Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 11:20 06/04/2017
Chia sẻ

Với câu chuyện mộc mạc về tình phụ tử, "Cha Cõng Con" thực sự là một trải nghiệm điện ảnh rất khác lạ ở thời điểm hiện tại.

Cha Cõng Con được chính đạo diễn Lương Đình Dũng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của mình phát hành năm 1995. Nhưng dự án được thai nghén đến tận 10 năm mới có thể ra mắt khán giả. Là một phim độc lập đậm tính nghệ thuật cùng câu chuyện không hướng đến thị trường hay khán giả trẻ, nhưng Cha Cõng Con vẫn được đầu tư lên đến 18 tỉ đồng - một con số vô cùng nguy hiểm.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 1.

Câu chuyện của ước mơ và tình phụ tử

Chuyện phim là chuyến hành trình tìm đến ước mơ của hai cha con vùng sơn cước. Bé Cá (cháu Tấn) sống cùng người cha tên Mộc (Ngô Thế Quân) trong một căn nhà tạm bợ giữa núi rừng hùng vĩ. Mộc đánh cá đổi lấy tiền sinh hoạt, Cá ngây thơ chơi đùa với những thứ xung quanh như một điều vốn dĩ từ lúc sinh ra. Chỉ đến khi lũ về, lúc các gia đình kéo nhau lên vùng cao hơn để lánh nạn thì Cá mới được gặp và chơi đùa với những bạn bè đồng trang lứa.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 2.

Năm đó, mùa lũ đến sớm. Cá và bố lên cao tránh lũ như mọi khi. Nhưng mùa lũ năm đó có dư vị thật khác khi mà Cá và các bạn say sưa trong những câu chuyện về thành phố, về "toà nhà của tương lai" cao chọc trời mà chú mù (VĐV Hà Văn Hiếu) đã kể. Cá cũng như các bạn, được mong một lần đặt chân lên toà nhà ấy, được tìm đến "tổ" của những con "chim sắt" đôi khi bay xẹt qua bầu trời.

Cho đến ngày Cá bất ngờ mắc bệnh hiểm nghèo, Mộc hối hả cõng con lên thành phố chữa bệnh. Và rồi chuyến hành trình bị ám mùi đồng tiền, chết chóc nhưng cũng thật đong đầy ước mơ của con bắt đầu trong những cảm xúc lặng lẽ.

Đẹp như thơ, trong như màu trời miền núi

Điểm mạnh nhất của Cha Cõng Con chính là kịch bản và cấu tứ của cốt truyện. Ở phần đầu, khán giả mặc sức thả mình trôi mênh mang trong không khí mộc mạc của vùng rừng núi khắc nghiệt. Ở nơi mà trẻ con chỉ có thể tự chơi với chính mình, bầu bạn với cá, với gà. Ở nơi mà người cha gom tiền đánh cá để mua cho con trai chiếc áo len 30 nghìn để dành đến Tết có áo mới mà mặc. Ở nơi mà dấu ấn của công nghệ tuyệt nhiên chưa chạm đến cuộc sống của con người. Nhưng chẳng ai cảm thấy khốn khó hay khổ sở, bởi đó chính là cuộc đời mà họ được ban cho.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 4.

Không khí vùng sơn cước được thể hiện rất chân thực bằng những hình ảnh và âm thanh khốc liệt của thiên tai, của cảnh những người tị nạn chia nhau mâm cơm nóng trong ngôi nhà sàn, nhưng đó cũng chính là nếp sống của người dân nơi ấy. Họ chạy lũ hằng năm người thành thị mặc áo khi mùa mưa đến, như một quy luật lặp đi lặp lại mà chẳng ai mảy may than thở. Nhất là bọn con nít, vì cứ khi có lũ là chúng lại được gặp nhau trên căn nhà tập thể như trại hè. Còn nhóm người lớn cũng có dịp hội ngộ để trò chuyện, hay tìm cho nhau những ân tình mới. Đến khi hết lũ, ai lại về nhà nấy, lo cho cuộc mưu sinh của bản thân.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 5.

Nửa đầu phim thực sự giống như một áng thơ tuyệt đẹp về sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên, về sự lạc quan của những cuộc sống không đủ đầy. Giống như một chiếc phễu lọc hết những phần cặn ồn ào, xa hoa của thế giới hiện đại, Cha Cõng Con giữ lại trong tâm trí khán giả cái không khí trong lành và tinh khiết của những vẻ đẹp cuộc sống thật bình dị.

Đến khi bộ phim chuyển sang tông màu bi kịch, u tối hơn theo chuyến hành trình tìm đến thành thị của gia đình nhà Cá, cảm xúc của khán giả cũng dần dần bị đẩy đến những thổn thức. Sự thay đổi giữa khung cảnh núi rừng mờ ảo trong sương với ánh đèn nhoè nhoẹt ở thành phố giống như một cánh cửa, mà tất cả khán giả đều cảm nhận được nếu bước qua đó mọi thứ sẽ đổi thay. Cậu bé Cá năng động ngày nào phải mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo mà người bố không thể đếm nổi mình phải đánh được bao nhiêu con cá mới đủ tiền chạy chữa. Nhưng sự lạc quan của Cá không bao giờ mất đi. Trong ánh đèn u ám của phòng bệnh, Cá vẫn nhìn về hướng "toà nhà tương lai" mà chú mù đã kể, mong mình mau khỏi bệnh để còn được lên đó ngắm mây.

Những cảm xúc được tiết chế như cuộc đời bình lặng của Mộc và Cá

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 6.

Bộ phim cân bằng rất tốt nhịp độ cũng như cảm xúc. Niềm vui hay nỗi buồn đều chỉ phơn phớt trên môi, trên mắt nhưng lắng lại rất lâu. Cả những phân đoạn bi kịch nhất đều được đạo diễn giữ ở mức vừa phải, không lên gân, cốt là để cảm xúc được chuyển nhịp thật tự nhiên. Nhưng đây cũng là một điểm yếu khi mà cảm xúc chưa được đẩy lên tận cùng. Nhịp phim đều đặn cùng những khung hình lặp lại khá lâu dễ gây ra nhàm chán trong câu chuyện đã bị triệt đi nút thắt lẫn những cao trào.

Tuy nhiên, có lẽ đây lại là chủ đích của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng như biên kịch Bùi Kim Quy khi cố tình rót vào tâm trí người xem từng dòng cảm xúc nhẹ nhàng và tinh khiết nhất. Thậm chí là những mất mát, những bất lực của nhân vật cũng thật nhẹ nhàng thay vì bi luỵ hay gào khóc.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 7.

Hay như cách đạo diễn chọn những khung cảnh nhập nhằng giữa Hà Nội và Sài Gòn, tất cả đều là cố ý xoá đi cái cảm giác khác biệt về địa lý hay không gian. Thế giới của bộ phim được tối giản chỉ còn lại giữa vùng núi và thành thị, giữa thực tại và ước mơ, giữa cha và con.

Diễn viên không chuyên và những cảm xúc chân thực

Việc chọn lựa những diễn viên không chuyên cũng là một quyết định táo bạo nhưng sáng suốt. Bé Tấn là một thành viên của làng trẻ SOS nên sự chân chất và ngây thơ trên gương mặt cực kì chân thật, Ngô Thế Quân sau Thời Xa Vắng cũng đã giã từ điện ảnh nhưng cách diễn lẫn giọng nói của anh lại rất hợp vai, Hà Văn Hiếu chỉ là vận động viên nên tận dụng được lợi thế về hình thể khi hoá thành nhân vật chú mù mang theo những câu chuyện mộng mơ.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 8.

Bé Tấn và Ngô Thế Quân

Đặc biệt, trong phần sau câu chuyện diễn ra ở bệnh viện, lối diễn mộc mạc của Ngô Thế Quân cực kì có lợi thế, giúp nhân vật thăng hoa. Chi tiết anh nhờ cô nhân viên bệnh viện tính dùm số cá phải đánh để trả tiền viện phí cực kì đắt giá, cân bằng hoàn hảo giữa sự lạc quan và nỗi chua chát mà cuộc đời xô vào họ.

Hình ảnh, âm nhạc duy mỹ

Hình ảnh của phim cũng là một lợi thế. Phong cảnh vùng thung lũng miền Bắc hiện lên vừa chân thật mà cũng đẹp mênh mông trong mây trắng, núi cao và những dòng sông uốn lượn. Đạo diễn Lương Đình Dũng cùng ekip quyết định quay cảnh lũ trong mùa lũ nên việc ghi hình đã phải kéo dài thêm 2 năm so với dự kiến vì điều kiện khắc nghiệt. Nhưng đổi lại, Cha Cõng Con đã có những khuôn hình đẹp chân thực như những cuốn phim tài liệu.

Đặc biệt, hình ảnh "cha cõng con" trong phim được khai thác rất nhiều ở phần sau. Cha cõng con qua những con đường nhốn nháo của phố thị. Cha cõng con đi tìm chiếc tổ của những con chim sắt khổng lồ. Cha cõng con đứng giữa toà nhà chọc trời xanh ngắt màu hy vọng dù lúc đó hy vọng về một phép màu thật sự mong manh.

Cảm giác đối lập được tạo ra từ hình ảnh "cha cõng con" đã khiến bộ phim giá trị hơn rất nhiều khi mà cha thà cùng con chạy trên những đồng cỏ vàng ruộm của núi rừng còn hơn là cõng con trên vai đi khắp thế gian để con khỏi bệnh. Nhưng đồng thời, sự lạc quan chảy trong những ngách bi kịch cũng khiến bộ phim trở nên tuyệt đẹp về tinh thần khi mà lúc con ra đi thì ước mơ của con cũng đã hoàn thành.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 9.

Phần âm nhạc được giao cho nhạc sĩ Hàn Quốc Lee Dong Jun, người đã làm nhạc cho các phim nổi tiếng ở Hàn như Shiri, Taegukgi hay Điều Kì Diệu ở Phòng giam số 7. Vì thế mà không cần những ca từ hoa mỹ, âm nhạc của Cha Cõng Con vẫn dễ dàng chạm đến cảm xúc người xem trong những thước phim tản mạn.

Còn hơi đơn điệu nhưng vẫn là tác phẩm giá trị

Xét về tổng thể, Cha Cõng Con sở hữu những cảm xúc rất đắt giá mà sau khi xem xong khán giả vẫn giữ lại được trong lòng. Hình ảnh, âm nhạc hay diễn xuất đều hỗ trợ cho nhau nhịp nhàng. Nhưng các thủ pháp nghệ thuật mà đạo diễn sử dụng trong phim vẫn còn đơn điệu. Phim có rất nhiều hình ảnh đạt hiệu ứng thị giác, cảm giác nhưng vẫn thiếu sự độc đáo của điện ảnh để có thể tạo ra sự ấn tượng nhiều hơn những thước phim mang tính quảng bá du lịch.

Cha Cõng Con - Tinh khiết như một ly nước cất - Ảnh 10.

Cách dựng phim cũng dễ dàng tạo ra cảm giác lê thê khi có những khung hình được giữ khá lâu mà không có điểm nhấn cần thiết. Như đã nói, việc tiết chế cảm xúc dù có chủ đích nhưng đồng thời lại không thể đẩy bộ phim lên cực hạn. Nó khiến cho rất nhiều dụng ý được bày ra trong phim bị cụt.

Nhưng tóm lại thì Cha Cõng Con vẫn là một tác phẩm đáng để trải nghiệm. Nó trong veo như ly nước cất mà khán giả được uống sau những bộ phim liên tục được quảng bá là nước khoáng thiên nhiên nhưng thực chất vẫn chỉ là nước đóng chai của dây chuyền công nghệ. Cha Cõng Con giống như một điểm thở giữa sự hối hả của dòng chảy điện ảnh nội địa về thể loại, thị hiếu cũng như áp lực về cải tiến của công nghệ. Phim được kể bằng cảm xúc và giữ lại được cảm xúc, thế là đầy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày