẻ em hoặc người cao tuổi. Tuy nhiên bắt buộc phải có chỉ định từ bác sĩ, chuyên gia, người có chuyên môn.

"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật- Ảnh 5.

5. Trường hợp nào tuyệt đối không sử dụng Tamiflu?

Thuốc thường không được khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc trẻ em dưới 1 tuổi. Ngoài ra có những điều kiện chống chỉ định với Tamiflu bao gồm:

- Người bị lú lẫn hoặc mê sảng.

- Có ý định tự tử.

- Mắc bệnh thận mãn tính giai đoạn 3A, 3B (mức trung bình); giai đoạn 4 và 5 (tình trạng nặng và suy thận).

- Người bệnh suy giảm chức năng thận.

"Thần dược trị cúm" Tamiflu có lượng mua tăng gấp 7 lần ngày thường: Trước khi mua dùng cần ghi nhớ 6 sự thật- Ảnh 6.

6. Tamiflu không phải thuốc kháng virus duy nhất điều trị cúm

Ngoài Tamiflu còn có những loại thuốc khác cũng có khả năng điều trị cúm. Ví dụ như Rapivab (hoạt chất: peramivir), Relenza (hoạt chất: zanamivir) và Xofluza (hoạt chất: baloxavir). Trong đó Relenza là thuốc được cấp phép sử dụng tại Việt Nam bên cạnh thuốc Tamiflu. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng thuốc này thay thế Tamiflu, cho hiệu quả tương đương.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày