Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến

Nghiêm Huê, Theo Tiền Phong 15:11 13/04/2020

Những hình ảnh học sinh vượt khó học trực tuyến vừa được Đoàn trường Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc chia sẻ đã mang lại cảm giác ấm áp, xúc động với bất cứ ai.

Gia đình Vang có 4 anh chị em, mẹ không biết chữ, gia đình kinh tế khó khăn, xã em ở thuộc vùng không có sóng wifi, mạng 3G chập chờn. Để đảm bảo cho việc học trực tuyến, em đã mang theo gạo và thực phẩm ra huyện cách 14km để trọ học. Đường xa và khó đi nên em ở trọ 3 hoặc 4 ngày mới về nhà. Còn những hôm nhà nhiều việc, em phải đi làm giúp đỡ bố mẹ nên em phải nghỉ học.

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 1.

Sùng A Vang, học sinh lớp 11A10, người dân tộc H'Mông, đến từ Tà Đằng - Xà Hồ - Trạm Tấu - Yên Bái

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 2.

Xồng Bá Chia, học sinh lớp 12A6.

Chòi ngô - nơi các đồng bào dân tộc sử dụng là nơi canh nương rẫy, nơi chứa ngô lúa sau khi thu hoạch. Với kích thước chưa đầy 4 mét vuông, chật chội, chứa đầy nông sản, chòi ngô lại là nơi nuôi dưỡng khát khao được học giữa mùa COVID-19 của cậu học trò Xồng Bá Chia, học sinh lớp 12A6.

Chia là một trong những bạn có hoàn cảnh đặc biệt của lớp 12A6. Em là người dân tộc Mông, sinh sống tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An – một vùng còn nhiều khó khăn, mạng Internet còn thiếu thốn, chập chờn.

Trong dịp nghỉ ở nhà tránh dịch, Chia vừa giúp đỡ bố mẹ việc nương, vừa làm thuê trong bản, lại tranh thủ học.

Ở nhà Chia, sóng di động rất yếu nhưng không vì thế mà Chia nản chí. Để có thể bắt được mạng 3G, Chia phải lên nương cách nhà vài cây số, học tại chòi ngô, không gian chật chội, lại không có điện, chỉ nhờ vào chút ánh sáng qua khe gỗ để học bài, hết giờ học bạn lại tiếp tục giúp bố mẹ làm nương.

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 3.

Hoàng Thị Mỵ, lớp 11A4, người dân tộc H'Mông, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng.

Mỵ là một học sinh giỏi và luôn chăm chỉ học tập. Gia đình gồm 4 anh chị em, Mỵ lại là chị cả trong gia đình nên đợt nghỉ dịch dài ngày ở nhà Mỵ luôn tranh thủ giúp đỡ bố mẹ làm nương rẫy. Hằng ngày, em lên nương từ sớm, thời gian Mỵ dành để nghiên cứu bài vở là khi về đêm.

Việc học trực tuyến theo thời khóa biểu của nhà trường vô cùng khó. Thế nhưng, với ý chí và tinh thần ham học Mỵ đã phải phải tranh thủ thời gian vừa làm nương, vừa nghe thầy cô giảng bài.

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 4.

Sùng A Sì, học sinh lớp 12A8, dân tộc H'Mông ở Mường Tè, Lai Châu. Hàng ngày để học trực tuyến em phải sang ngọn đồi cách nhà em khá xa để bắt sóng wifi.

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 5.

Vàng Thị Xa, lớp 11A4 cũng vừa tranh thủ làm nương vừa học trực tuyến.

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 6.

Học sinh Giò Thị Nu, lớp 12A8 đang học bài trực tuyến trong những ngày nghỉ.

Học sinh vùng cao Việt Bắc kê cuốc ngồi giữa nương ngô học trực tuyến - Ảnh 7.

Bạn Hảng Thị Lia – dân tộc Mông - học sinh lớp 10A3 K62– Trường PT Vùng Cao Việt Bắc, hiện tại bạn đang sinh sống tại thôn Kháo Chu – xã Bản Công – huyện Trạm Tấu – tỉnh Yên Bái cũng đang tranh thủ học bài.

Chia sẻ với Tiền Phong, cô Trần Thị Thanh Huệ, bí thư Đoàn Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, cho biết học sinh của trường đến từ gần 30 tỉnh miền núi phía Bắc. Nên rất nhiều em ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Theo ước tính, mỗi lớp của trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có khoảng 10 em có hoàn cảnh như vậy. Do đó, khi triển khai học trực tuyến, các em thực sự gặp rất nhiều khó khăn như nhiều địa phương sóng wifi yếu, chưa có mạng internet hay thậm chí chưa có điện.

Chính vì vậy, nhà trường cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ cho các em. Như với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trường đã hỗ trợ các em gói cước điện thoại trị giá 200.000đ/học sinh để các em có điều kiện học trực tuyến.

Ngoài ra, thầy cô trong trường tìm mọi cách để liên lạc với học sinh. Khi đã liên lạc được thì sẽ hướng dẫn để các em học bằng cách khác như xem lại video, chat với thầy cô để hỏi bài… Hình thức học trực tuyến cũng rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng học sinh.

Tuy vậy, cô Huệ cũng thừa nhận dù đã cố gắng nhưng vẫn còn một số học sinh cho đến giờ các thầy cô chưa liên lạc được với các em.

(Ảnh: Đoàn trường Phổ thông Việt Bắc)