Charlie Nguyễn: "Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi!"

Phúc Du - Paul (ghi)/ Ảnh: Hòa Trần, Theo Helino 14:12 01/12/2018

Đạo diễn Charlie Nguyễn vừa có những chia sẻ về công việc, niềm đam mê và tình yêu của anh dành cho điện ảnh Việt.

Giờ đây, đạo diễn Charlie Nguyễn nhìn nhận sự thất bại của Fan Cuồng một cách nhẹ nhõm, cứ như anh đã dằn vặt với điều này nhiều đêm và cuối cùng cũng vượt qua nó, để nhìn lại Fan Cuồng một cách dễ dàng, bình thản.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 1.

Giống như một ly cà phê, bạn chỉ có thể điều chỉnh nó khi nó còn ở bên trong quầy pha chế, còn khi nó đã ra với khách hàng thì nó thành cà phê của khách rồi.

Anh chia sẻ về câu chuyện về đam mê điện ảnh của mình một cách nhiệt tình và chân thành, hệt như cái cách anh nói về câu chuyện của những người khác. Như thể anh sẽ không nói được như vậy nếu không thật lòng yêu quý họ.

Đối với anh, làm phim khá là đơn giản. Ta chỉ phải đi học những cái chúng ta chưa biết, và khi đã biết làm rồi thì luôn phải vượt qua những gì mà chúng ta chưa làm được. Xuyên suốt buổi nói chuyện, anh ít khi gọi làm phim là "Đam mê" mà anh luôn xem làm phim là chặng đường dài mãi mãi anh đi để chinh phục những khuyết điểm và thiếu sót của chính mình.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 2.

Phim Chàng Vợ Của Em được đánh giá là cuộc trở lại ngoạn mục của anh, bản thân anh có nghĩ vậy không?

Không, tôi không nghĩ vậy. Tôi chỉ là làm tiếp công việc của tôi thôi. Mọi người cứ nói đó là sự trở lại, nhưng mà tôi có đi đâu đâu? Trong đời tôi cũng làm nhiều phim dở rồi chứ có phải mới đây làm Fan Cuồng đâu. Thật sự với tôi Fan Cuồng cũng không phải là quá thất bại, vì nó cho tôi nhiều bài học. Đối với Fan Cuồng, khán giả cho rằng đó là thất bại, nhưng đối với tôi đó là một quá trình. Trong sự nghiệp làm phim sẽ phải có những thăng trầm, và ở mỗi chỗ, mỗi dự án mình lại học cái mới. Và tôi chỉ là quên đi dự án đó và tiếp tục làm dự án khách. Tôi chưa bao giờ có ý định dừng lại hay có ý định ngừng làm phim, nên tôi không phải là đã đi đâu, hay "trở lại" hay "lấy lại phong độ" gì cả.

Anh có cho rằng những mỹ từ mà mọi người đặt cho anh như "Tứ Hoàng", "Ông hoàng phòng vé"… là áp lực đặt lên anh hay là động lực cho anh làm việc không?

Lần đầu được nghe những cái mỹ từ đó thì tôi thấy chúng chỉ có nghĩa như một chút phần thưởng tinh thần, sự yêu mến của khán giả. Tôi đã kể nên được những câu chuyện mà nhiều người muốn nghe thì đó coi như là phần thưởng cho tôi.

Còn về áp lực, thì trong làm phim, áp lực không đến từ những điều như vậy đâu. Có thể có đó, nhưng mà rất ít thôi. Đối với tôi áp lực đến từ những gì mà mình vẫn chưa làm được. Qua mỗi bộ phim tôi đều thấy rõ những điều mình chưa làm được, tôi canh cánh rằng tại sao mình vẫn chưa làm được? Và cố gắng làm nó trong phim tiếp theo. Nhưng lại xuất hiện thêm vài điều mà tôi chưa làm được. Đó mới chính là áp lực mà tôi đặt ra cho chính mình và bây giờ nó đang áp lên tôi.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 3.
Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 4.

Phim "Em Chưa 18" giống như một cú nổ khẳng định tên tuổi của anh. Vậy đối với anh, ở "Em Chưa 18" có gì là anh chưa làm được không?

Có nhiều cái mà tôi chưa làm được trong phim đó lắm. Bởi vì đó là lần đầu tôi làm sản xuất và vai trò hỗ trợ đạo diễn. Nên tôi phải đội một cái "nón" khác (Nhìn vấn đề theo cách khác) và đặt trách nhiệm vào chỗ khác. Lần đầu dĩ nhiên phải có sơ sót, phim thắng chắc chỉ là do may mắn, nên nếu nói vì phim thắng mà tôi không có điều gì tiếc nuối là không đúng đâu. Em chưa 18 thắng lớn là do nhiều yếu tố cộng hưởng với nhau. Chứ không phải chỉ mình tôi.

Hiện tại, anh đang làm sản xuất cho "Hồn Papa, Da Con Gái". Vậy những điều mà anh chưa làm được đó có khi nào đã không còn nữa không?

Vẫn có những điều tôi không làm được chứ! Những cái mà tôi thấy người ta làm được, những người quá giỏi và làm việc quá tốt. Khiến tôi ngưỡng mộ trí thông minh và sự sáng tạo của họ, cách mà họ làm việc ở đẳng cấp quá cao. Tôi muốn đạt được như vậy nhưng lúc làm thì tôi lại chưa với tới được. Vì tôi chưa có đủ khả năng, điều kiện và thời gian, nghị lực. Nhìn chung, cho dù đứng ở vị trí nào thì tôi cũng còn rất nhiều thiếu sót chưa khắc phục được.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 5.

Nếu đẳng cấp mà anh muốn hướng tới là 100 điểm thì bây giờ anh đã đạt được bao nhiêu điểm?

Tôi còn chưa đi được nửa đường nữa. Nhưng thời gian mà tôi có sắp hết rồi (Cười!). Nên chắc là sẽ không với tới được đâu.

Nhưng để mà đạt được con số 100 hoàn hảo, thì trong nghệ thuật không có sự hoàn hảo đó. Không có sự hoàn hảo nói chung. Nhưng con đường mà chúng ta đi để đạt được sự hoàn hảo đó mới tạo nên sự hào hứng, hứng thú trong nghề. Còn vấn đề mà nói đến 100 điểm hoàn hảo thì sẽ không bao giờ đạt được. Ngay cả những thiên tài Hollywood còn chưa chắc đạt được 100 hoàn hảo đó. Tôi chỉ có thể rút những lỗi sai sót từ những bộ phim mình làm ra. Những gì mà mọi người chỉ trích, đối với tôi chỉ là 10% những gì mà tôi chưa đạt được thôi. Những điều mà tôi nghĩ mình phải cố gắng hoàn thiện sau mỗi phim còn nhiều hơn những chỉ trích đó nhiều.

Nhưng đó mới là cái làm cho niềm đam mê của tôi trở nên mãnh liệt. Vì tôi luôn phải tìm cách khắc phục những lỗi lầm của mình.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 6.

Anh và Thái Hòa luôn như một cặp bài trùng. Có khi nào anh nghĩ sẽ tách ra khỏi Thái Hòa để có một cú hit khác không?

Không tôi không nghĩ vậy. Chuyện gì tới thì nó tới thôi. Thực ra thì chuyện đó đã xảy ra rồi, đối với phim Bụi Đời Chợ Lớn nè, Em Chưa 18 cũng đâu có Thái Hòa tham gia. Điều đó phải tùy dự án thôi chứ chúng tôi không bắt buộc phải đi cùng nhau. Dự án nào hợp thì gọi nhau còn không thì thôi. Vì hầu như ngày nào cũng gặp nhau, đi xem phim cùng nhau rồi tối về lại cùng nhau Facetime để bàn bạc về phim, về kịch bản.

Chúng tôi vẫn thảo luận công việc với nhau. Mỗi khi một trong hai đứa nghĩ ra một câu chuyện nào đó hay hoặc có thể phát triển được là chúng tôi lại gọi cho nhau, chia sẻ cho nhau. Mọi thứ giữa hai chúng tôi rất tự nhiên và chưa bao giờ bị đặt nặng là phải đi theo cặp hay bắt buộc phải làm phim cùng nhau cả.

Trong dự án tiếp theo anh có ý định tiếp tục ở vị trí sản xuất hay trở về vị trí đạo diễn?

Hiện giờ thì chúng tôi có hai dự án. Nếu dự án của đạo diễn Lê Thanh Sơn bắt đầu trước thì tôi sẽ ngồi làm sản xuất còn không thì tôi sẽ lại ngồi vào ghế đạo diễn nếu có dự án nào đủ điều kiện để thực hiện. Tôi cứ để cái nào đến trước thì làm thôi chứ không phải lên kế hoạch gì cả.

Vì sao anh lại chọn phim Chàng Vợ Của Em để trở lại làm đạo diễn sau hai năm chỉ làm sản xuất?

Hai năm vừa rồi vì tôi tập trung làm sản xuất cho Em Chưa 18 nên tôi không có thời gian để làm đạo diễn cho dự án nào khác. Đối với Em Chưa 18, tôi không chỉ làm sản xuất mà còn làm đồng đạo diễn. Em Chưa 18 ngốn hết của tôi quỹ thời gian để tham gia vào mọi công đoạn, nên tôi không còn thời gian để nhận dự án khác. Vì vậy nên tôi mới không có dự án nào làm đạo diễn nữa. Cho nên mọi người mới hiểu lầm rằng tôi không thể làm phim nữa sau Fan Cuồng.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 7.

Cảm giác làm ra được một sản phẩm lay động được khán giả về cảm xúc và ý nghĩa rất là "đã".

Hiện tại anh muốn làm đạo diễn hơn hay muốn ở luôn vị trí sản xuất?

Tôi muốn làm cả hai vì cả hai đều mang lại cho tôi những niềm vui khác nhau. Với đạo diễn thì tôi được kể câu chuyện của tôi theo ý của tôi. Tôi có quyền quyết định gần như hoàn toàn dự án ở khía cạnh nghệ thuật và sáng tạo. Cảm giác làm ra được một sản phẩm lay động được khán giả về cảm xúc và ý nghĩa rất là "đã".

Nhưng sau khi tôi làm đạo diễn thì tôi nhận rằng mình rất cần một đội ngũ sản xuất đứng bên cạnh và hỗ trợ. Tôi sẽ không thể làm một bộ phim hay nếu không có một đội ngũ tốt đứng bên cạnh hỗ trợ. Tôi luôn ước rằng sẽ có một nhà sản xuất nào đó có thể hỗ trợ tôi ở cả mảng sáng tạo, nghệ thuật. Sau khi tôi nhận ra điều này thì tôi muốn là người có thể làm được những điều đó, cho các đạo diễn khác.

Đó mới là động cơ mà tôi muốn trở thành nhà sản xuất, không phải vì những dự án có tiềm lực kinh tế. Vì tôi cho rằng nếu một nhà sản xuất có thể hỗ trợ cho đạo diễn cả ở mặt sáng tạo, thì mối quan hệ tương hỗ đó sẽ tạo ra những bộ phim rất hay. Minh chứng đó là Em Chưa 18 và sau đó sẽ là Hồn Papa, Da Con Gái. Từ từ khán giả sẽ nhận ra đó là vị trí tôi đảm nhận thật ra gọi là Creative Producer (Nhà Sản Xuất Sáng Tạo) chứ không phải chỉ đơn thuần là nhà sản xuất.

Theo anh, thành công của Chàng Vợ Của Em có bao nhiêu phần trăm là đến từ kịch bản?

Đọc kịch bản thì tôi thấy đây là một kịch bản rất thú vị. Điểm thú vị ở đây là nó không đi theo con đường truyền thống của kịch bản. Nó có những bố cục cấu trúc khá mới lạ so với khán giả. Và cái "tứ" ở đây, đó là tình huống hai người yêu nhau mà chưa hề gặp nhau, đó là khá thú vị. Tuy nhiên tôi đã phải ngồi viết lại hết kịch bản từ đầu tới cuối.

Vì những nhân vật trong kịch bản không thể đặt vào bối cảnh Việt Nam. Ví dụ như nhân vật Hùng trong bản gốc lại là một anh chàng thủy quân lục chiến, không phải là một anh chàng cù lần như ở bản Việt Nam. Nhân vật cô em gái, Trúc cũng chỉ xuất hiện trong một vài phân đoạn đầu rồi biến mất chứ không có đường dây câu chuyện riêng cho hai anh em. Một vài tuyến nhân vật khá thú vị nhưng đã không được phát triển. Công bằng mà nói thì quyển sách đã đóng vai trò nhất định trong sự thành công của phim. Việc của tôi chỉ là đọc lại kịch bản Hàn Quốc, bản gốc quyển sách và kết hợp giữa cái "tứ" trong sách và kết hợp với cái gọn gàng của kịch bản để cho ra câu chuyện bản Việt. Tôi không thể nói yếu tố nào đóng vai trò lớn hơn nhưng chỉ có thể nói là tất cả các yếu tố tôi vừa kể ra đều đóng vai trò quan trọng trong thành công của kịch bản.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 8.

Anh được công chúng thừa là nhà một nhà làm phim thông minh, hiện đại, chuyên nghiệp. Trong thời mà phim thắng doanh thu không có nghĩa là phim có chất lượng. Anh có nghĩ rằng sự "hiện đại" của mình có hơi tốn kém không khi mình là đạo diễn có kinh phí khá cao?

Khi mình làm phim, mình phải luôn vượt qua những gì mình chưa làm được. Và có nghĩa là dự án tiếp theo là phải vượt qua những dự án đó. Chứ tôi không so sánh rằng so với người khác mình tốn tiền hơn hay không? Đối với tôi, điều quan trọng chỉ là khi tôi có vượt qua được những gì mình chưa làm được hay không?

Một phim sau khi công chiếu, nó không còn là của tôi nữa. Vì lúc đó tôi không thể cắt xén hay điều chỉnh dự án đó của mình được nữa. Giống như một ly cà phê, bạn chỉ có thể điều chỉnh nó khi nó còn ở bên trong quầy pha chế, còn khi nó đã ra với khách hàng thì nó thành cà phê của khách rồi. Điều mà tôi có thể làm chỉ có thể là tìm cách làm một ly cà phê ngon hơn sau đó mà thôi. Ly cà phê của tôi rời khỏi tôi và đến với rạp phim là vào khoảng 2 tuần trước khi phim công chiếu. Lúc đó, đối với tôi mọi thứ đã xong rồi, tôi không thể làm gì nữa ngoài việc rút kinh nghiệm và tiếp tục với dự án tiếp theo mà thôi!

Đối với anh, cơ hội thành công của những phim kinh phí thấp nhưng chất lượng tốt có cao không?

Sự thành công của một phim không phụ thuộc vào yếu tố nó được đầu tư kinh phí cao hay thấp. Mà nó phụ thuộc vào câu chuyện. Nhưng đó không phải là lí do cho người ta đổ xô đi làm phim với kinh phí thấp rồi lấy lí do là trên thế giới có quá nhiều trường hợp thành công với phim kinh phí thấp thì trường hợp nào cũng vậy. Đó là sai! Kinh phí cao hay thấp không phải nền tảng làm nên bộ phim, mà nền tảng ở đây là chúng ta có một câu chuyện tốt và có đủ kinh phí để thực hiện nó. Đó mới quan trọng. Giống như câu chuyện của Chàng Vợ Của Em, kinh phí đặt ra là 15 tỷ nhưng mình biết 15 tỷ là không thể đủ. Nhưng một khi mình được mời thì mình chỉ cố gắng hết sức thôi nhưng đó là kinh phí thấp để làm phim.

Thất bại sẽ xảy ra nếu người làm phim dùng một số tiền quá thấp hoặc quá cao so với những gì kịch bản và câu chuyện đòi hỏi.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 9.

Hiện tại khán giả vẫn xem Em Chưa 18 là một hiện tượng, một câu chủ đề tốt để bàn tán. Vậy là với danh nghĩa nhà sản xuất, thì anh có gì muốn nói xung quanh phim đó không?

Nó là một hiện tượng, và là một hiện tượng sẽ khó lặp lại. Hồi xưa, khi Tèo Em được doanh thu 84 tỷ, thì lúc đó có thể nói đó là hiện tượng. Sau này 84 tỷ lại trở thành điều bình thường đối với doanh thu phim, thì không thể coi Tèo Em là hiện tượng nữa. Cho đến khi em Chưa 18 đạt tới hơn 170 tỷ thì đó mới là cái gọi là hiện tượng, và khi mà phim Việt tiếp tục có thêm nhiều dự án đạt doanh thu 170 tỷ thì Em Chưa 18 sẽ không còn được gọi là hiện tượng nữa.

Nhưng tôi không cho rằng Hồn Papa, Da Con Gái sẽ là hiện tượng. Nó sẽ chỉ là một phim giải trí thú vị, được thực hiện một cách chỉn chu dành cho người xem mà thôi. Vì ở Em Chưa 18 có nhiều cái khác. Có rất nhiều cái "lần đầu" để tạo nên một hiện tượng. Kaity Nguyễn lần đầu đóng phim, Kiều Minh Tuấn lần đầu đóng vai chính, tôi thì lần đầu làm sản xuất. Một khi phim có quá nhiều yếu tố "lặp lại", khán giả đã quen mặt rồi thì khó lắm.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 10.

Mọi người cho rằng Em Chưa 18 chỉ là một sự "diễn lại chính mình" của Kaity trên màn ảnh.

Anh có tự tin rằng câu chuyện của Hồn Papa, Da Con Gái sẽ tạo nên một thành công so với các phim mới đây của anh không?

Hồi làm Em Chưa 18, mình chỉ có cảm giác là phim sẽ rất ăn khác. Nhưng lúc đó mọi nhà sản xuất, phát hành phim đều từ chối tôi. Lúc đó mọi người đều cho rằng làm phim phải có diễn viên có khả năng để bán vé. Nhưng tôi không đồng ý, làm phim để ăn khách là phải có câu chuyện tốt. Nhưng sau đó Em Chưa 18 đã minh chứng là tôi đúng. Sau đó, phim Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè của Phương Anh Đào cũng rất ăn khách mà không cần phải có dàn diễn viên quá nổi.

Sau những minh chứng đó tôi thấy rất vui vì suy nghĩ của giới làm phim đã thay đổi. Đó là để có phim hay không nhất thiết là phải có diễn viên nổi tiếng.

Theo anh tự đánh giá thì "Hồn Papa, Da Con Gái" sẽ truyền cảm hứng cho khán giả như thế nào?

Hồn Papa, Da Con Gái là một phim có nhiều sự đặc biệt. Nó đặc biệt ở phong cách làm phim của đạo diễn, ở câu chuyện và diễn xuất của Kaity Nguyễn. Sau Em Chưa 18, Kaity đã nhận được khá nhiều lời mời từ rất nhiều phim nhưng Kaity đều từ chối hết. Nhiều dự án cô bé đều hỏi ý kiến của tôi.

Tôi nói với Kaity, sau Em Chưa 18, lần xuất hiện tiếp theo của Kaity phải đáp ứng được sự trông đợi, yêu quý của khán giả dành cho. Và Kaity không thể làm điều đó một mình mà phải có sự hỗ trợ của một ê kíp, một câu chuyện và kịch bản tốt. Kaity đã luôn cân nhắc và đợi suốt thời gian dài để gặp Hồn Papa, Da Con Gái.

Tôi vừa được xem bản nháp của phim này. Phim rất đáng yêu và rất sáng. Cả hai cha con Kaity Nguyễn và Thái Hòa đều sáng bừng. Một điều rất hiếm gặp đó là mỗi lần có diễn viên đóng cùng với Thái Hòa đều rất dễ bị anh làm lu mờ. Nhưng đối với Hồn Papa, Da Con Gái, thì đây là lần đầu tiên tôi thấy Thái Hòa gặp đối thủ có thể tỏa sáng ngang tài với mình. Không bàn đến kinh nghiệm, mà nói tới cái tài năng thiên phú, khả năng diễn xuất trời cho khiến Kaity Nguyễn không những tỏa sáng ngang bằng mà đôi khi còn sáng chói hơn cả Thái Hòa nữa.

Mọi người cho rằng Em Chưa 18 chỉ là một sự "diễn lại chính mình" của Kaity trên màn ảnh. Nhưng khi đến Hồn Papa, Da Con Gái; khán giả sẽ thấy rõ rằng Kaity thực sự là một diễn viên cực kỳ tài giỏi. Đích thân Thái Hòa đã nói với tôi rằng Kaity thể hiện vai diễn quá tốt.

Sau này khi xem phim, các bạn sẽ thấy, một Kaity Nguyễn bước ra từ Em Chưa 18 và không hề làm khán giả thất vọng.

Charlie Nguyễn: Phim khi đã ra rạp thì không còn là của tôi nữa, mà nó là của khán giả rồi! - Ảnh 11.

Anh có ý định cho một Em Chưa 18 thứ hai không?

Hiện tại tôi đang phát triển và lên ý định nên chưa thể tính toán và có thông tin rõ ràng được. Tôi chỉ có thể tiết lộ rằng dàn nhân vật cũ được giữ lại rất nhiều.

Hồn Papa, Da Con Gái sẽ để lại một thông điệp truyền cảm hứng rõ ràng nhất cho khán giả?

Khán giả sẽ nhận thấy một thông điệp truyền cảm hứng được thể hiện rất rõ ràng trên phim. Rõ đến mức nó được viết sẵn lên bảng cho khán giả đọc luôn. Hãy chờ đến khi phim ra rạp để biết rõ hơn nhé!

Cám ơn anh đã chia sẻ và hi vọng Hồn Papa, Da Con Gái sẽ tiếp tục là một cú nổ mới trong tháng 12 sắp tới!

Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards 2018 do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1. Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/ .