Cơm là nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu trong chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam. Phần lớn mọi người ăn cơm mỗi ngày trong bữa ăn gia đình, và việc đôi lúc nấu thừa cơm là khó tránh. Nếu biết cách bảo quản cơm nguội, bạn sẽ duy trì được chất lượng và sự an toàn của nó. Bảo quản không đúng cách, cơm nguội không chỉ kém ngon mà còn có thể gây hại sức khỏe.
Theo các chuyên gia tư vấn của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản - đơn vị thường xuyên chia sẻ kiến thức về sử dụng nông sản, việc bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh không đúng cách khiến chất lượng tinh bột kém đi và mùi vị cũng dở hơn. Họ đề xuất phương pháp đúng đắn để bảo quản cơm nguội như sau: Trước tiên, cần nấu cơm chín dẻo, sau đó để nguội rồi chia thành các phần ăn, cho vào hộp có nắp đậy hoặc túi zip kín và cấp đông trong tủ lạnh.
Trước bữa ăn, bạn bỏ hộp cơm ra rã đông và hâm nóng lại bằng lò vi sóng là cơm thơm dẻo như bình thường. Nếu ăn thừa bữa này, bạn tuyệt đối không được cho cơm vào bảo quản lần thứ hai vì khi đó cơm sẽ bị hồ hoá, mất chất dinh dưỡng và bất lợi cho tiêu hóa.
Cách bảo quản cơm nguội đúng giúp bảo đảm chất lượng, hương vị cơm. (Ảnh: Istock)
Các chuyên gia của Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Bản cho rằng, cơm nguội có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 4 - 6 ngày sau khi nấu và tối đa 6 tháng trong tủ đông.
Một số lưu ý khi bảo quản cơm nguội
- Cần bảo quản cơm nguội trong hộp/túi zip sạch và kín, không để thức ăn mặn dính vào.
- Tuyệt đối không bảo quản cơm lại lần thứ hai.
- Khi bỏ cơm nguội ra dùng, bạn cần kiểm tra lại xem chúng có dấu hiệu thiu, mốc hay có gì bất thường không. Nếu cơm không có mùi lạ thì vẫn dùng được bình thường, còn nếu cơm bết dính bất thường thì đó có thể là dấu hiệu vì khuẩn xâm nhập, hãy bỏ đi thay vì sử dụng.
- Cơm quá khô, cứng cũng không nên giữ lại dùng vì chất lượng và hương vị đã giảm đi.
- Hâm lại bằng nồi cơm điện: Sử dụng nồi cơm điện để hâm cơm là cách làm tiện lợi và phổ biến nhất; nhưng nếu chỉ đổ cơm vào rồi cắm điện không thì cơm sẽ bị khô.
Để khắc phục điều này, bạn có thể dùng cách hấp cơm bằng vỉ hấp: Cho cơm nguội vào tô rồi đặt lên vỉ hấp, đổ một ít nước vào nồi cơm, đậy nắp lại rồi nhấn nút "cook". Đợi một lúc cho nồi cơm nhảy nút là bạn đã có một bát cơm ấm nóng và ngon. Đơn giản hơn, bạn chỉ cần đổ cơm nguội vào nồi rồi cho thêm ít nước, nhấn nút "cook", đợi khoảng 5 - 10 phút cho nút ủ bật lên là được.
- Hâm bằng lò vi sóng: Để nhanh chóng tiết kiệm thời gian hơn, bạn hãy hâm cơm nguội bằng lò vi sóng. Để cơm không khô, bạn hãy bỏ một viên đá lên bát cơm, bọc lại bằng màng bọc thực phẩm, đục lỗ nhỏ để hơi nươc thoát ra rồi chỉnh lò, khởi động là xong.
Việc bảo quản, cấp đông cơm giúp tiết kiệm thời gian - một lần nấu ăn nhiều bữa - hoặc tận dụng cơm thừa, tuy nhiên bạn chỉ nên áp dụng nếu thực sự bận bịu và không có đủ thời gian cho hoạt động nấu nướng, hoặc khi lỡ tay nấu quá nhiều cơm. Nhìn chung, chúng ta nên nấu cơm mới hàng ngày để vừa ăn ngon vừa tốt cho sức khoẻ.