Chùm ảnh nhói lòng: Học sinh vùng cao dựng lán giữa đồi bắt sóng, vừa học online vừa làm nương rẫy, nhặt củi, vác gỗ

Diệu Thu, Theo Tổ Quốc 00:02 15/04/2020

Điều kiện cơ sở vật chất luôn là một trong những khó khăn, trở ngại lớn đối với học sinh miền núi.

Diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, số ca nhiễm mới tăng lên mỗi ngày khiến cho cuộc sống có ít nhiều bị xáo trộn. Thời điểm này, với học sinh, sinh viên việc học trực tuyến dựa trên nền tảng Internet được coi là giải pháp tối ưu cho mùa dịch. 

Thực tế là khi học online, học sinh không trực tiếp đến trường vẫn có thể được thầy cô bù đắp những phần kiến thức thiếu hụt trong thời gian nghỉ học tránh dịch. Tuy nhiên với một số bạn học sinh trường PT Vùng Cao Việt Bắc đang cư trú tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, thì học trực tuyến quả là một điều khó khăn vì điều kiện cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng đầy đủ cho các bạn chuyên tâm học tập.

Ở miền núi mạng rất yếu, không phải lúc nào cũng có sóng, có wifi để tham gia học online. Trên các diễn đàn mạng xã hội gần đây xuất hiện biết bao câu chuyện học trò miền núi lên đồi dựng lán học online khiến nhiều người vô cùng khâm phục ngưỡng mộ. Các bạn ấy đã chủ động khắc phục khó khăn, tham gia học tập đầy đủ, thực hiện tốt chủ trương nghỉ học nhưng không dừng việc học.

Hoàng Thị Mỵ và Vàng Thị Xa là những tấm gương đáng ngưỡng mộ trong việc vượt khó, học tập trực tuyến tại nhà. Hàng ngày ngoài việc phụ giúp gia đình, hai bạn đã tranh thủ cả những khi lên nương làm rẫy, cũng mang theo sách vở để học tập.

Bạn Quang Thế Hà - cậu học trò dân tộc Thái hiện đang học lớp 10A10 tại trường PT Vùng Cao Việt Bắc đã tìm cách khắc phục hoàn cảnh. Để có thể tham gia lớp học trực tuyến cùng thầy cô như các bạn khác của trường mình, nam sinh đã tìm lên một đỉnh đồi cao ở cách xa nhà mình khoảng hơn 10 phút đi bộ tự mình dựng một lán nhỏ để làm nơi học, bởi vì chỉ ở đây mới có thể bắt được sóng Internet ổn định giúp bạn có thể nghe bài giảng của các thầy cô đầy đủ và rõ ràng nhất.

Vào những ngày nghỉ, Ly Giò Nu và Sùng A Sì lớp 12 vẫn đi làm nương, đi làm thuê hay đi đào măng, đào củ để đổi lấy tiền mua gạo. Nu và Sì sinh ra và lớn lên tại các xã bản khó khăn nhất của mảnh đất Lai Châu. Gia đình của cả hai bạn đều thuộc diện hộ nghèo trong xã. Để có thể học online theo thời khóa biểu của nhà trường, thậm chí mỗi buổi sáng, Sì phải đi sang ngọn đồi kế bên nương nhà bạn để bắt sóng 3G, những ngày nắng đã đành, ngày mưa lại còn vất vả hơn nữa, có hôm trời mưa to, không đi được, Sì đều nhờ thầy cô và bạn bè giảng giải lại để không bỏ lỡ mất buổi học.

Bạn Hảng Thị Lia – dân tộc Mông - học sinh lớp 10A3 K62– Trường PT Vùng Cao Việt Bắc, hiện tại bạn đang sinh sống tại thôn Kháo Chu – xã Bản Công – huyện Trạm Tấu – tỉnh Yên Bái. Nơi cô bạn sinh sống còn chưa có mạng lưới điện quốc gia mà phải dùng điện năng lượng nước nên phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều. Không có máy tính, không có tivi thì việc cập nhật, bổ sung kiến thức của Lia chủ yếu qua chiếc điện thoại nhỏ bé mà bạn phải chắt chiu dành dụm từ tiền học bổng để mua. Hằng ngày, ngoài việc phụ giúp bố mẹ, Lia tranh thủ thời gian để học tập, việc học tập còn theo cả Lia lên nương rẫy.

Lờ A Tính lớp trưởng lớp 12A14K60 của trường PT Vùng Cao Việt Bắc, là học sinh giỏi môn Vật Lí trong các kì thi HSG cấp tỉnh, Trại hè Hùng Vương, Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng đằng sau những thành tích học tập đáng ngưỡng mộ là cả một quá trình gian nan, nỗ lực không ngừng. Nhà của Lờ A Tính cách trung tâm huyện 30 km, vào mùa mưa đường xá đi lại vô cùng khó khăn bởi đoạn đường đất 8km từ quốc lộ lên đến bản. Hiện tại ở quê hương Tính vẫn chưa có điện lưới quốc gia, phải dùng đèn dầu, đèn pin, máy điện nhỏ. Vào kì nghỉ Tính thường giúp đỡ bố mẹ việc nương rẫy, vác củi, vác gỗ…thậm chí là đi làm phụ xây mới có tiền đỡ đần bố mẹ. Để có thể tham gia học trực tuyến cùng các bạn trong những ngày dịch bệnh Covid 19, Tính đã vượt qua quãng đường 30 km.

Nguồn: Fanpage Đoàn Trường PT Vùng Cao Việt Bắc