Số ca cúm tăng gấp 6 lần trong dịp Tết, có trường hợp tử vong: Cảnh báo tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc, vô vàn nguy cơ khó lường

Tuấn Minh, Theo thanhnienviet.vn 20:13 11/02/2025
Chia sẻ

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, nhiều người dân đã truyền tai nhau về việc tự mua thuốc Tamiflu để dự phòng hoặc điều trị khi có dấu hiệu mắc cúm A.

Số ca cúm tăng gấp 6 lần trong dịp Tết, có trường hợp tử vong

Từ cuối năm 2024 đến dịp Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm mùa tại nhiều bệnh viện trên cả nước đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Đáng chú ý, không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cúm A tiến triển nặng, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có trường hợp suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.

Theo thống kê tại khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), số bệnh nhân cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận số ca cúm tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết, nghĩa là cao gấp 6 lần.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, và Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Đáng chú ý, có nhiều trường hợp nặng phải thở máy, có ghi nhận trường hợp tử vong. Theo các bác sĩ, bệnh nhân nặng thường là người già, có bệnh nền.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cúm không nên chủ quan trước các dấu hiệu chuyển biến nặng như sốt cao liên tục, thở mệt, hụt hơi. Ngoài biến chứng viêm phổi, người mắc bệnh cúm còn dễ tử vong vì bội nhiễm các vi khuẩn, virus nguy hiểm khác.

475896761-640107972008437-8997-4714-4017-1738982821.jpg

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang theo dõi sức khỏe cho 1 trường hợp cúm biến chứng nặng (Ảnh: BVCC).

1/2 số lượng khách vào hiệu thuốc để mua thuốc cúm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, nhiều người dân đã truyền tai nhau về việc tự mua thuốc Tamiflu để dự phòng hoặc điều trị khi có dấu hiệu mắc cúm A. Một số người thậm chí còn tự test cúm tại nhà và ngay lập tức sử dụng thuốc mà không cần đến sự thăm khám của bác sĩ.

Theo Dược sĩ Đỗ Hải Yến (chủ 1 hiệu thuốc tại Quan Nhân, Hà Nội, có 16 năm kinh nghiệm bán lẻ thuốc), từ trước Tết Nguyên đán, khi dịch cúm A lan rộng trong cộng đồng, số lượng người đến hiệu thuốc mua thuốc cảm cúm tăng cao.

"Khoảng 1/2 số khách vào cửa hàng đều có nhu cầu mua thuốc liên quan đến cảm cúm. Người có nhu cầu mua bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn, người cao tuổi. Ngoài thuốc hạ sốt, họ còn mua vitamin C, miếng dán hạ sốt và dung dịch bù nước để dự trữ. Hiện tại, giá các loại thuốc này vẫn ổn định, ví dụ Efferalgan 500mg vẫn có giá niêm yết là 3.000 đồng/viên ", Dược sĩ Yến cho biết.

Số ca cúm tăng gấp 6 lần trong dịp Tết, có trường hợp tử vong: Cảnh báo tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc, vô vàn nguy cơ khó lường- Ảnh 2.
Số ca cúm tăng gấp 6 lần trong dịp Tết, có trường hợp tử vong: Cảnh báo tình trạng tự ý mua và sử dụng thuốc, vô vàn nguy cơ khó lường- Ảnh 3.

Những ngày vừa qua, nhu cầu mua thuốc ngày càng gia tăng (Ảnh: DD).

Dược sĩ cũng khuyến cáo: "Mọi người chỉ nên dự trữ một ít thuốc hạ sốt để phòng trường hợp cần dùng trong đêm. Nếu có triệu chứng cúm, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh nghe theo lời đồn đoán rồi tự mua những loại thuốc không phù hợp, vừa lãng phí vừa không đảm bảo an toàn".

Trong 1 cửa hàng thuốc khác tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Dược sĩ T (làm việc tại hiệu thuốc trên) chia sẻ, thời gian gần đây số lượng khách đến mua các loại thuốc liên quan đến cúm tăng 2, 3 lần. Trong đó, 1 số khách hàng mua thuốc để điều trị các triệu chứng cảm cúm, có những người mua về tích trữ để nếu gia đình có người mắc thì có thể mang ra dùng ngay.

"Hiện số lượng thuốc cúm vẫn có sẵn, không bị tăng giá nên mọi người không cần lo lắng hay đổ xô đi mua. Việc các gia đình nên làm bây giờ đó là chú ý bổ sung tăng đề kháng với xịt mũi họng hàng ngày để phòng bệnh ", Dược sĩ T nói.

Không nên tự ý sử dụng Tamiflu

Tamiflu (Oseltamivir) là thuốc kháng virus được kê đơn trong điều trị cúm, nhưng không phải ai bị cúm cũng cần sử dụng. Việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, khiến việc điều trị các trường hợp nặng trở nên khó khăn hơn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhấn mạnh: Thuốc kháng virus điều trị cúm là Oseltamivir (Tamiflu) giúp điều trị giảm nhanh triệu chứng, tuy nhiên cần phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Đây là thuốc dùng để ức chế virus nhân lên, làm giảm khả năng bám dính của virus ở đường hô hấp. Không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu. Việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, theo chỉ định của bác sĩ vì thuốc này là thuốc kê đơn, thường chỉ dùng đối với các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: "Tamiflu có các tác dụng phụ nên không thể sử dụng tùy tiện. Thuốc này thường chỉ dùng cho các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc những người có bệnh nền như tiểu đường, có nguy cơ chuyển biến nặng. Ngoài ra, Tamiflu có liều lượng duy nhất cho người lớn, rất khó điều chỉnh chính xác cho trẻ em. Nếu cha mẹ tự ý dùng thuốc cho con, có thể dẫn đến tình trạng quá liều hoặc thiếu liều, làm giảm hiệu quả điều trị và tăng nguy cơ kháng thuốc".

Thay vì tự ý mua và sử dụng thuốc, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ động. Tự ý mua và dùng Tamiflu không chỉ gây lãng phí mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm, mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất.

7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày