Chuyên gia chỉ ra 3 điều người Việt cần làm ngay để ngăn chặn tái bùng phát COVID-19

PV, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 15/07/2022
Chia sẻ

COVID-19 đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới một lần nữa "chao đảo". Vậy, người Việt cần làm gì để ngăn dịch bệnh tái bùng phát?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính tới ngày 6/7, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng 30% so với 2 tuần trước đó. Châu Âu là tâm dịch, ghi nhận gần 2,42 triệu ca mắc mới chỉ trong 1 tuần, chiếm 52% số ca mắc mới toàn cầu. Pháp là đất nước ghi nhận số ca mắc cao nhất với hơn 603.000 ca, tăng 33% so với tuần trước đó và Ý với hơn 511.000 ca, tăng 50%. Nhiều quốc gia tại châu Á cũng ghi nhận số ca bệnh ngày một tăng cao như Ấn Độ (số ca mới tăng 21% so với tuần trước đó), Thái Lan (tăng 6%).

Đặc biệt, Việt Nam cũng đã ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng do biến thể BA.5 gây ra. Vậy chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tái bùng phát dịch bệnh?

Tất cả đã được giải đáp tại buổi tọa đàm trực tuyến của chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “COVID-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia: Người Việt cần làm gì để ngăn chặn?”. Chương trình được phát sóng trên fanpage của Soha.vn , Soha Sống vui - sống khỏe với sự tham gia của PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP HCM.

Kính mời quý độc giả đón xem chương trình:

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Việt Nam có nguy cơ đối diện với đợt bùng phát mới?

Hỏi: Số ca mắc COVID-19 tại nhiều quốc gia đang gia tăng. Theo PGS, đây có phải là dấu hiệu của một đợt bùng phát mới?

Đáp: Xét về mặt lý thuyết, chu kỳ dịch sẽ diễn ra sau mỗi 4 tháng. Do có miễn dịch cộng đồng nên số ca mắc sẽ giảm dần theo thời gian, có nghĩa là làn sóng dịch sau sẽ nhỏ hơn làn sóng dịch trước nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh.

Trên thực tế, gần đây tại khu vực châu Âu, số ca mắc COVID-19 gia tăng do biến thể mới BA.4, BA.5 với tốc độ lây lan nhanh chóng. Việt Nam cũng có thể đối mặt với các làn sóng dịch mới với quy mô nhỏ hơn so với các làn sóng dịch trước đây nếu chúng ta thực hiện tốt quy định phòng chống dịch. Dù vậy, đây vẫn là làn sóng dịch cần được theo dõi và quan tâm.

Hỏi: Đâu là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát này?

Đáp: Tác nhân gây ra đợt bùng phát dịch lần này là biến thể phụ BA.4, BA.5. Trong thời gian sắp tới, biến thể phụ BA.5 có thể gây bệnh ở Việt Nam nhiều hơn.

- Biến thể mới đột biến so với biến thể gốc khiến chúng có khả năng xâm nhập vào tế bào cơ thể dễ hơn và có khả năng lây lan nhanh hơn.

- Biến thể mới cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch, đặc biệt là lẩn tránh miễn dịch do kháng thể tạo ra.

- Hiệu quả vaccine giảm khi đối mặt với biến thể mới.

- Tâm lý xã hội: Sau một thời gian khi số ca mắc giảm, nhiều người có tâm lý chủ quan.

Hỏi: Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới, cộng với việc Việt Nam cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể BA.4, BA.5 trong cộng đồng, PGS có dự báo như thế nào về tình hình dịch COVID-19 trong thời gian sắp tới tại nước ta?

Đáp: Lượng kháng thể giảm dần theo thời gian, mỗi tháng giảm 10 - 20%. Do đó, sau 4 - 5 tháng, khả năng miễn dịch giảm đáng kể. Do đó, trong khoảng thời gian này, Việt Nam có khả năng đối mặt với một làn sóng dịch mới.

Tuỳ theo mức độ tiêm chủng của các quốc gia mà số ca mắc do biến thể mới gây ra cũng thay đổi từ 5 - 30% dựa trên tỷ lệ tiêm chủng cao hay thấp.

Do tỷ lệ tiêm chủng cho người dân ở Việt Nam tương đối cao nên theo tính toán, Việt Nam có thể đối mặt với làn sóng dịch nhỏ với số ca mắc khoảng 5% dân số. 

Hỏi: Gần đây, Sở y tế TP HCM cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch ở TP, PGS đánh giá thế nào về tình hình dịch tại đây?

Đáp: Tình hình dịch tại TP. HCM tương đối giống với các địa phương khác trong cả nước nhờ tỷ lệ phủ vaccine.

Ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát thế nào?

Hỏi: Thực tế cho thấy các biến thể xuất hiện sau đều có khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng mức độ gây bệnh lại không nặng bằng các biến thể ban đầu. Điều này có thể khiến nhiều người chủ quan, lơ là trong phòng chống COVID. Vậy, các biến thể mới có thực sự không đáng lo?

Đáp: Biến thể mới lây lan mạnh hơn biến thể cũ. Quan điểm cho rằng biến thể sau luôn luôn gây bệnh nhẹ hơn biến thể trước là quan điểm sai lầm. Bởi, thực tế đã chứng minh biến thể Alpha, Beta, Delta trước đó đều lây lan nhanh hơn và có khả năng gây bệnh nặng hơn so với biến chủng gây bệnh gốc ở Vũ Hán. Vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác và không nên lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Chuyên gia chỉ ra 3 điều người Việt cần làm ngay để ngăn chặn tái bùng phát COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Biến thể COVID-19 mới lây lan mạnh hơn biến thể cũ.

Hỏi: Ngành y của chúng ta đang đối mặt với một tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc. Điều này có ảnh hưởng như thế nào nếu dịch bệnh bùng phát trở lại?

Đáp: Có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đối mặt với đợt dịch mới trong tương lai, với tinh thần tích cực cống hiến cho xã hội, các bác sĩ và nhân viên y tế chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tham gia vào công cuộc chống dịch.

Hỏi: Theo PGS, hiện nay, người Việt chúng ta cần làm những gì để có thể ngăn chặn tái bùng phát COVID-19?

Đáp: Làn sóng dịch này có thể có quy mô nhỏ so với làn sóng dịch cũ nhưng cũng cần có sự quan tâm của toàn thể người dân. COVID-19 là một loại bệnh truyền nhiễm, do vậy bảo vệ sức khoẻ của bản thân cũng là bảo vệ sức khoẻ của những người xung quanh, và giúp phòng tránh lây nhiễm trong cộng đồng, hạn chế tình trạng quá tải cho bệnh viện và nhân viên y tế. Người dân cần thực hiện các biện pháp sau để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát:

- Tiêm đủ vaccine phòng bệnh: Tiêm mũi 3, 4 vaccine để nâng hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể mới. Vaccine là biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh và giảm nguy cơ bệnh trở nặng nếu lỡ mắc COVID-19.

- Đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, đặc biệt là khi có triệu chứng hoặc tiếp xúc với những người có triệu chứng mắc bệnh; Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với nhân viên y tế.

- Khi có triệu chứng, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm nhanh để xác định bản thân có nhiễm COVID-19 hay không. Nếu mắc, người bệnh cần cách ly nhanh để tránh lây lan cho mọi người và theo dõi triệu chứng đề nếu bệnh trở nặng cần nhập viện điều trị kịp thời. Một số đối tượng đặc thù có thể sử dụng thêm thuốc kháng virus.

Chuyên gia chỉ ra 3 điều người Việt cần làm ngay để ngăn chặn tái bùng phát COVID-19 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Vaccine là phương pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống COVID-19.

Hỏi: Vaccine là phương pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống COVID-19. Tuy nhiên, rất nhiều người nghĩ khi đã tiêm đến 3 mũi vaccine COVID-19 rồi, đã mắc COVID rồi thì không đáng ngại nữa? PGS nghĩ sao về điều này?

Đáp: Đây là một quan điểm sai lầm bởi:

- Người dân hoàn toàn có thể tái nhiễm COVID-19. Nếu lần 1 nhiễm biến thể Delta thì vẫn có thể mắc thêm biến thể mới như Omicron, BA.1, BA.2, BA.4, BA.5,...

- Tiêm vaccine mũi 1, 2, 3 đem lại hiệu quả bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19 tốt hơn. Đối với mũi 4, nhiều quốc gia đang cho phép người trên 30 tuổi tiêm mũi 4. Trong một nghiên cứu khoa học của Israel, sau 4 tháng, những người chỉ tiêm mũi 3 và không tiêm mũi 4 có khả năng trở nặng và tử vong cao gấp 3,5 - 4,5 lần so với người tiêm mũi 4.

Hỏi: Khẩu trang là một trong số những cách chủ động để phòng tránh lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người lơ là việc đeo khẩu trang. Vậy theo PGS, chúng ta cần bắt buộc đeo khẩu trang khi nào?

Đáp: Khẩu trang không chỉ giúp phòng tránh lây nhiễm COVID-19 mà còn phòng tránh nhiều bệnh lây qua đường hô hấp khác. Hiện không có quy định nào bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang mà chỉ khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang vào một số thời điểm nhất định như khi có triệu chứng, khi ra nơi công cộng, khi tiếp xúc với người có nguy cơ cao,...

Chuyên gia chỉ ra 3 điều người Việt cần làm ngay để ngăn chặn tái bùng phát COVID-19 - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Khẩu trang là một trong số những cách chủ động để phòng tránh lây nhiễm COVID-19.

Hỏi: Hiện nay chúng ta đang ở thời gian cao điểm của du lịch mùa hè. Chính điều này khiến chúng ta không tránh được tụ tập đông người. Vậy làm thế nào để đảm bảo các hoạt động du lịch diễn ra an toàn, thưa PGS?

Đáp: Để đảm bảo an toàn khi đi du lịch mùa hè, người dân cần:

- Hạn chế tụ tập ở những nơi đông người nếu có thể.

- Đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm bệnh.

- Tiêm vaccine.

Hỏi: Hiện nay, tại một số tỉnh phía nam, đặc biệt là TP HCM đang là cao điểm sốt xuất huyết, các cơ quan y tế đang lo ngại “dịch chồng dịch”. Vậy chúng ta cần làm gì để phân biệt COVID với sốt xuất huyết, phát hiện sớm bệnh để chủ động cách ly, điều trị?

Đáp: Khả năng “dịch chồng dịch” hoàn toàn có thể xảy ra do số ca mắc dịch sốt xuất tăng cao. Sốt xuất huyết và COVID-19 có một số triệu chứng giống nhau nhưng chúng ta có thể phân biệt bởi một số triệu chứng như sau:

- Sốt xuất huyết: Sốt kèm theo các dấu hiệu phát ban, xuất huyết nhẹ dưới da, hiện tượng cô đặc máu.

- COVID-19: Sốt kèm theo các dấu hiệu ở đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới như ho, sổ mũi, mệt mỏi.

Đối với trẻ em, cần cảnh giác với sốt xuất huyết hơn là COVID-19 do trẻ em có khả năng chuyển bệnh nặng hơn so với người lớn.

Còn đối với người cao tuổi, cần cảnh giác với COVID-19 hơn là sốt xuất huyết vì đây là nhóm đối tượng dễ trở nặng nếu mắc COVID-19. Nếu có triệu chứng người bệnh cần xét nghiệm nhanh để xác định bản thân có nhiễm bệnh hay không, sau đó tiến hành cách ly và điều trị kịp thời.

Trong những ngày đầu, cả COVID-19 và sốt xuất huyết đều chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ. Nếu sau 3 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh cần đến bệnh viện để tiến hành xét nghiệm và điều trị bệnh kịp thời.

Hỏi: Khi phát hiện bản thân mặc COVID trong giai đoạn này, nhiều người chủ quan không cách ly đủ số ngày khuyến cáo, thậm chí không khai báo với cơ sở y tế, điều này tiềm ẩn nguy hiểm gì?

Đáp: Điều này có thể gây ra lây nhiễm trong cộng đồng và khiến dịch bùng phát trở lại. Nếu dịch bùng phát trở lại có thể gây quá tải cho hệ thống y tế và ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn thể người dân.

Hỏi: Đâu là những triệu chứng COVID nặng cảnh báo cần nhập viện?

Đáp: Triệu chứng COVID-19 trở nặng:

- Giảm oxy máu: (SpO2 < 96%)

- Nhịp thở > 20 hoặc 22 lần/phút. Nhịp thở nhanh hơn cần nhập viện.

- Cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường như mệt mỏi kéo dài, sốt cao...

https://soha.vn/chuyen-gia-chi-ra-3-dieu-nguoi-viet-can-lam-ngay-de-ngan-chan-tai-bung-phat-covid-19-20220714163106252.htm
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày