Nhiều tháng cuối năm 2019, giá lợn xuất chuồng và giá heo hơi tại các chợ, siêu thị tại các tỉnh thành trên cả nước liên tục tăng mạnh, có thời điểm phi mã "chạm đỉnh" khiến đời sống tiêu dùng của người dân bị đảo lộn.
Giữa tháng 12, theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ truyền thống, chợ tạm và siêu thị lớn ở Hà Nội, bình quân giá thịt lợn vào khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg, thịt ba chỉ tăng tới 230.000 đồng, sườn non giá 260.000 đồng. Đây được xem là mức giá tăng chóng mặt, cao nhất trong vòng 5 năm qua của ngành chăn nuôi.
Hiện tại, giá thịt lợn tại miền Bắc có xu hướng giảm nhẹ nhiều ngày gần đây. Bình quân giá thịt lợn ở Hà Nội phổ biến 100.000 - 150.000 đồng/kg, ba chỉ giảm còn 209.900 đồng/kg, sườn non có giá 219.900 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, và nhiều thời điểm thậm chí "ngang ngửa" thịt bò.
Giá thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ những ngày gần đây...
Trong khi đó, thịt bò vẫn giữ nguyên mức giá, bình ổn từ đầu tháng.
Tính đến sáng ngày 29/12, tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, thăn bò có giá 334.900 đồng/kg, nạm bò: 214.900 đồng/kg, bắp bò loại 1: 304.900 đồng/kg, đùi bò: 294.900 đồng/kg,... Nhìn chung, giá thịt bò không bị biến động quá nhiều trước sự ép từ thịt lợn.
Trước tình hình này, bên cạnh rau, gà, cá, nhiều hộ gia đình xem xét sử dụng thịt bò thay thế thịt lợn. Mức giá 2 loại thịt có phần tương đương nhau, giá trị dinh dưỡng thịt bò có phần "nhỉnh" hơn so với thịt lợn.
So sánh giá thịt lợn và thịt bò tính đến ngày 29/12/2019. Thiết kế: Hà Mĩ.
Chị Trang Đỗ (29 tuổi, quận Hà Đông) chia sẻ, nếu có 100.000 đồng đi chợ giữa thời điểm giá thịt lợn phi mã như hiện nay, chị sẽ chọn mua thịt bò thay thế, vì loại thịt này theo đánh giá của chị, là "ngon" và "ra" hơn hẳn. "Giá thịt lợn tăng cao quá, mua có vài miếng xương mà cũng mất 70k, 80k. Trong khi trước đó chỉ cần mua 50k là đã thoải mái nấu canh, thậm chí là làm cả sườn xào chua ngọt. Giờ mà cầm 50k đi chợ thì chỉ "dám" mua thịt bò vì dù sao thì thịt bò rất "ra"", chị Trang nói.
Đồng quan điểm, chị Hương (40 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cho biết, để cân bằng chi tiêu, bên cạnh các loại thực phẩm khác thay thế thịt lợn như thịt gà, cá,... thỉnh thoảng chị sẽ mua thêm một lượng vừa phải thịt bò, đảm bảo đủ chất dưỡng chất cho bữa cơm gia đình. Chị Hương nói: "Chưa bao giờ mà mình phải tính toán và cân nhắc khi mua thịt lợn như bây giờ. Trước đây, các bữa cơm nhà mình hầu hết đều phải có thịt lợn thì bây giờ mình phải tính toán thay thế bằng thịt gà hay cá và thịt bò".
Giá thịt lợn bất ngờ tăng cao khiến không ít người dân phải thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang sử dụng các các thịt thay thế như cá, gà, bò,... Trên thực tế, thịt lợn tăng giá, kéo theo đó nhiều loại thịt khác có xu hướng tăng theo, như gà, ngan, vịt,... nhưng thịt bò vẫn giữ nguyên mức giá ổn định.
Cùng một mức chi tiêu, các bà nội trợ phân vân sẽ chọn thịt lợn hay thịt bò, để cân đối bữa cơm gia đình.
"Nếu như mấy tháng trước cả gia đình ăn thoải mái 50.000 đồng thịt lợn, thì hiện nay, với sức tăng chóng mặt của giá cả, 50.000 đồng còn không đủ một bữa, đỉnh điểm mức giá 260.000 đồng/ kg sườn non. Trong khi đó, thịt bò nhiều loại chỉ 245.000-260.000 đồng/kg. Với giá lợn như hiện nay chắc mua thịt bò ăn... sướng hơn" - chị Hương nói thêm.
Nhiều thống kê cho thấy, thịt lợn chiếm tới 70-75% khẩu phần ăn của người tiêu dùng Việt Nam, thịt gia cầm chiếm 20-25%, còn thịt bò và gia súc khác chỉ khoảng 5-10%. Xu hướng này có vẻ như đã thay đổi phần nào giữa sức nóng của cơn bão giá, khi các bà nội trợ cân nhắc rất "cẩn trọng" trước khi đưa ra quyết định. Đặc biệt, theo một số tiểu thương, sức mua thịt bò đã tăng hơn so với trước.
"Mỗi ngày đi chợ là một mức giá thịt lợn, "bữa ăn có thịt" của gia đình chúng tôi càng trở nên xa xỉ. Để đảm bảo cân đối, tôi linh hoạt thay thế lợn bằng các loại thịt khác như gà, vịt,... đôi khi là thịt bò. Gần Tết rồi, hy vọng mức giá các loại thực phẩm sẽ được cân bằng và ổn định" - cô Hạnh (50 tuổi, quận Thanh Xuân) nói.
Nguyên nhân giá thịt heo tăng mạnh vào thời điểm hiện nay là do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một số địa phương trong thời gian qua khiến lượng heo hơi cung cấp cho thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung thịt lợn không thiếu đến mức giá "lập kỷ lục" liên tiếp như vậy.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), khẳng định nguyên nhân giá heo tăng cao, bên cạnh sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, là do thông tin chưa đầy đủ, "có thương lái, hộ chăn nuôi lợi dụng thời cơ để "găm" hàng và cùng nhau đẩy giá.
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 26/12, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguồn cung thịt lợn đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn, để có thể điều chỉnh lại giá cả thị trường trên cả nước.
Bộ Công Thương đã tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn từ các nước như Mỹ và các quốc gia có quan hệ thương mại 2 chiều với Việt Nam.