Nếu đang sử dụng MacBook hoặc iMac sản xuất trong giai đoạn từ năm 2013-2018, thiết bị của bạn có khả năng gặp phải các vấn đề phần cứng do thiếu bộ lọc bụi. Đó là hiện tượng đốm đen trên màn hình, hiệu suất giảm và máy nhanh bị nóng. Điều này dẫn tới việc người dùng phải tốn tiền sửa chữa không đáng có.
Theo Softpedia, Hagens Berman là công ty luật đại diện cho các nguyên đơn công khai sẽ kiện Apple ra tòa vì lỗi sản xuất này.
Theo cáo trạng, Apple đã không gắn các tấm lọc bụi trong MacBook và iMac. Kết quả là bụi dễ dàng lọt vào trong máy gây ra hiện tượng bẩn trong màn hình, giảm tốc độ xử lý do bụi bám vào bo mạch chính và các linh kiện quan trọng khiến máy khó thoát nhiệt. Đây cũng là nguyên nhân khiến MacBook hoặc iMac nhanh bị nóng sau một khoảng thời gian dài sử dụng.
Thông thường, máy tính sẽ hút không khí vào để làm mát các thành phần linh kiện bên trong. Nhưng nếu không có bộ lọc khí, cách làm mát này vô tình lại đem bụi bẩn trong không khí vào trong máy. Kết quả như đã nói là màn hình dễ bị bẩn ở bên trong, linh kiện cũng bị bám bụi và ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng.
Steve Berman, đồng sáng lập công ty luật Hagens Berman chia sẻ: "Apple là công ty giá trị nhất thế giới vì người tiêu dùng tin tưởng hãng luôn tạo ra các sản phẩm chất lượng và đáng tin cậy. Nhưng Apple đã không xử lý được một trong những vấn đề đơn giản nhất trong giới công nghệ, đó là vấn đề tích tụ bụi bẩn. Lỗi thiếu bộ lọc bụi khiến người dùng của Apple phải mất hàng trăm đô tiền sửa chữa. Trong khi đó, Apple lại phủ nhận mọi trách nhiệm".
Berman nó thêm: "Chúng tôi sẽ buộc Apple phải chịu trách nhiệm về những sai sót đã gây ảnh hưởng tới hàng triệu chiếc MacBook và iMac tới nay".
Cũng theo hồ sơ vụ kiện, số thiết bị gặp phải các vết bẩn và đốm đen trong màn hình trải dài trên hàng loạt thiết bị từ iMac, iMac Pro, MacBook Pro, MacBook và MacBook Air. Đáng chú ý, người dùng sẽ phải trả tới 600 USD để sửa chữa vấn đề vết bẩn trên màn hình trong trường hợp máy tính đã hết hạn bảo hành.
Vụ kiện tập thể chống lại Apple mong muốn nhận khoản bồi thường bằng tiền mặt cho chủ sở hữu máy Mac. Số tiền này bao gồm tiền phạt vì màn hình không như quảng cáo, khoản bồi hoàn chi phí sửa chữa và cả khoản lỗ khi bán lại do màn hình bị vấy bẩn và hiệu suất giảm.
Trước đó, công ty luật Hagens Berman từng tham gia kiện Apple vì cáo buộc làm chậm iPhone hồi cuối năm ngoái.
Chiến thắng lớn nhất của công ty từng đạt được trước Apple là vụ kiện liên quan đến vi phạm luật chống độc quyền sách điện từ hồi năm 2014. Apple khi đó đã thua kiện và phải bồi thường 450 triệu USD do vi phạm luật chống độc quyền.
Tiến Thanh