Lịch tiêm vaccine cúm đầy đủ, chi tiết cho mọi lứa tuổi

PV, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 14:41 12/02/2025
Chia sẻ

Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp, việc tiêm phòng vaccine cúm là vô cùng cần thiết. Dưới đây là lịch tiêm phòng vaccine cúm chi tiết cho từng độ tuổi.

Lịch tiêm vaccine cúm đầy đủ cho mọi lứa tuổi

Lịch tiêm phòng cúm khác nhau tùy vào từng đối tượng, độ tuổi và theo từng loại vaccine. Việt Nam đang lưu hành hai loại vaccine phòng cúm tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) phòng được 4 chủng virus cúm gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria), lịch tiêm vaccine cúm được chỉ định tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn như sau.

Lịch tiêm vaccine cúm đầy đủ, chi tiết cho mọi lứa tuổi- Ảnh 1.

Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp, việc tiêm phòng vaccine cúm là vô cùng cần thiết. Ảnh minh họa.

Lịch tiêm vaccine cúm cho trẻ em

Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi

Tiêm 2 mũi vaccine cúm theo lịch như sau:

Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên;

Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 4 tuần, tiêm nhắc lại hằng năm.

Trẻ em từ 9 tuổi trở lên

Tiêm 1 mũi duy nhất và tiêm nhắc lại hằng năm.

Lịch tiêm vaccine cúm cho người lớn

Người lớn tiêm 1 mũi vaccine duy nhất và được khuyến cáo nhắc lại mỗi năm một lần để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.

Lịch tiêm vaccine cúm cho phụ nữ mang thai

Vaccine cúm không chống chỉ định với đối tượng phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể tiêm vaccine trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng để phòng nguy cơ mắc cúm cho mẹ bầu và phòng biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. Phụ nữ mang thai tiêm vaccine cần được bác sĩ khám sàng lọc cẩn trọng, khai thác tình trạng sức khoẻ, tiền sử bệnh lý và chỉ định mũi vaccine phù hợp.

Vaccine cúm có hiệu quả không?

Vaccine phòng cúm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cúm từ 40 đến 60%. Hiệu quả của vaccine mỗi năm phần lớn dựa vào mức độ phù hợp giữa vaccine và các chủng virus đang lưu hành. Tuy nhiên, tiêm vaccine vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất cho bản thân và gia đình trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong.

Do các yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe của người được tiêm có thể ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine vì vậy vaccine không thể đảm bảo hiệu quả bảo vệ 100% cho mọi người.

Ai không nên tiêm phòng cúm?

Theo khuyến cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), bạn không nên tiêm phòng cúm trong các trường hợp sau:

- Đã từng có phản ứng dị ứng khi tiêm vaccine cúm trước đây.

- Bị dị ứng với trứng.

- Đã mắc hội chứng guillain-barré (một rối loạn khi hệ miễn dịch tấn công vào hệ thần kinh) trong vòng 6 tuần sau lần tiêm cúm trước đó, theo TTXVN.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày