Lưu Hải (21 tuổi) đang sống tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Mới đây, khi đang tập trung hết sức vào kỳ tuyển sinh Đại học thì cô gái này bất ngờ bị đau bụng dữ dội. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán có thể là do Lưu Hải đang bị tắc nghẽn đường ruột. Sau đó, Lưu Hải thường xuyên phải ra vào bệnh viện để điều trị liên tục, quá trình điều trị kéo dài mất 2 năm.
Ảnh minh họa.
Lưu Hải thi đỗ vào chuyên ngành thiết kế ở một trường Đại học có tiếng. Tuy nhiên, cô lại luôn gặp vấn đề xoay quanh sức khỏe của mình. Điển hình là chuyện dù đã 21 tuổi nhưng Lưu Hải chưa từng có kinh nguyệt. Trong vài năm trước đó, Lưu Hải đi khám và được bác sĩ thông báo nồng độ estrogen trong cơ thể cô rất thấp. Do đó, cô phải uống thuốc bổ sung estrogen liên tục.
Cuối năm ngoái, Lưu Hải lại phải nhập viện thêm một lần nữa vì cơn đau bụng tiếp tục hoành hành. Lần này, bác sĩ đã đề nghị Lưu Hải đi kiểm tra phụ khoa. Sau đó, cô vô cùng bàng hoàng khi biết kết quả.
Bác sĩ cho biết, cả ống dẫn trứng và buồng trứng ở hai bên đều không có trong người Lưu Hải. Khi thực hiện siêu âm thêm vài lần nữa, bác sĩ vẫn không thấy có điều gì thay đổi. Từ đó, bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân khiến Lưu Hải không có kinh nguyệt cho tới bây giờ là vì điều này.
Lúc này, gia đình Lưu Hải mới nghi ngờ tới ca phẫu thuật khi cô vừa chào đời. Cả gia đình quyết định tìm tới bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật cho Lưu Hải ngày đó để xem lại bệnh án. Ban đầu, bệnh viện nói rằng không tìm thấy vì đã quá lâu nhưng sau nhiều lần gia đình mong được hỗ trợ thì cuối cùng, Lưu Hải cũng tìm thấy hồ sơ bệnh của mình sau 21 năm. Theo hồ sơ, khi mới chào đời, Lưu Hải được chẩn đoán mắc bệnh u nang buồng trứng bên trái. Do đó, bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật để cắt bỏ khối u nang này. Ở thời điểm đó, cả buồng trứng và tử cung của Lưu Hải đều xuất hiện một đoạn xoắn khoảng 270 độ. Bác sĩ suy đoán rằng, có thể chính đoạn xoắn này đã gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, từ đó khiến buồng trứng của Lưu Hải dần teo nhỏ theo thời gian.
Hồ sơ bệnh của Lưu Hải sau 21 năm.
Cũng vì không có buồng trứng và ống dẫn trứng nên Lưu Hải không có kinh nguyệt như những cô gái khác. Điều này dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt estrogen và gần như đang bước vào thời kỹ mãn kinh sớm.
Sau khi nghe bác sĩ phân tích, Lưu Hải cho biết, do áp lực học hành ở thời điểm thi lên Đại học nên cô thường xuyên ngồi học trước máy tính liên tục. Lúc đó, Lưu Hải thường xuyên cảm thấy cơ thể nhức mỏi, đau nhiều ở đốt sống cổ và vùng thắt lưng. Các bác sĩ cũng nói rằng, sự thiếu hụt estrogen có thể gây ảnh hưởng tới hệ xương khớp và tâm trạng của phái nữ. Vì uống nhiều thuốc bổ sung estrogen nên khi tới kỳ kinh nguyệt, cô vẫn không thấy ra máu kinh mà chỉ toàn gặp phải những cơn đau bụng kéo dài. Do đó, bác sĩ đã đưa ra giải pháp là cắt bỏ tử cung trong người Lưu Hải và cô sẽ phải dùng estrogen suốt cuộc đời.
Đây là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở phái nữ, từ đó làm suy giảm sự phát triển của nang noãn, buồng trứng không đảm bảo được chức năng nuôi trứng trưởng thành để rụng và thụ thai. Những người gặp phải tình trạng teo buồng trứng hoặc suy buồng thường không có khả năng sinh sản như những người phụ nữ khác.
Người bị teo buồng trứng sẽ có nồng độ hormone estrogen trong cơ thể ít hơn người bình thường. Có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là:
- Nguyên nhân tự phát: Gặp rối loạn trong kỳ "đèn đỏ", dẫn đến trường hợp mất kinh đột ngột, từ đó gây suy giảm chức năng buồng trứng sớm. Khi kinh nguyệt không đều thì lượng hormone estrogen trong cơ thể cũng bị thay đổi nên dễ gây rối loạn quá trình trao đổi chuyển hóa chất béo và dẫn đến tình trạng lão hóa buồng trứng sớm.
- Nguyên nhân chủ quan: Việc nạo phá thai, nhiễm trùng đường sinh sản, kích trứng để có con quá mức quy định, sử dụng chất kích thích, hay giảm cân quá mức... đều có thể là yếu tố gây teo buồng trứng sớm.
Source (Nguồn): Sohu